CHƯƠNG TRÌNH KHAI MẠC TUẦN VĂN HÓA - DU LỊCH BẮC KẠN

Tối 27/4, tại sân Nhà Văn hóa tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn long trọng tổ chức khai mạc 'Tuần Văn hóa - Du lịch' tỉnh Bắc Kạn năm 2024. Báo Bắc Kạn tổ chức đưa tin trực tiếp và phát livestream trên các nền tảng số về sự kiện văn hóa đặc sắc này.

>>Xem livestream trên fanpage Báo Bắc Kạn điện tử tại đây.

>>Xem trên kênh Youtube Báo Bắc Kạn.

19h45: Giới thiệu đại biểu

Đông đảo người dân, du khách và đại biểu đến dự chương trình.

Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phạm Xuân Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Hiệp Hội Du lịch Việt Nam, Viện Nghiên cứu Du lịch Việt Nam; đại diện Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch tham gia hỗ trợ, ủng hộ cho chương trình; các đại biểu, đại diện cho UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu khách quý đến dự chương trình.

Về phía tỉnh Bắc Kạn, đến dự có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại diện các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố.

Đại biểu các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, thành phố.

Đặc biệt là sự có mặt của đông đảo người dân, du khách thập phương đến tham dự và cổ vũ...

20h05: Màn biểu diễn khai từ

Màn hợp xướng hát múa mở màn cho chương trình khai mạc “Tuần Văn hóa du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024 gồm 2 ca khúc “Về Bản em” của nhạc sĩ Tuấn Phương và “Bắc Kạn yêu thương”, sáng tác Nông Thị Ngọc Hòa, do các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Kạn biểu diễn...

Hình ảnh cây đàn tính trong tiết mục văn nghệ khai từ.

20h15: Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh: Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch như phong cảnh núi sông, hang động, thác nước…

Trong đó nổi bật là Khu du lịch Ba Bể với trọng tâm là Di tích quốc gia đặc biệt – danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, đã được các tổ chức trong nước và quốc tế công nhận như: Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, khu RAMSA thứ 1.938 của thế giới và khu RAMSA thứ 3 của Việt Nam.

Với tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên đẹp, giá trị văn hóa các dân tộc đặc sắc, Khu du lịch Ba Bể là điểm nhấn trọng tâm để tỉnh phát triển nhiều loại hình du lịch.

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn, Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú như: Các Lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... Điển hình là 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái) và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Múa Bát của người Tày, nghệ thuật múa Khèn của người Mông, hát Pá Dung của người Dao, hát Sli của người Nùng…

Phát huy những tiềm năng, lợi thế trên, những năm qua, Bắc Kạn đã chú trọng phát triển hoạt động du lịch góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bắc Kạn đón 694.072 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 486,8 tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đón gần 700.000 lượt khách.

Chất lượng dịch vụ du lịch tiếp tục được nâng lên. Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng và tổ chức; các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực và toàn quốc được Bắc Kạn đăng cai tổ chức nhằm thu hút du khách đến Bắc Kạn với thông điệp “Bắc Kạn - Điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”.

Từ các nguồn lực, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm để tạo thuận lợi cho phát triển du lịch như: Dự án tuyến đường Thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); Dự án Xây dựng tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, Ba Bể; Dự án Xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể; Dự án đường vào hồ Nặm Cắt, thành phố Bắc Kạn. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn đang được phối hợp thực hiện; Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng cũng đang được chuẩn bị đầu tư.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn tích cực tham gia vào Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Đông Bắc, gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh.

Trong năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đưa ra mục tiêu đón 1 triệu khách du lịch, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt 700 tỷ đồng. Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội. Qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đưa thương hiệu du lịch tỉnh Bắc Kạn hòa cùng thương hiệu du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc đến với đông đảo du khách muôn phương.

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 03/5/2024, với chùm hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn.

