Chuyện của những người 'đồng nát y tế'

'Chưa có ngày nghỉ' - đó là nỗi niềm của 7 nhân viên y tế phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội trong 2 năm qua.

Chưa có giấc ngủ yên

Vừa dứt cuộc gọi với một bạn trẻ thông báo có có tiếp xúc với F0, điện thoại của chị Bắc - Trạm trưởng TYT phường Khương Đình lại reo lên, đầu dây bên kia gọi điện "thông báo tự test nhanh tại nhà phát hiện dương tính"...

Bên cạnh chị Bắc, chị Thảo đang nhập số liệu F0 nhưng điện thoại cũng liên tục reo, trong buổi sáng 7 chiếc điện thoại của nhân viên y tế và của TYT phường Khương Đình liên tục "nổ'' chuông.

Chị Thảo không nhớ đã tiếp bao nhiêu cuộc gọi, chỉ biết rằng từ sáng giờ chị chưa giải quyết được việc gì ngoài việc nghe điện thoại, vừa nói tay chỉ vào chồng giấy cao ngất, một tập dữ liệu F0, F1 đang chờ giải quyết…

Chị Bắc cho biết chỉ việc nghe điện thoại đã mất rất nhiều thời gian của nhân viên y tế… Điện thoại reo từ lúc 6h sáng đến 11h đêm, thậm chí có đêm đang ngủ cũng có người gọi điện thông báo ca bệnh.

Nhiều tháng nay các nhân viên y tế không có giấc ngủ yên, đêm nào giấc ngủ cũng thấp thỏm bởi tiếng chuông điện thoại. Chị Bắc cho biết, do việc trả mẫu xét nghiệm thường về cuối ngày nên khoảng thời gian này nhân viên y tế hầu như chỉ nghe điện thoại để tiếp nhận các dữ liệu người dân thông báo.

Chị Bắc - Trạm trưởng TYT phường Khương Đình hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế xuống lấy mẫu xét nghiệm.

Công việc hàng ngày nhiều vô cùng, ngay khi tiếp nhận thông tin của người dân phải phân loại thuộc đối tượng nào F0, F1, F2 hay người liên quan, sau đó làm tờ trình (với F0 báo cáo nhanh), viết phiếu điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, những trường hợp mong muốn điều trị tại nhà, nhân viên y tế phường thẩm đủ điều kiện, rồi nhập dữ liệu F0, F1, tính ngày lấy mẫu, ngày dừng cách ly, cấp phát thuốc cho đối tượng điều trị …

Công việc quá tải, lực lượng y tế mỏng không đáp ứng được. Cả phường Khương Đình có 9 nhân viên y tế, có 1 trường hợp nghỉ sinh, 1 trường hợp phục vụ trong khu thu dung điều trị của quận. Hiện còn 7 nhân viên y tế phụ trách 34 nghìn dân. Để không bị chồng chéo công việc, TYT phường Khương Đình chia nhau mỗi người phụ trách 4-5 tổ dân phố, có nhiệm vụ theo dõi số F0, F1, F2… của các tổ.

Chị Thảo kể, điện thoại luôn trong tình trạng cuộc nọ chờ cuộc kia, nhiều khi người dân gọi không được bức xúc, chửi bới, trách móc nhân viên y tế thiếu trách nhiệm.

Những ngày này số lượng F0 tăng nhanh khiến áp lực công việc càng lớn hơn. Riêng một buổi sáng tôi chứng kiến, nhân viên y tế phường đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 70 trường hợp F1, chưa kể các trường hợp ho sốt, tự test nhanh dương tính nhân viên y tế phải đến nhà lấy mẫu.

"Có những ngày rong ruổi ngoài đường cả ngày đi lấy mẫu xét nghiệm, các túi rác buộc lủng lẳng sau xe, người dân nhìn thấy gọi bông đùa là "đồng nát y tế". Chị Giang - điều dưỡng TYT phường Khương Đình cười buồn.

Chị Hằng vừa nhập dữ liệu vừa tiếp nhận cuộc gọi khai báo y tế của người dân.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, chế độ chi trả chưa hợp lý

Công việc quá tải nhưng trang thiết bị phục vụ cũng rất thiếu thốn. Cả TYT phường Khương Đình chỉ có 2 máy tính đã cũ mà tất cả công việc đều cần máy tính nên cứ xếp hàng đợi nhau, 2 cái máy in thì hỏng hóc liên tục, nhân viên y tế phải bỏ tiền sửa chữa. Viết đơn lên phường xin thêm trang thiết bị thì được trả lời phải có kế hoạch xin từ đầu năm…

Cả TYT không có bình nóng lạnh, nhiều đêm đi lấy mẫu về muốn được tắm cho nhẹ người nhưng không có nước ấm để dùng…

"Đúng kiểu chống dịch như chống giặc "có gì dùng nấy", tất cả đều tận dụng nguồn lực tại chỗ", chị Bắc cười nói. Theo chị Bắc, TYT phường Khương Đình đang có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp nên chưa được đầu tư.

