Chuyện buồn thú vị về chất lượng bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài

Không ít lần tôi cũng bị đạo văn, nhưng nói ra nào có ích gì. Chẳng phải từng có những người đi quay cóp bị đưa lên mặt báo, rồi cũng được thăng lên chức cao vọng trọng đó sao!

Nhân đợt xét phong học hàm năm nay, tôi muốn kể một chuyện buồn thú vị.

Một buổi sáng tháng 10 năm 2019, một học trò đến báo bài viết của em đăng cách đây 6 năm đã bị đạo văn đăng lại trên tạp chí tiếng Anh quốc tế về nghiên cứu giáo dục của Trường Đại học quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc. Để kiểm tra, tôi tìm trên mạng từ khóa "Double Negation" thì bật ra bài Vietnamese Double Negative (Phủ định kép trong tiếng Việt) của B.K ở Shanghai International Studies University, Shanghai, China, đăng ngày 29/5/2018 trên Tạp chí World Journal of Educational Research, Vol. 5, No. 2, 2018, mã số bản điện tử ISSN là 2333-5998.

Tôi ngạc nhiên thú vị vì chất lượng bài này được khẳng định nhanh đến nỗi bài gửi đến tòa soạn ngày 06/5/2018 thì 20 ngày sau, 26/5/2018 đã được chấp nhận cho đăng. Nội dung bài này là "chị em song sinh" (giống y chang những điều tôi đã giảng về sự phủ định kép trong tiếng Việt cho các lớp cao học ngôn ngữ ở TPHCM và ở hai trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm khi ra Hà Nội dạy thỉnh giảng những năm trước đây). Hay là B.K "cọp" của mình? Cần xác minh cho rõ.

Xin cà kê một chút về chuyện này. Tôi hướng dẫn thạc sĩ cho N.T.N. Muốn học viên này đạt kết quả tốt nên có gọi em đến, cung cấp nội dung và toàn bộ những dữ liệu có trích dẫn cụ thể nữa. Do không còn nhu cầu công bố bài đăng báo nên tôi để em đứng tên một mình trong bài "TÌM HIỂU VỀ CÂU PHỦ ĐỊNH KÉP TRONG TIẾNG VIỆT". Em khoe bài đã được đăng trên tạp chí khoa học của Trường Đại học Sài Gòn - một tạp chí có "số má” được tính điểm cho việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Tôi cũng chả buồn đọc lại vì nội dung bài này tôi biết và nhớ rất rõ rồi. Bây giờ hóa ra tôi lại không có bài báo này. Tôi bảo N.T.N gửi cho tôi bài báo của em.

Tôi tá hỏa, bài báo của N.T.N và B.K là "hai chị em song sinh", gần như trùng nhau về nội dung, rồi cách sắp xếp thứ tự các mục, cách ghi ký hiệu và đến cả những ví dụ minh họa cũng trùng nhau nốt. Khác nhau chỉ ở chỗ bài của N.T.N ghi rõ nguồn trích dẫn (của ai, tác phẩm nào, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng hay Nam Cao...), còn trong bài của B.K thì bỏ trắng, mặc nhiên coi đó là những câu thường ngày, câu cửa miệng của người Việt. Khác nhau thứ hai ở phần trích dẫn là những câu nào khó dịch ra tiếng Anh thì B.K bỏ đi. Chẳng hạn:

1) N.T.N: {1}"Không ngày nào lại không có một cư dân thiếu may mắn bị đưa tới đồn cảnh sát" (Vikaswarup, Triệu phú khu ổ chuột); còn B.K: (1) Không ngày nào không có một cư dân bị đưa đến đồn cảnh sát.

2) N.T.N: {15} "Phàm đồng tiền đã vào tay mà không dính một chút thì không hợp đạo lý” (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ); còn B.K: (12) Đồng tiền đã vào tay mà không dính một chút thì không hợp đạo lý.

Qua chuyện này, tôi vừa buồn vừa vui và băn khoăn nữa.

Buồn vì nạn đạo văn. Xã hội phê phán đã nhiều nhưng không hề thuyên giảm.

Vui vì bài báo của N.T.N chỉ là một phần trong dự án luận văn thạc sĩ của em mà đã vươn ra tầm quốc tế có "số má” hẳn hoi và được chấp nhận ngay.

Băn khoăn vì cái tiêu chí phải có công trình đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín để được công nhận học vị tiến sĩ hay được phong học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Có những bài báo tiếng Việt trong những ngành Khoa học xã hội cũng có giá trị lắm chứ!

NGUYỄN ĐỨC DÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/chuyen-buon-thu-vi-ve-chat-luong-bai-bao-dang-tren-tap-chi-nuoc-ngoai_154875.html