Chuyện của người sống sót cuối cùng rời khỏi hang Bản Giới

Hang Bản Giới thuộc xã Trường Hà cũ (nay là xã Xuân Hòa), huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây vào tháng hai, tháng ba năm 1979 đã chứng kiến những trận đánh bi hùng của quân đội ta trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Là người sống sót cuối cùng rời khỏi hang Bản Giới sau trận xả súng, ném lựu đạn của quân đội Trung Quốc đêm, rạng sáng ngày 6/3/1979, mặc dù 43 năm đã trôi qua nhưng với bà Hoàng Thị Sinh - xã Thượng Long, huyện Yên Lập, những ký ức về thời gian ở Hà Quảng vẫn như vừa mới hôm qua…

Bà Hoàng Thị Sinh kể về những giây phút thoát chết thần kỳ khi ở hang Bản Giới.

Bà Hoàng Thị Sinh nhập ngũ tháng 11/1976 khi vừa tròn 18 tuổi. Cùng thời điểm đó, cả huyện Yên Lập có 30 thanh niên xung phong nhập ngũ và được điều động lên Hà Giang. Khi mới nhập ngũ, bà được phân công về đơn vị: Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1. Sau đó một năm thì bà chuyển về cơ quan Trung đoàn Bộ làm nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ và làm liên lạc tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Trong thời gian ở Cao Bằng, bà cùng các đồng đội trong đơn vị thường xuyên phải di chuyển nhiều nơi. Đến đầu tháng 2/1979, bà được điều động về hang Bản Giới. Bà Hoàng Thị Sinh cho biết: Khu vực Bản Giới có hai hang đá tự nhiên, hang trên cách hang dưới 20m... Bên phải hang là đường đi cửa khẩu Sóc Giang, bên trái là đường đi Nặm Nhũng. Hang dưới nhỏ hơn, phía bên trong hang như một giao thông hào nhiều ngách đá, to nhỏ, có chỗ thông ra bên ngoài.

Đơn vị của bà được lệnh di chuyển lên hang Bản Giới vào đúng thời điểm trận chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Tất cả Trung đoàn Bộ được lệnh lên tiền phương ở Kép Ké, gần cửa khẩu Sóc Giang, chỉ còn hơn 30 người ở lại hang Bản Giới làm hậu cứ, đảm bảo công tác hậu cần, trông nom tài liệu. Ngoài ra, còn một tiểu đội vệ binh ở lại để bảo vệ.

Đêm, rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ dội pháo sau đó đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200km.

Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân. Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn với khoảng 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.

Đạn pháo quân Trung Quốc nã dồn dập vào biên cương, thương vong của ta không thể kể xiết.

Cán bộ Ban CHQS huyện Yên Lập tìm hiểu tư liệu lịch sử về cuộc chiến tại Hà Quảng, Cao Bằng mà bà Hoàng Thị Sinh là nhân chứng sống.

Bà Sinh nhớ lại: Sau những loạt đạn pháo trút xuống Hà Quảng, ngày 19/2/1979 địch đã vào bao vây khu vực hậu cứ. Một số đồng chí vượt vòng vây ra phía sau rút đưa thương binh vào hang Bản Giới. Từ ngày 19/2 - 6/3/1979, mọi người cố thủ trong hang, tổng có khoảng 30 người. Tuy nhiên, sau vài ngày giao tranh dữ dội, cán bộ chiến sĩ ta đánh trả quyết liệt nên một số vệ binh đã hi sinh. Cuộc sống trong vòng vây ngày càng khó khăn. Thiếu lương thực, vũ khí, đạn dược cũng cạn dần nhưng dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Nguyễn Khắc Đễ - Phó Chính ủy Trung đoàn, cán bộ chiến sĩ khích lệ nhau, nêu cao tinh thần chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, giết và bị thương nhiều lính Trung Quốc ngay tại cửa hang Bản Giới.

