Chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

ĐTO - Sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), hoạt động HGƠCS tại huyện Thanh Bình đã góp phần ổn định chính trị, gắn kết cộng đồng, ngăn ngừa vi phạm pháp luật...

Ông Phan Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyệntặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc

Phát huy vai trò hòa giải viên ở cơ sở

Để đưa Luật HGƠCS vào cuộc sống, huyện Thanh Bình luôn quan tâm phát huy vai trò của hòa giải viên (HGV) trong công tác HGƠCS.

Những năm qua, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thi hành Luật HGƠCS được UBND huyện Thanh Bình quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở; hạn chế phát sinh điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp, tranh chấp kéo dài; tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân, đồng thời hình thành trong mỗi cá nhân ý thức tôn trọng pháp luật.

Trong 10 năm qua, UBND huyện Thanh Bình đã ban hành hơn 20 văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện Luật HGƠCS; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về HGƠCS 857 cuộc, có trên 31.000 lượt người dự; phát trên 33.000 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức 9 hội nghị tập huấn với 1.115 lượt đại biểu tham dự. Để phát huy hiệu quả công tác HGƠCS, đội ngũ HGV luôn được củng cố, kiện toàn; công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về HGƠCS luôn được sự quan tâm của các ban, ngành, do vậy, hoạt động HGƠCS trên địa bàn huyện ngày càng đi vào nền nếp. Các Tổ hòa giải và HGV ở cơ sở đều được sự tín nhiệm của Nhân dân, có uy tín, gương mẫu, nhiệt tình trong công tác hòa giải. Đến nay, toàn huyện củng cố, kiện toàn được 55 Tổ hòa giải ở khóm, ấp, với 354 HGV. 10 năm qua, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận trên 3.400 vụ, việc, trong đó hòa giải thành gần 3.000 vụ, việc, đạt trên 85%.

Để công tác hòa giải thành ở cơ sở đạt tỷ lệ cao, ông Lê Văn Đoàn - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thanh Bình, chia sẻ: Trước hết, phải kịp thời kiện toàn các Tổ hòa giải và đội ngũ HGV ở cơ sở đủ số lượng, thành phần, chú trọng bổ sung những người có uy tín ở địa phương, những người am hiểu pháp luật, có khả năng phân tích, giải thích, động viên hai bên đương sự, giúp đương sự thấu hiểu tình làng, nghĩa xóm, tiếp cận những chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các vụ tranh chấp, khiếu kiện.

Bên cạnh các Tổ hòa giải, huyện Thanh Bình đã thành lập 8 Câu lạc bộ HGƠCS với 211 thành viên tại 8 xã: Tân Phú, Tân Mỹ, Bình Thành, Tân Huề, Tân Thạnh, An Phong, Tân Quới và Tân Hòa. Hằng năm, Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác HGƠCS cho thành viên các Tổ hòa giải cơ sở; tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Luật HGƠCS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác HGƠCS; tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, Nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân; tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ HGƠCS cho HGV cơ sở.

Ông Lê Văn Đoàn cho biết thêm: “Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với công tác HGƠCS; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động HGƠCS. Qua đó đã kịp thời hướng dẫn và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động hòa giải tại địa phương. Bên cạnh đó, UBND huyện kịp thời khen thưởng, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong thi hành Luật HGƠCS cũng như trong công tác HGƠCS” .

Buổi hòa giải của các thành viên Câu lạc bộ Hòa giải xã Tân Phú

Góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm

Là một trong những đơn vị điển hình trong công tác HGƠCS, xã Tân Phú có nhiều cách làm riêng, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Anh Lê Thanh Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hòa giải xã Tân Phú cho biết, Câu lạc bộ hòa giải xã Tân Phú hiện có 29 HGV. Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng HGV luôn chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại sự yên vui, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Kinh nghiệm từ thực tiễn, để làm tốt công tác HGƠCS cần phải sát với từng hộ dân, phát hiện và tiến hành hòa giải ngay khi mới manh nha những mâu thuẫn, bất đồng. Trong công tác hòa giải, ông Hùng nhấn mạnh: phải thực hiện đúng theo pháp luật hiện hành, nhưng khi mời đương sự đến hòa giải, trước hết chúng tôi thường lấy tình nghĩa xóm làng khuyên nhủ. Có những vụ việc chưa cần nói đến pháp luật, đương sự đã đồng tình bắt tay giải quyết, làm hòa. Nhờ đó, nhiều năm qua, tình trạng đơn thư khiếu kiện ở địa phương đã giảm đáng kể. Điển hình từ năm 2020 đến nay, CLB Hòa giải xã Tân Phú đã tiếp nhận 148 vụ, việc, trong đó đã hòa giải thành 141 vụ, việc, đạt trên 95%.

Nhận xét về hiệu quả công tác HGƠCS, ông Phan Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, nhấn mạnh: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức rõ được vai trò, vị trí của công tác HGƠCS, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn của cơ quan tư pháp, sự phối hợp của các tổ chức chính trị -xã hội, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng sự nhiệt tình, sáng tạo của các HGV đã giải quyết kịp thời các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, từ đó góp phần giữ gìn, thắt chặt tình đoàn kết xóm giềng, an ninh trật tự ổn định, hạn chế đơn thư vượt cấp gửi về huyện. Qua 10 năm thi hành Luật HGƠCS, UBND huyện Thanh Bình đã tặng Giấy khen cho 7 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc”.

Trên cơ sở những kết quả của 10 năm thực hiện Luật HGƠCS và bài học kinh nghiệm trong công tác hòa giải của huyện, ông Phan Văn Phụng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ HGV; trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho HGV; tạo điều kiện cho các HGV trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hòa giải; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng HGƠCS để nâng cao trình độ, năng lực của HGV... Song song đó, các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc Luật HGƠCS và các văn bản hướng dẫn thi hành, giúp cán bộ, công chức và cộng đồng dân cư biết, hiểu để thực hiện.

SÔNG NGÂN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/chuyen-bien-tich-cuc-sau-10-nam-thuc-hien-luat-hoa-giai-o-co-so-118675.aspx