Chuyến công du nhiều rủi ro nhưng cần thiết

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có mặt tại Israel vào hôm nay, 18.10 để hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giữa lúc tình hình ở Trung Đông đang vô cùng căng thẳng. Một số chuyên gia lo ngại chuyến thăm của ông có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro về an ninh và thách thức về chính trị. Nhưng có vẻ như với ông Biden, đây là một hành động cần thiết để khẳng định sự ủng hộ đối với đồng minh, đồng thời cảnh báo họ về những ranh giới đỏ mà Israel không thể vượt qua trong những diễn biến sắp tới.

Nguồn: AP

Nguồn: AP

Thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Biden được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đang ở thăm Israel lần thứ hai trong vòng hai tuần, thông báo sau cuộc đàm phán kéo dài với Thủ tướng Netanyahu ngày 17.10. Ông Blinken cho biết, Tổng thống Joe Biden sẽ tới thăm Israel vào ngày 18.10 để hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và làm rõ rằng "Israel có quyền tự vệ", tái khẳng định tình đoàn kết với Israel, quốc gia có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở Gaza trong những ngày tới.

Trong khi đó, phía Israel sẽ thông báo ngắn gọn cho Tổng thống Mỹ về mục tiêu và chiến lược của chiến dịch tấn công nhằm vào Gaza, nhấn mạnh sẽ tiến hành “theo cách giảm thiểu thương vong cho dân thường và cho phép hỗ trợ nhân đạo đến với dân thường ở Gaza”.

Rủi ro an ninh

Tuy nhiên, Reuters cho rằng, Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden sẽ phải vật lộn với một loạt thách thức chính trị và an ninh gai góc khi các quan chức Nhà Trắng lên kế hoạch cho một chuyến thăm như vậy tới Israel vào thời điểm này.

Chuyến thăm Israel dự kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khiến an toàn cá nhân của ông gặp nguy hiểm, các bình luận viên David Sanger và Peter Baker của báo New York Times viết.

“Chuyến đi của Tổng thống tới Israel vào thời điểm kịch biến như vậy đặt ra những thách thức lớn đối với Nhà Trắng cả từ góc độ chính trị và an ninh”, một nhà báo nhận xét. “Rủi ro về an ninh của một chuyến đi như vậy trở nên rõ rệt hôm 16.10, khi tiếng còi báo động vang lên cảnh báo tên lửa đang lao tới đúng lúc Ngoại trưởng Blinken, người sang Israel lần thứ hai trong vòng một tuần, đang gặp Thủ tướng Netanyahu tại một căn cứ quân sự”, các nhà bình luận cảnh báo.

Còi báo động đã vang lên ở cả Tel Aviv và Jerusalem trong ngày 16.10, làm nổi bật những mối nguy hiểm về an ninh ở hai thành phố mà các Tổng thống Mỹ đã đến thăm kể từ thời Richard Nixon năm 1974. Cánh vũ trang của Hamas cho biết họ đã bắn một loạt tên lửa, bao gồm cả về phía sân bay Ben Gurion, cửa ngõ quốc tế chính của Israel.

Về phần mình, Israel đang lên kế hoạch cho một chiến dịch trên bộ ở Gaza dự kiến sẽ làm gia tăng cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó, đồng thời các tên lửa đã được phóng đi giữa Lebanon và Israel, trong bối cảnh người Israel trên khắp cả nước tiếp tục trú ẩn trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas.

Do đó, một chuyến đi tiềm năng tới Israel lần này sẽ đặt ra cho Nhà Trắng những thách thức và câu hỏi phức tạp hơn cả chuyến đi hồi tháng 2 của ông tới Ukraine, nơi cũng đang có xung đột với Nga, khi phải thảo luận, lên kế hoạch và làm công tác chuẩn bị với thời gian dài hơn nhiều.

Một số nhà lãnh đạo phương Tây khác như Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những nghị sĩ Mỹ cũng đang lên kế hoạch thăm Israel tương tự. Nhưng các Tổng thống Mỹ hiếm khi đến thăm các đồng minh ngay sau khi xung đột bùng nổ, thường giao công việc này cho một nhà ngoại giao cấp cao hoặc quan chức quốc phòng.

