Chuyện con hay chữ

Ðang ngồi xoay xoay cây mai chiếu thủy ở trên bàn để tìm cách tạo dáng bonsai thì một thầy giáo trẻ bước vào: Thầy làm cây sớm vậy! Tôi bắt tay chào. Anh cười, ngồi xuống và đặt lên bàn ly cà phê mua sẵn ở ngoài tiệm đem vào: Ðoán thầy chưa cà phê sáng, em mời. Rồi đặt cuốn sách lên bàn.

Chuyện con hay chữ

Câu ca dao quen mà lạ

Thấy tôi nhìn chăm chú vào cuốn sách, anh nói: Hôm qua có một học sinh đến tặng em cuốn sách, nói trong này có bài viết về câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu kiều…” hay lắm. Em đọc xong, thấy cách cảm của người viết không mới. Tôi đọc phần thẩm bình câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” thấy tác giả nói rằng: “… Nhờ vị thầy giáo mà tôi biết, trong câu ca dao này chúng ta gặp hai chỗ khó hiểu: Một là chữ “sang” và hai là chữ “kiều”. Nếu đọc rồi hiểu theo nghĩa từng chữ thì sẽ có hai cách hiểu khác nhau: Sang là động từ và sang là tính từ. Lướt sơ trên mạng cũng thấy nhiều bài viết nêu ra hai cách hiểu đó bởi nhiều tác giả, có vị là giáo sư nữa. Đó là điểm đáng buồn vì cứ theo cái đà này thì mai mốt đọc ca dao, người ta chỉ toàn đoán nghĩa thôi. Trong khi lẽ ra, dù có bao nhiêu cách hiểu đi nữa thì cũng phải chọn một, vì tác giả không sáng tác ra để ai hiểu sao thì hiểu. Và tất nhiên là chỉ một cách hiểu đúng ý tác giả. Những người hiểu “sang” là “đi qua” đã dựa vào hai cơ sở sau: Thứ nhất, họ cho rằng qua sông ở đây giống như vượt qua một bến mê như con người cần phải học mới sống tốt được; thứ hai, họ dựa vào hai câu trước của bài ca dao dưới đây: “Bồng bồng mẹ bế con sang/ Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo/ Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Như thế rõ ràng chữ sang trong câu thứ nhất có nghĩa “đi qua” nên chữ “sang” trong câu thứ ba cũng không thể khác.

Nhưng sự thật không phải như thế. Ngày xưa dưới thời phong kiến, “Sĩ, nông, công, thương” là bốn giai cấp trong xã hội. Trong đó, sĩ là cao quý nhất, sang trọng nhất. Cái học được người đời coi trọng vì người học giỏi thường đỗ đạt và được ra làm quan. Cái “sang” đi theo sự đỗ đạt một cách hiển nhiên nên mới có “vinh quy bái tổ”, “ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau”. Bây chừ chữ “kiều” trong cầu kiều. Cầu kiều là loại cầu cong, cao vút lên, trông như cái yên ngựa, được xây để nối từ bờ đi ra nhà thủy tạ trên mặt hồ trong cung vua hay phủ của quan.[…] “Muốn con hay chữ” tức là muốn cao sang quyền quý, muốn được đổi đời chứ không phải chỉ muốn sang sông.[…] Ý chính của câu ca dao là “Trọng thầy mới được làm thầy” chứ không phải là nói về tinh thần vượt khó hay sự bất công của xã hội”(*).

Tác phẩm có nhiều tầng nghĩa

Đọc đến đây, tôi quay sang hỏi thầy giáo: Anh thấy thế nào? Thầy giáo nói, cách cảm nhận nghe chưa thật ổn. Tôi nói, ca dao là sáng tác mang tính cộng đồng được truyền từ đời này sang đời khác, nhưng để hiểu thấu đáo cũng khó đấy. “Muốn sang thì bắc cầu kiều”, tác giả thẩm bình ở trên hiểu chữ “sang” theo nghĩa tính từ. Sang là cao sang quyền quý, đối lập với hèn. Còn “kiều” là hình ảnh nơi cung vua, nhà quan lại. Vậy mục đích bắc cầu nói trong câu ca dao chẳng qua là cách nói ví von, là thể thường gặp trong ca dao, mượn cái cớ dạo đầu nhằm so sánh để bộc lộ suy tư, tình cảm, biểu đạt cái điều mà chủ thể trữ tình chính thức muốn nêu ra, muốn nói đến. Xét tương quan, giữa việc xây “cầu kiều” và “hay chữ” không ăn nhập gì với nhau. “Hay chữ” tức học giỏi, thông thái, hiểu biết rộng… cha mẹ muốn con được điều đó thì “yêu lấy thầy”, tức phải biết thể hiện lòng quý mến, kính trọng người dạy bảo con mình - ở đây thể hiện lòng biết ơn. Hơn nữa, tác phẩm văn học hay là tác phẩm có nhiều tầng nghĩa, tác phẩm có chiều sâu không đáy. Người đọc tùy thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng mà vận dụng cách hiểu khác nhau, nên mới có quan niệm cho rằng độc giả nhiều khi là người đồng sáng tạo, chứ không phải nhất nhất “chỉ một cách hiểu đúng ý tác giả”.

Đinh Đình Chiến

(*) Nguyễn Mạnh Hải, Nửa gánh suy tư, nxb Hồng Đức 5/2021

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/chuyen-con-hay-chu-138944.html