Chuyện chụp ảnh Tết ở nơi sơ tán

Ngày ấy, cơ quan tôi sơ tán ở thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Là một đơn vị ca múa nhạc trong ngành Văn hóa nên công việc cũng nhàn rỗi. Ngoài những buổi ôn tập chuyên môn và đi biểu diễn xung kích trên các trận địa pháo, phục vụ văn nghệ bà con trong tỉnh, thời gian còn lại tôi đeo máy ảnh cùng anh bạn công tác ở Phòng Văn hóa huyện đi xuống từng lâm trường, khu sơ tán, trường học, vào từng bản làng người dân tộc để chụp ảnh. Chiếc máy ảnh tôi hành nghề là do ông anh đi công tác Liên Xô cho mượn - máy ZORKI 2.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Ngọc

Nghề chính và nghề phụ

Vào những năm 1970 của thế kỷ trước, người dân ở Đình Cả còn khá lạc hậu nên rất háo hức chụp ảnh, họ ao ước có thợ ảnh về tận nhà, nhất là vào dịp Tết đến Xuân về. Tâm lý nhà nào cũng muốn có tấm ảnh chung cả gia đình, người già chụp một kiểu phóng to để sau này đặt lên bàn thờ cho con cháu. Đông nhất là số thanh niên trẻ, những tấm ảnh đen trắng nho nhỏ, xinh xinh cỡ 4x6cm (hoặc 6x9cm) luôn được các cô gái kẹp trong một cuốn sổ tay mang theo người. Hoặc những dịp tiễn người yêu lên đường nhập ngũ, một tấm ảnh nhỏ và chiếc khăn mùi soa có thêu vài dòng chữ kỷ niệm là món quà không thể thiếu của các cô gái đang độ trăng tròn. Chính vì thường xuyên xuất hiện với chiếc máy ảnh khắp các bản làng, lâm trường, khu sơ tán, trường học… nên tôi trở thành anh “phó nháy” nổi tiếng khắp vùng. Người dân nơi đây biết đến tôi với tư cách một anh thợ ảnh nhiều hơn là một nhạc công trên sân khấu.

Tết ba mẹ con

Thường thì vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết, tôi có mặt từ sáng sớm ở gia đình người dân tộc trong các bản làng. Nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ rất muốn chụp ảnh nhưng phần vì phải lên tận phố huyện rất xa, phần lại lo máy bay Mỹ luôn rình rập oanh tạc nên đa số đều… tạm gác lại cái nhu cầu ấy. Vì thế, khi nghe tin có thợ ảnh về làng, họ rủ nhau tụ tập đến chỗ tôi. Những phụ nữ có con nhỏ bồng bế gọi nhau từ xóm trên, bản dưới. Các cô gái trẻ xúng xính trong bộ cánh mới, bẽn lẽn, lấp ló sau các khóm cây, muốn vào chụp ảnh nhưng lại xấu hổ. Dưới mái hiên nhà, một chiếc bàn phủ vải hoa, bên trên có lọ hoa giấy, bộ ấm tách trà, chiếc phích Rạng Đông, hai bên là hai ông bà ngồi tay cằm quạt giấy là hình mẫu cho nhiều gia đình chụp.

Một kỷ niệm tôi nhớ mãi đến ngày nay, đó là những ngày áp Tết Nguyên đán, trong bản, ngoài xóm nhà nhà chuẩn bị cho cái Tết. Cơ quan tôi đã nghỉ, anh em về xuôi từ mấy ngày trước, riêng tôi còn phải chờ chiếc xe lâm trường để đi nhờ ra ga Thái Nguyên rồi lên tàu về Hà Nội.

