Chương trình số 03-CTr/TU: Thường xuyên kiểm đếm chỉ tiêu, nhiệm vụ

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đang được triển khai tích cực trên tinh thần tiêu chí dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau nhưng phải quyết liệt, đồng bộ với các dự án đầu tư hạ tầng đô thị. Qua kiểm tra một số đơn vị, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nhận định, để triển khai một cách thực chất, hiệu quả, thời gian tới cần có sự kiểm đếm chỉ tiêu, nhiệm vụ, công việc thường xuyên.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy khảo sát bản đồ tuyến đường Quang Trung (quận Hà Đông), được đề xuất xây dựng tuyến đường văn minh đô thị.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy khảo sát bản đồ tuyến đường Quang Trung (quận Hà Đông), được đề xuất xây dựng tuyến đường văn minh đô thị.

Chuyển biến tích cực

Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã bám sát 19 chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” để có các giải pháp, biện pháp triển khai phù hợp với thực tiễn. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án của Chương trình đã chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và bước đầu đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, một số chỉ tiêu đã có những chuyển biến tích cực so với 3 tháng đầu năm 2022 như: Tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng…

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội được giao chủ trì thực hiện 1 chỉ tiêu, phối hợp tổ chức thực hiện 8 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu hoàn thành đề án đầu tư xây dựng 5 huyện thành quận vào năm 2025 được phối hợp rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp song song với các quy hoạch đã triển khai.

Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đang xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc quận Ba Đình; quy hoạch chi tiết các phường; tổ chức thiết kế đô thị những tuyến đường mở mới và một số trục đường quan trọng làm cơ sở để quản lý công trình xây dựng, quản lý đô thị theo thẩm quyền. Ngoài ra, quận cũng tăng cường kiểm soát không gian, kiến trúc cảnh quan 2 bên tuyến đường, không để phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo và các công trình vi phạm trật tự xây dựng...

Tương tự, theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, quận chú trọng phối hợp thực hiện việc xây dựng lại chung cư cũ; cải tạo nâng cấp các vườn hoa; thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng chợ giai đoạn 2021-2025… Đối với dự án Khu công viên cây xanh - văn hóa quận Hà Đông, UBND quận đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, làm rõ nội dung công viên chuyên đề đối với diện tích 50,2ha đã giải phóng mặt bằng...

Chủ động đề xuất giải pháp thiết thực, đồng bộ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cho rằng, đây là chương trình đặc thù, kết nối với các chương trình khác về quy hoạch, đất đai, đầu tư công…, vì thế nhiều chỉ tiêu cần có cơ chế đầu tư, trùng tu, quản lý, đặc biệt là khu vực nội đô lịch sử. UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, phối hợp tham mưu thiết lập cơ chế để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu...

Liên quan đến việc bảo tồn biệt thự cũ, đại diện các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông cho rằng, việc bảo tồn nên xây dựng đề án chỉ dùng ngân sách. Bởi nếu là xã hội hóa, doanh nghiệp tài trợ thì họ sẽ có đề án khai thác, lúc đó khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, thậm chí quản lý không tốt còn phá vỡ không gian kiến trúc cổ.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho rằng, hình thành các tuyến phố đi bộ đang được các quận, thị xã chọn để phát triển kinh tế đô thị. Kinh nghiệm ở quận Hoàn Kiếm cho thấy, quá trình triển khai cần nghiên cứu kỹ về bộ máy duy trì an ninh trật tự. Đặc biệt, cần có quy hoạch giao thông tĩnh xung quanh phố đi bộ, có như vậy phố đi bộ mới phát huy hiệu quả lâu dài.

Qua kiểm tra một số đơn vị, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cho rằng, để triển khai tốt chương trình, ngoài sự nỗ lực của các sở, ngành thì nhân lực các phòng quản lý đô thị cấp quận cũng cần được quan tâm, nhất là tại các huyện ven đô, huyện có đề án lên quận vào năm 2025.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đánh giá, hiện nay một số chỉ tiêu về cải tạo chung cư cũ; chỉnh trang nhà biệt thự, công viên, vườn hoa; chỉnh trang tuyến đường phố, hạ ngầm cáp viễn thông; cải tạo, nâng cấp chợ… vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, các sở, ngành, địa phương cần sớm rà soát, chủ động đề xuất giải pháp thiết thực, đồng bộ. Cùng với đó, việc kiểm tra, đôn đốc, kiểm đếm chỉ tiêu, nhiệm vụ, công việc phải được thực hiện thường xuyên để Chương trình số 03-CTr/TU đạt kết quả tốt nhất.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nghi-quyet-doi-song/1040823/chuong-trinh-so-03-ctrtu-thuong-xuyen-kiem-dem-chi-tieu-nhiem-vu