Chương trình Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024: Lợi thế khi học đại học, cao đẳng tại Đồng Nai

Học phí 'mềm', chi phí sinh hoạt thấp, nhiều cơ hội làm thêm để tự trang trải việc học, thuận lợi trong tiếp cận doanh nghiệp (DN), không lo thiếu việc làm đầu ra… là những lợi thế có thể nhìn thấy rõ đối với những sinh viên học cao đẳng, đại học tại Đồng Nai.

Sinh viên ngành sư phạm hóa học, Trường đại học Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến

Nhờ những thuận lợi trên, nhiều bạn trẻ từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã chọn Đồng Nai làm nơi học tập và lập nghiệp.

Tự trang trải chi phí học tập

Chúng tôi đến phòng trọ của sinh viên Trần Duy Phong (Khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường đại học Lạc Hồng) đúng vào lúc Phong đang nấu bữa trưa. Căn phòng trọ được sắp xếp ngăn nắp với rất ít đồ đạc. Phong đã ở khu nhà trọ của ông Phạm Văn Khoan (khu phố 4, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) được 3 năm tính từ khi anh rời quê nhà Đắk Lắk để bước vào năm nhất đại học. Với giá chưa đến 1 triệu đồng/tháng, Phong chọn ở một mình cho thoải mái. Ngoài giờ học, anh đi làm thêm để tự trang trải chi phí, không nhận chu cấp từ gia đình.

Anh Phong chia sẻ: “Tôi thấy Đồng Nai có nhiều triển vọng phát triển nên quyết định đến đây học tập. Không tính học phí, nếu tính tiền trọ, tiền ăn, sinh hoạt bao gồm cả uống nước, cà phê, tụ tập bạn bè thì chi phí tầm 3,5-4 triệu đồng/tháng”.

Những trường hợp tự lập như anh Phong không phải hiếm. Theo lời anh Phong, trung bình một sinh viên đi làm thêm từ 5-6 tiếng/ngày, mỗi tháng có thể kiếm được 3-4 triệu đồng. Nếu sinh viên có kỹ năng tốt và làm công việc có tính sáng tạo thì mức thu nhập từ làm thêm hàng tháng có thể nhiều hơn.

Năm 2024, Trường đại học Công nghệ Miền Đông dành 150 suất học bổng cho các ngành phục vụ nhân lực Sân bay quốc tế Long Thành, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng. Theo đó, thí sinh học các ngành: quản trị hàng không, logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ được hưởng gói học bổng này.

Nhà ở thành phố Biên Hòa nhưng anh Vũ Minh Dương lại chọn về huyện Thống Nhất học tại Trường đại học Công nghệ Miền Đông. Sở dĩ có sự lựa chọn này là do anh Dương thích không khí thoáng mát, rộng rãi của trường. Về chất lượng, anh Dương chọn học ngành dược và được học với nhiều giảng viên giỏi, có kinh nghiệm nên khá yên tâm.

Dù không ở trên địa bàn thành phố nhưng sinh viên Trường đại học Công nghệ Miền Đông vẫn không thiếu cơ hội làm thêm. Riêng anh Dương, ngoài giờ học, anh thường đi làm thêm tại một số quán nước, quán ăn. Mức thu nhập từ làm thêm dao động khoảng 2,5-3,5 triệu đồng/tháng.

Còn chị Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên Trường đại học Đồng Nai, cho biết chị quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị chuyển hộ khẩu vào nhà người thân ở Đồng Nai, rồi thi vào ngành giáo dục tiểu học của trường. Chị Trang chọn ở ký túc xá với mức phí 350 ngàn đồng/tháng, phòng rộng rãi, có giường riêng, có bàn học… Tổng chi phí mỗi tháng của chị Trang chỉ từ 2-3 triệu đồng.

Trong khi đó, chị Trần Thị Khánh Linh (sinh viên sư phạm toán, Trường đại học Đồng Nai) học trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi lên đại học chị lại quyết định về học trong tỉnh. Nhà ở phường Phước Tân, có thể đi về trong ngày, nhưng chị Linh vẫn quyết định ở lại ký túc xá để thuận tiện cho việc học. Cuối tuần, chị Linh mới về thăm nhà.