Bất chợt một người dân tộc Tày tìm đến, anh ta bảo: “Mẹ tao đang ốm nặng, mày vào chụp cho tao một cái ảnh của bà để thờ”. Tôi trả lời: “Không được đâu. Mình phải về xuôi với gia đình ăn Tết đây!”. Anh bạn người Tày vẫn không chịu: “Tao đã nhờ thằng Chức chỉ đến đây mà” (Chức là anh bạn cán bộ Phòng Văn hóa huyện). Nói đến anh Chức giới thiệu, cực chẳng đã tôi lại mang máy theo anh về nhà. Vượt qua mấy chặng dốc quanh co đến căn nhà sàn của anh nằm dưới chân núi, cuối cùng tôi cũng hoàn thành công việc mà anh trông cậy. Nhưng khi quay về thì dọc đường bỗng nhiên tôi bị 2 bé gái chặn lại: “Chú ơi, vào chụp cho nhà cháu bức ảnh. Bố cháu bảo ra đón chú ở đây”. Nhìn hai đứa trẻ dân tộc nằn nỉ, trong máy lại còn mấy kiểu phim, vậy là tôi theo chúng vào nhà...

Bản làng người Tày nơi sơ tán

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Căn nhà sàn trống huếch. Bước lên cầu thang, một ông già gầy gò khoảng ngoài 60 tuổi đang ngồi sưởi bên bếp củi khói tỏa mù mịt. Nhìn thấy tôi ông già nói: “Mày chụp cho tao một cái ảnh to và mấy đứa con tao một cái ảnh nhỏ”. Vừa nói ông vừa chỉ lên bức ảnh trong họa báo dán ở vách tường. Tôi chụp xong mấy kiểu ảnh, tính ra hết 12 đồng (mệnh giá tiền ngày ấy) và bảo ông thanh toán.

Ông già vừa thổi lửa cho bếp bốc lên rồi cười phô hàm răng đã rụng gần hết: “Vợ tao đi chợ bán con lợn sắp về. Mày cứ ở đây mà uống rượu rồi đợi nó về trả tiền”. Trong lúc tôi sốt ruột như có lửa đốt, chỉ sợ nhỡ chuyến xe ô tô đi nhờ nên nhấp nhổm muốn đi ngay, ông già chỉ xuống sân bảo: “Hay mày bắt đôi gà về ăn Tết, trừ tiền ảnh cho tao?”. Thôi đành vậy. Nếu không theo phương án này thì chẳng biết bao giờ mới về được. Chỉ đợi tôi gật đầu, đứa trẻ lớn nhất nhảy phóc từ nhà sàn xuống sân và trong nháy mắt nó đã tóm được 2 chú gà trống thiến. Tôi nhấc lên đoán chừng mỗi con phải gần 3kg.

Tết với đồng bào dân tộc

Chụp hết mấy cuốn phim, tôi tranh thủ về Hà Nội để gia công ảnh cho kịp trả bà con trước Tết. Đường sá xa xôi, lại đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, không quân Mỹ đánh phá cả ngày lẫn đêm nên xe lửa, ô tô bị nhỡ chuyến liên tục. Vì vậy tôi phải đạp xe hơn 100km suốt đêm để kịp có mặt ở Hà Nội vào ngày hôm sau. Không khí đón Tết Hà Nội trong thời chiến vẫn nhộn nhịp. Phố phường rực màu hoa đào. Quất, pháo, bánh, mứt, kẹo… bày bán phân phối ở khá nhiều cửa hàng trên phố.

Xử lý công việc xong là tôi rời Hà Nội lên đường trở về khu sơ tán. Tuy vất vả bận rộn là vậy, bù lại tôi có những phút giây sung sướng khi trả ảnh cho khách. Họ từng ngày, từng giờ mong tôi trở lại. Khi tôi xuất hiện là cả xóm, cả bản ơi ới kéo nhau đến như đi xem hội. Các cô gái xem mình trong ảnh rồi ôm nhau cười rúc rích với vẻ hồn nhiên, vui sướng. Các bà mẹ có con nhỏ thấy con mình trong ảnh tay cầm hoa, ôm búp bê thì sung sướng không sao tả xiết. Họ cầm tấm ảnh rồi chuyền tay nhau xem làm tôi cũng hòa vào không khí vui chung cùng mội người.

Trâu trên nương về

Thời gian đã qua đi hơn nửa thế kỷ, giờ nhớ lại những ngày được đón Tết ở nơi sơ tán, uống chén rượu ngô, tôi không khỏi tự hào vì mình đã có dịp mang lại niềm vui cho người dân vùng cao năm ấy!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-chup-anh-tet-o-noi-so-tan-post528574.antd