Chuyển biến tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn

Thực hiện Đề án số 24/ĐA-UBND của UBND tỉnh về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, việc thu gom và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn đã đạt được những kết quả khả quan với nhiều cách làm hay và hiệu quả.

Ông Phạm Quốc Bảo, xóm 4B, xã Khánh Nhạc thu gom rác hữu cơ của gia đình cho vào thùng để xử lý rác.

Về xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh, chúng tôi cảm nhận rõ những đổi thay nơi đây. Sự chuyển mình của Khánh Nhạc không chỉ ở cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, kinh tế phát triển, thu nhập người dân nâng cao mà còn ở cảnh quan môi trường phong quang, sạch đẹp.

Kết quả đó là do Khánh Nhạc đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường, nhất là công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Ông Lê Hồng Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nhạc cho biết: Thời gian qua, Khánh Nhạc đã tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể để tuyên truyền, tập huấn và triển khai mô hình ủ rác hữu cơ làm phân bón nhằm hướng dẫn người dân biết cách phân loại rác tại nguồn, biến rác thải thành phân bón cho cây trồng, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình triển khai, xã cùng các hội, đoàn thể phối hợp với Ban phát triển thôn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc từng hộ, tổ chức rút kinh nghiệm ngay nếu gặp khó khăn, vướng mắc.

Tuy mới triển khai nhưng đánh giá bước đầu cho thấy mô hình đang phát huy hiệu quả tốt, 100% rác hữu cơ được người dân phân loại và ủ làm phân vi sinh. Lượng rác phải thu gom và xử lý đã giảm 60-70%, mùi hôi từ rác đã giảm hẳn. Việc triển khai mô hình đã mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, qua việc triển khai mô hình, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, xử lý rác thải cũng được nâng lên một cách rõ rệt. Với hiệu quả bước đầu đạt được tại 3 thôn làm điểm, Khánh Nhạc sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới và phấn đấu trong năm 2022 có 100% số thôn, xóm áp dụng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn.

Là một trong những hộ đầu tiên của Khánh Nhạc tham gia mô hình, ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ: Trước đây, tôi thường bỏ chung rác hữu cơ và rác vô cơ với nhau, dẫn đến việc quá tải trong quá trình thu gom, xử lý, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ. Nay nhờ công tác tuyên truyền, tập huấn cách phân biệt, xử lý rác của xã, của các đoàn thể, tôi đã biết cách phân loại loại rác vô cơ và rác hữu cơ ngay tại nhà.

Đồng thời, thực hiện các bước ủ phân từ rác hữu cơ để giảm tải lượng rác phải thu gom và xử lý. Sau một thời gian, rác sẽ phân hủy thành phân có độ mịn, tơi xốp, không mùi. Phân này đem bón cho cây, hoa màu rất tốt và đảm bảo an toàn cho cây trồng và người dân.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường , lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại khu vực nông thôn ước hơn 328 tấn/ngày, chiếm khoảng 67% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, rác thải hữu cơ chiếm 70-75%, rác vô cơ chiếm 25-30%. Để bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, những năm gần đây, các cấp, ngành, nhất là các địa phương đã đầu tư nguồn lực, xử lý rác bằng nhiều hình thức khác nhau.

Hiện toàn tỉnh có 13 xã của huyện Yên Khánh thực hiện biện pháp chôn lấp tại bãi rác chung của xã; 6 xã của các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và Gia Viễn thực hiện đốt bằng lò đốt rác chuyên dụng công suất nhỏ; 3 xã của huyện Nho Quan sử dụng lò đốt thủ công quy mô hộ gia đình tại 90 xã đã ký hợp đồng xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Tỷ lệ rác thải rắn khu vực nông thôn được thu gom và xử lý đạt trên 76%.

Tại huyện Hoa Lư đã triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở một số hộ gia đình của 3 xã Ninh Hòa, Ninh Hải và Ninh Mỹ, chất thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng để ủ phân, chất thải khó phân hủy được giao cho đơn vị thu gom rác thải vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó để xử lý.

Mô hình này đã phát huy hiệu quả tốt, giảm 70% lượng rác phải thu gom và xử lý. Với hiệu quả của mô hình đem lại, hiện một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu triển khai và nhân ra diện rộng. Có thể nói, việc triển khai các biện pháp thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian qua của các địa phương đã mang lại thay đổi tích cực đối với diện mạo môi trường nông thôn, nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng có những chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh một số địa phương đã làm khá tốt công tác thu gom và xử lý rác thải, toàn tỉnh hiện vẫn còn 153 thôn, xóm là các khu vực vùng sâu, vùng xa, chủ yếu ở huyện Kim Sơn, huyện Nho Quan chưa thành lập được các tổ thu gom rác thải, các hộ gia đình thực hiện tự thu gom và xử lý tại khuôn viên của hộ gia đình.

Vì vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương cần dành nguồn lực và đổi mới công nghệ để công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt có hiệu quả hơn, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Hồng Giang - Trường Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-thu-gom-xu-ly-rac-thai-o/d20210922222131841.htm