Đến ngày 5-6/3/1979, trận chiến ngày càng ác liệt. Không còn đạn, chỉ còn súng, Phó Chính ủy Nguyễn Khắc Đễ và nhiều đồng đội hi sinh, chỉ có khoảng hơn chục người còn sống, mọi người quyết định ra khỏi hang. Tuy nhiên, khi di chuyển thì bị địch phục kích nên đành quay lại hang Bản Giới để tránh trú.

Tờ mờ sáng ngày 6/3/1979, địch xông vào hang tiếp tục xả súng và bắn lựu đạn, cửa hang bị đánh sập. Bà Sinh may mắn nằm trú trong ngách chữ A nên thoát chết, tuy nhiên bị đất đá vùi lấp, cửa hang cũng bị bịt kín, xung quanh không còn ai sống sót. Sau khoảng bốn ngày cào đá, nhiều lúc tuyệt vọng tưởng chừng cái chết đã cận kề nhưng với ý chí và khát khao được sống, cuối cùng bà đã thoát được ra ngoài. Sau này tìm hiểu bà mới biết, các đồng đội đều đã hi sinh sau trận xả súng của quân đội Trung Quốc, có năm người bị bắt sang Trung Quốc làm tù binh và sau đã được trao trả về Việt Nam.

43 năm đã qua đi nhưng những ký ức về trận chiến năm nào ở hang Bản Giới vẫn in sâu trong tâm trí bà Hoàng Thị Sinh. Lần đầu tiên bà trở lại thăm hang Bản Giới là vào năm 2019. Khi đó ở gần khu vực hang có một miếu nhỏ người dân lập lên để thắp hương cho các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống tại đây.

Sau này, khi câu chuyện của bà về những ngày ở hang Bản Giới được lan tỏa tại một hội thảo, được sự lắng nghe và giúp đỡ của Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu - Phó Chính ủy Quân khu 1 và sự ủng hộ của các cựu chiến binh Trung đoàn 246, cuối năm 2021 đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại hang Bản Giới đã được xây dựng tại thị trấn Xuân Hòa, Hà Quảng, Cao Bằng.

Không chỉ vậy, tổ công tác cùng các cơ quan chức năng của Quân khu 1 cũng đã tìm đến gặp bà Sinh để lấy thông tin và sơ đồ vào hang Bản Giới, tìm kiếm và quy tập các hài cốt liệt sĩ còn sót lại… Hiện nay, trong hang không còn hài cốt chưa được quy tập.

Sơ đồ hang Bản Giới được bà Sinh vẽ lại.

Hơn bốn mươi năm trôi qua, những người lính tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đến nay người ít cũng đã ngoài 60 tuổi. Khi trở về địa phương, có người tiếp tục công tác trong quân đội, có người xuất ngũ, chuyển ngành. Riêng bà Hoàng Thị Sinh, năm 1984 bà chuyển ngành từ Bệnh viện 6 của Quân khu 2 về Bệnh viện đa khoa huyện Yên Lập nay Trung tâm Y tế huyện công tác, đến năm 2013 thì nghỉ hưu. Dù trong hoàn cảnh hay vị trí nào, bà cùng các đồng đội của mình vẫn luôn duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của người lính “bộ đội Cụ Hồ”, là những tấm gương sáng trong công việc, cuộc sống, được nhiều người yêu mến.

Thượng tá Dương Văn Đồng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Yên Lập cho biết: Huyện Yên Lập là vùng quê giàu truyền thống các mạng. Toàn huyện có trên 4.400 đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến các thời kỳ: Chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc; gần 3.000 đối tượng là quân nhân tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; trên 550 đối tượng dân quân tập trung bảo vệ các trận địa pháo phòng và khoảng 2.400 đối tượng là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ. Biết ơn những mất mát và hi sinh của các đồng chí, trong những năm qua, Ban CHQS huyện luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các quan quan chức năng thực hiện đảm bảo và chăm lo đầy đủ chế độ cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ… Mong rằng sự tri ân đó sẽ là nguồn động viên tinh thần với các thế hệ cha anh đi trước đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trên quê hương Yên Lập anh hùng.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/chuyen-cua-nguoi-song-sot-cuoi-cung-roi-khoi-hang-ban-gioi/187254.htm