Trong phát biểu khai mạc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Đến với Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn năm 2024, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, tiêu biểu như: Màn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa Bát của người Tày với sự tham gia của 1.000 người tại Lễ khai mạc; tham quan ATK Chợ Đồn, đi thuyền độc mộc, thuyền kayak tại hồ Ba Bể; trải nghiệm không gian văn hóa lễ hội truyền thống “Chợ tình Xuân Dương” tại huyện Na Rì… để lại những trải nghiệm và cảm xúc khó quên như câu hát “một lần đến, mười lần say”…

20h40: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Nơi đầu nguồn sông Cầu”

Chương trình nghệ thuật gồm 07 tiết mục đặc sắc, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc Bắc Kạn, với sự tham gia của NSND Nông Xuân Ái, các ca sĩ diễn viên, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Bắc Kạn, học sinh Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bắc Kạn biểu diễn.

- Hát then đàn tính: BÊN SÔNG CẦU EM HÁT CÂU THEN

Đặt lời: Trọng Quyết, Biên đạo: Hồng Dưỡng – Hoàng Giang – Mai Lan.

Biểu diễn: Đoàn NTDT - Trường CĐVHNT Việt Bắc & Diễn viên quần chúng.

- Tốp hát giao duyên: CÂU HÁT ĐI TÌM TÌNH YÊU

Sáng tác: Nhạc sĩ Phạm Tịnh, Biên đạo: Hoàng Giang, Biểu diễn: Tốp ca nam nữ Đoàn NTDT & diễn viên phụ họa.

- Múa: NHỊP ĐIỆU KHÈN MÔNG

Âm nhạc: Nhạc sĩ Phạm Tịnh; Biên đạo: Cửu Dũng; Biểu diễn: Đoàn NTDT & Các diễn viên.

Rất đông người dân, du khách đến dự Chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn 2024.

- Tốp ca nữ: QUÊ EM CÓ HỒ BA BỂ

Sáng tác: Nhạc sĩ Phạm Tuyên; Biên đạo: Mai Lan; Biểu diễn: Tốp ca nữ trường Dân tộc nội trú.

- Hát múa: LỜI HẸN SÔNG CẦU

Sáng tác: NSND Nông Xuân Ái; Biên đạo: Nsưt Hoàng Thực - Hồng Dưỡng – Mai Lan & Hoàng Giang; Biểu diễn: Đoàn NTDT – Trường CĐVHNT Việt Bắc & Học sinh Trường Dân tộc Nội trú.

- Song ca nam nữ: NẮNG MÀU CHÀM XANH LẮM BẮC KẠN ƠI

Sáng tác: Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến; Biên đạo: Nsưt Hoàng Thực, Biểu diễn: Ca sỹ Việt Cường – Quỳnh Anh & Tốp múa Trường CĐVHNT Việt Bắc.

- Hát múa: LỜI HẸN SÔNG CẦU

Sáng tác: NSND Nông Xuân Ái; Biên đạo: Nsưt Hoàng Thực - Hồng Dưỡng – Mai Lan & Hoàng Giang; Biểu diễn: Đoàn NTDT – Trường CĐVHNT Việt Bắc & Học sinh Trường Dân tộc Nội trú.

Nghệ sĩ Nhân dân Nông Xuân Ái và ca sĩ Hoài Thu.

21h05: Màn biểu diễn múa bát:

Màn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn” là một trong những nội dung được mong đợi nhất của Tuần Văn hóa – Du lịch Bắc Kạn 2024. Với chủ đề “Bắc Kạn sáng ngời ánh sao”, màn múa bát gồm 03 phần: Chập căn Bắc Kạn (Gặp gỡ Bắc Kạn), Pát Thú lỉn hội (Ngày hội múa bát) và Bắc Kạn bấu lừm (Bắc Kạn không quên), với sự tham gia của 1.000 người đến từ các huyện, thành phố và các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Chương trình do Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Minh Thông làm tổng đạo diễn, âm nhạc - nhạc sĩ Phạm Tịnh.