Các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đều có ký túc xá phục vụ sinh viên. Sinh viên của các trường cao đẳng, dù ở thành phố Biên Hòa hay ở các huyện, đều có thể tìm được việc làm thêm phù hợp. Mặt khác, các DN trên địa bàn thường chủ động kết nối với nhà trường để trao học bổng cho sinh viên trường nghề. Vì vậy, chi phí học cao đẳng thậm chí còn thấp hơn học trung học phổ thông ở trường ngoài công lập.

Quan tâm chính sách tín dụng cho sinh viên

Dù chi phí sinh hoạt thấp, nhiều việc làm thêm nhưng thực tế vẫn có không ít sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn cần được hỗ trợ. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm vấn đề này và đã có những chỉ đạo về chính sách tín dụng cho sinh viên.

Mới đây nhất, chủ trì Hội nghị sơ kết Hoạt động quý I-2024 của Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã yêu cầu hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách riêng của Đồng Nai đối với chương trình tín dụng học tập nhằm kịp thời hỗ trợ người học. Bởi theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, mức vay 40 triệu đồng/năm học hiện nay vẫn thấp so với nhu cầu thực tế. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến người học và gia đình, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp hoàn cảnh khó khăn khác. Do vậy, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cần tạo điều kiện để người dân thuận lợi tiếp cận chương trình vay tín dụng.

Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh (tháng 11-2023), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan nghiên cứu chính sách tín dụng cho sinh viên của Đồng Nai.

Ngoài chính sách của tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đều có chính sách ưu đãi, miễn giảm học phí cho sinh viên. Một số sinh viên đoạt giải quốc gia đã chọn các trường ở Đồng Nai làm điểm đến và nhờ duy trì kết quả học tập tốt trong suốt 4 năm đại học nên được miễn hoàn toàn học phí.

Nhiều cơ hội việc làm

Với mục tiêu đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các trường cao đẳng, đại học đều có bộ phận quan hệ DN nhằm kết nối trong công tác đào tạo, tìm đầu ra việc làm cho sinh viên. Hàng năm, các trường cao đẳng, đại học chủ động tổ chức ngày hội việc làm để các DN trực tiếp tuyển dụng sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nông Văn Dũng, Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp đang hoạt động nên sinh viên học tại Đồng Nai có nhiều thuận lợi trong khâu thực hành, trải nghiệm, đặc biệt là cơ hội việc làm cao.

Trường đại học Công nghệ Đồng Nai thường xuyên tổ chức các cuộc thi từ học thuật đến giải trí như: Rung chuông vàng, Hùng biện tiếng Anh (Speak Up), Kế toán viên tài năng, Tiếng hát Học sinh - sinh viên "Music of Me", Miss & Mister DNTU. Ngoài ra, sinh viên còn có hơn 18 câu lạc bộ cấp trường với nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, đa màu sắc. Đây là nơi để sinh viên học tập, giải trí.

Khẳng định của ông Dũng là có cơ sở khi mới đây Sở Lao động, thương binh và xã hội đã khảo sát nhu cầu tuyển dụng của DN trong năm 2024. Theo kết quả khảo sát hơn 600 DN trên địa bàn tỉnh, các DN đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 65 ngàn lao động, trong đó lao động trình độ trên đại học là 671 người; lao động trình độ đại học, cao đẳng gần 6,3 ngàn người; lao động trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật gần 3,9 ngàn người; lao động sơ cấp, lao động phổ thông trên 54 ngàn người.

Ông Dũng cho hay, DN ngày càng thoáng hơn trong tuyển dụng, chủ yếu tập trung vào các tiêu chí như: trong độ tuổi lao động, có đủ sức khỏe, đạo đức và tác phong làm việc tốt, gắn bó lâu dài với DN… Ngoài yếu tố chuyên môn và kinh nghiệm, ngoại ngữ cũng là một trong các tiêu chí khi các nhà tuyển dụng đánh giá, lựa chọn ứng viên. Đây trở thành lợi thế của ứng viên khi tìm việc.

“Các ứng viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt thường thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường làm việc, xử lý công việc linh hoạt. Hiện nay, đa số các DN không phân biệt bằng đại học, cao đẳng địa phương với bằng đại học, cao đẳng ở những nơi khác, trừ một số vị trí lao động đặc thù, lãnh đạo cấp cao” - ông Dũng giải thích thêm.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202404/chuong-trinh-tu-van-huong-nghiep-tuyen-sinh-nam-2024-loi-the-khi-hoc-dai-hoc-cao-dang-tai-dong-nai-2c74282/