Phó Chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Jon Alterman cho biết: “Các chuyến thăm của Tổng thống được lên kế hoạch chặt chẽ, nhưng các cuộc xung đột thường rất khó lường và không thể dự đoán trước được tất cả các tình huống có thể xảy ra”. Một số chuyên gia thì lưu ý, rủi ro về mặt chính trị từ quyết định của Tổng thống Biden vẫn “khó đo đếm”, đặc biệt là, những nhân vật đối lập có thể lợi dụng tình huống này.

Cân nhắc của Mỹ

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, một chuyến thăm vào thời điểm này có thể mang lại lợi thế ngoại giao lâu dài cho nhà lãnh đạo Mỹ. Chuyến thăm tiềm năng của ông Biden tới Israel có thể được hiểu là sự ủng hộ cho các lựa chọn chính trị và quân sự đối với Thủ tướng Netanyahu ở Gaza, đồng thời nó cũng có thể mang lại cho Tổng thống Mỹ đòn bẩy mới để tác động đến các sự kiện trên thực địa.

Một quan chức quốc phòng của Mỹ cũng tiết lộ với NBC News rằng khoảng 2.000 lính Mỹ đã được lệnh chuẩn bị triển khai để hỗ trợ Israel. Theo quan chức này, số binh sĩ trên chưa xuất phát và cũng sẽ không đến Israel hay Gaza. Nếu được triển khai, trong vòng 24 giờ họ sẽ tới một quốc gia gần đó để chuẩn bị hỗ trợ Israel. Những binh sĩ được triển khai có nhiều khả năng và chuyên môn khác nhau, bao gồm đội hỗ trợ y tế và xử lý chất nổ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay U.S.S. Dwight D. Eisenhower tới phía Đông biển Địa Trung Hải, phối hợp với nhóm tàu sân bay U.S.S. Gerald R. Ford có mặt từ trước.

Quan trọng hơn, một cuộc gặp trực tiếp sẽ cho phép Tổng thống Biden thảo luận riêng về những lo ngại và những ranh giới đỏ với chiến dịch tấn công trên bộ tiềm tàng của Israel vào Gaza. Trong những ngày gần đây, Tổng thống Biden vừa công khai ủng hộ vô điều kiện cho phản ứng của Israel trước các cuộc tấn công của Hamas, đồng thời thể hiện mối lo ngại đặc biệt về vấn đề nhân đạo đối với người Palestine ở Gaza bị Israel ném bom.

Chuyên gia Alterman nêu quan điểm: “Có lẽ ông Biden cho rằng hoạt động chính trị cũng mang tính cá nhân và tin rằng nếu bạn muốn có bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc đưa ra quyết định của Israel trong vài tháng tới thì Israel phải cảm thấy bạn đang đồng hành cùng họ và hiểu được sự tức giận cũng như nỗi đau của họ”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đang ở thăm Israel sau chuyến công du 6 nước qua các quốc gia Ảrập cho biết, Hoa Kỳ và Israel đã đồng ý phát triển một kế hoạch cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận thường dân ở Gaza; có rất ít chi tiết, nhưng kế hoạch sẽ bao gồm “khả năng tạo ra các khu vực để giúp dân thường tránh khỏi nguy hiểm”.

Cùng trong ngày 17.10, Israel đã đồng ý với Ai Cập rằng các đoàn xe viện trợ ở biên giới sẽ tới Israel và được kiểm tra an ninh tại cửa khẩu Kerem Shalom giữa Gaza và Israel. Viện trợ sau đó sẽ được phép vào Gaza. Một quan chức giấu tên cho biết, Israel chấp nhận một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngắn hạn để tạo điều kiện cho công dân nước ngoài sẽ được phép rời khỏi Gaza thông qua Rafah.

Về phần mình, Alon Pinkas, cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm ở Israel, người từng phục vụ dưới thời cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak, cho biết ông Biden có thể kết hợp chuyến thăm với cuộc gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas ở Bờ Tây, như ông đã làm trong chuyến thăm Israel vào năm ngoái.

Phát biểu từ Washington D.C, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, ngoài chuyến thăm Tel Aviv và Jerusalem ở Israel, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ tới Jordan, nơi ông sẽ gặp Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. Chuyến thăm này cũng sẽ gửi đi thông điệp tới các bên khác trong khu vực, rằng họ không nên can dự và làm leo thang xung đột.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chuyen-cong-du-nhieu-rui-ro-nhung-can-thiet-i346713/