>>Mời quý vị và các bạn vào ngay Fanpage của Báo Bắc Kạn để cùng xem màn múa bát được phát trực tiếp.

Trong không gian rộn rã như một ngày hội lớn, 1.000 nghệ nhân, Nhân dân và học sinh say sưa, uyển chuyển theo các động tác múa bát. Là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc Bắc Bộ, Bắc Kạn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Không chỉ vậy, nơi đây còn là nơi hội tụ bản sắc văn hóa đa dạng phong phú của cộng đồng 7 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay, trong đó dân tộc Tày chiếm 52,58%.

Người Tày Bắc Kạn có một kho tàng văn hóa cổ truyền phong phú bao gồm các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, lễ hội truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ như: Hát ru, lượn cọi, phong slư, múa bát, múa chầu, múa quạt… Trong đó, múa bát là điệu múa được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời của người Tày và được sử dụng thường xuyên trong các dịp Tết, lễ hội dân gian truyền thống.

Múa bát của người Tày Bắc Kạn có những nét khá đặc sắc về trang phục biểu diễn gồm: áo dài, áo ngắn, váy (hoặc quần), thắt lưng, khăn vuông quấn đầu được làm bằng vải dệt từ sợi bông, nhuộm màu chàm. Đi kèm là vòng đeo cổ, vòng đeo tay và bộ xà tích gắn trên thắt lưng được làm bằng bạc trắng. Điệu múa thường được diễn ra trong những không gian rộng như nhà sàn, sân vườn và lễ hội lồng tồng…

Điểm đặc biệt của múa bát người Tày chính là việc sử dụng bát, đũa gõ vào nhau tạo ra âm thanh để biểu diễn. Các nghệ nhân người Tày thường cầm trên tay đôi bát sứ, với đôi đũa tre để gõ nhịp trong khi di chuyển và biểu diễn các động tác múa. Những động tác múa bát của người Tày rất linh hoạt, đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác và phối hợp đồng bộ giữa những người bạn diễn. Múa bát thực sự là một bức tranh sinh động, mang màu sắc riêng trong văn hóa truyền thống của người Tày.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, múa Bát của người Tày Bắc Kạn đã được lưu truyền, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ, các đội văn nghệ dân gian được thành lập đã liên kết, kết nối những người đam mê, yêu thích múa Bát với nhau để sinh hoạt, giao lưu, tập luyện và tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, lễ hội và phục vụ khách du lịch tại địa phương…Điều đó đã tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục được duy trì và có cơ hội bảo tồn và phát triển trong đời sống hiện nay.

Nghệ thuật múa Bát của dân tộc Tày đã đóng góp không nhỏ trong kho tàng di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nó là biểu tượng sống động của sự sáng tạo và tinh thần giao thoa giữa con người với thiên nhiên. Qua từng động tác múa, từng bước nhảy trên sân khấu, múa bát Tày mang đến cho người xem không chỉ là hình ảnh một nghệ thuật truyền thống mà còn là một hành trình sâu lắng khám phá về tâm hồn và triết lý sống của đồng bào dân tộc Tày.

Với những giá trị nêu trên, năm 2022, múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây thật sự là phần thưởng xứng đáng, là sự ghi nhận cho những nghệ nhân người Tày Bắc Kạn đã có công giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh vui múa bát cùng các nghệ nhân, diễn viên và người dân.

* Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu khách quý và đông đảo du khách lên sân khấu, hòa mình vào không khí ngày hội múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn.

BÁO BẮC KẠN SẼ TIẾP TỤC ĐƯA TIN VỀ HOẠT ĐỘNG GIỚI THIỆU ẨM THỰC VÀ SẢN PHẨM OCOP.

NHÓM PV

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/truc-tiep-chuong-trinh-khai-mac-tuan-van-hoa-du-lich-bac-kan-post63134.html