Tuy nhiên, điều khiến các nhân viên y tế chạnh lòng đó là, khối lượng công việc của họ rất lớn nhưng chế độ chi trả cho nhân viên y tế chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Với hiện trạng công việc hiện nay, một buổi trực phải có tối thiểu 2 người thì mới đáp ứng được công việc, có ngày còn phải huy động 3-4 nhân lực. Tuy nhiên, theo quy định của Sở Y tế chế độ trực chỉ được thanh toán cho một người.

Như 2 nhân viên y tế trực đêm qua, đáng lẽ hôm nay sẽ được nghỉ một ngày để hồi sức nhưng vì không có người làm đã phải ở lại làm đến gần 11h giờ trưa mới ra khỏi trạm được.

Trong buổi sáng chị Giang - NVYT phường Khương Đình đã lấy hơn 70 mẫu xét nghiệm các trường hợp F1.

Gác lại việc cá nhân

Công việc nhiều nên việc ăn uống cũng thất thường, nhân viên y tế gần như không có thời gian ăn sáng, đến cơ quan ai mua được ổ bánh mì hay bắp ngô thì cấu véo ăn chung.

Bữa trưa bắt đầu lúc 1, 2 giờ chiều, buổi tối 9,10 giờ đêm mới ra khỏi nhiệm sở, lúc đó chồng con cũng đã yên giấc. Nhiều tháng nay các chị em không biết đến bữa cơm gia đình.

Chị Thảo kể lại, có những ngày đưa F0 sang viện tận 2h đêm mới được trở về, sau khi giải quyết thủ tục, giấy tờ, hơn 3h mới đặt mình lên giường, chưa kịp vào giấc ngủ thì chuông điện thoại reo.

Đứa con nhỏ gần 2 tuổi cần sự chăm sóc của mẹ nhưng quá bận đành phải phó mặc cho chồng và bà nội chăm sóc. Đã nhiều ngày đứa nhỏ không được mẹ chơi cùng.

Có những ngày nhân viên y tế phài đưa F0 đến viện điều trị, hơn 2 giờ sáng mới trở về nhà.

Từ cuối tháng 4 đến nay, chị Giang phải gửi 2 con nhỏ về quê cho ông bà ngoại chăm sóc, cũng là ngần nấy thời gian chống dịch chị chưa có thời gian về thăm con.

Hai con, một đứa 9 tuổi đang học trực tuyến và một bé 3 tuổi đều cần sự chăm sóc, quan tâm của cha mẹ nhưng đành bất lực. Chị nói, không mong con giỏi giang chỉ mong cho con khỏe mạnh để anh chị yên tâm làm việc. Dịch thế này, không biết Tết có được về quê thăm con…

Cách đây một tuần, đi lấy mẫu xét nghiệm trở về trong đêm muộn, chị Bắc trúng gió lạnh bị viêm phổi, nhưng công việc không cho phép nghỉ ngơi. Giọng trầm buồn chị kể, năm nay sang cát cho mẹ nhưng không về được, đành nhờ hết vào các em và họ hàng. Hy vọng, dịch bệnh sớm hết, công việc vơi đi để chị về quê thắp nén nhang tạ tội với mẹ sau. Con gái chị cũng vừa sinh cháu nhưng công việc tiếp xúc nhiều với mầm bệnh nên cũng không thể đến thăm, dù thương con, thương cháu nhưng đành phải để con tự xoay xở.

Năm nay con chị Minh thi cuối cấp nhưng công việc quá bận không có thời gian trông nom việc học hành của con, chị đành nhờ cô giáo chủ nhiệm quan tâm nhắc nhở, có thông tin gì của con nhờ cô nhắn riêng, nhắn trong group lớp chị không có thời gian để xem. Thậm chí bố mẹ chồng chị ốm đi viện cũng không có thời gian vào chăm sóc.

"Tất cả mọi người trụ được với nghề là vì tình yêu nghề và may mắn được sự ủng hộ của gia đình. Nhiều lúc tự nghĩ không hiểu sao có đủ sức khỏe để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chúng tôi mong người dân có cái nhìn bao dung, thấu hiểu hơn cho nhân viên y tế cơ sở. Và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có một chính sách chi trả chế độ tương xứng với những gì nhân viên y tế cơ sở đã công hiến", chi Bắc tâm tình!.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chuyen-cua-nhung-nguoi-dong-nat-y-te-169211217102454109.htm