Chướng ngại vật mới trên tiến trình hòa bình Colombia

Hôm 29-8 vừa qua, trong một đoạn băng ghi hình, ông Ivan Marquez - cựu trưởng đoàn đàm phán hòa bình của lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC - sau khi giải giáp đổi thành chính đảng Lực lượng cách mạng thay thế chung) - cùng với một số lãnh đạo khác của FARC đã tuyên bố quay trở lại con đường vũ trang. Theo giới phân tích, diễn biến này là một chướng ngại vật mới đối với tiến trình hòa bình vốn đầy chông gai của Colombia.

Những bất mãn

Tiến trình hòa bình khởi đầu từ năm 2012 và kết thúc giai đoạn đàm phán với việc ký kết thỏa thuận vào ngày 24-11-2016 tại Bogota giữa Tổng thống khi đó Juan Manuel Santos và thủ lĩnh tối cao của FARC Rodrigo Londono. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị phá vỡ. Những nguyên nhân được nhóm thủ lĩnh FARC bất đồng chính kiến đưa ra liên quan tới việc Nhà nước Colombia không tuân thủ những điều khoản đã được hai bên ký kết.

Trong diễn văn tuyên bố tái vũ trang, ông Marquez nhấn mạnh những vấn đề quan trọng như việc không bắt những kẻ thường được gọi là bên chịu trách nhiệm thứ 3 - bao gồm các nhân vật trong chính giới, công chức và tư bản địa chủ hay thương mại - ra trình diện trước Cơ chế tư pháp đặc biệt vì Hòa bình (JEP) theo Thỏa thuận La Habana.

Theo quy định bị Quốc hội sửa đổi, giờ đây những người này chỉ phải trình diện tự nguyện và việc điều tra các hành vi phạm tội của họ vẫn thuộc cơ chế tư pháp phổ thông (nằm hoàn toàn trong tay Nhà nước), quy định được Tòa án Hiến pháp thông qua trong một phán quyết gây nhiều tranh cãi. Ở điểm này, ông Marquez đã có lý vì tình trạng lẩn tránh luật pháp hay miễn trừ hình phạt chính là mục tiêu rõ ràng của bước đi này vì tới nay cả cơ quan công tố lẫn các tòa án thông thường đều không có tiến triển gì trong việc điều tra và xét xử 5.000 đối tượng được xác định là những kẻ tổ chức hay đỡ đầu cho các băng đảng bán quân sự cực hữu.

Ngoài ra, ông Marquez cũng chỉ ra tình trạng không tuân thủ thỏa thuận khi chính phủ và Quốc hội không hề xem xét hay thảo luận, chứ chưa nói tới việc thông qua, những thay đổi được nêu trong đề xuất về cải cách chính trị mà phái đoàn bầu cử đặc biệt đã đệ trình từ tháng 4-2017, ngoại trừ việc công nhận FARC là một tổ chức chính trị và phê chuẩn Quy chế Đối lập.

Cựu trưởng đoàn hòa đàm FARC cũng tố cáo việc Nhà nước Colombia không hoàn thành cam kết trao 16 ghế nghị viện cho 170 huyện bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa Bogota và FARC, cũng như những cam kết về triển khai các chương trình thay thế tự nguyện các cây trồng bất hợp pháp, bồi thường cho các nạn nhân xung đột, hợp pháp hóa sở hữu đất cho nông dân hay thành lập Quỹ đất vì Hòa bình. Cựu lãnh đạo số 2 của FARC cũng tố cáo hơn 500 nhà hoạt động và thủ lĩnh các phong trào xã hội, cùng 150 cựu thành viên FARC bị sát hại kể từ khi Thỏa thuận Hòa bình được ký kết.

Theo báo Revista Sur, tất cả những điều này đều đúng. Không chỉ ông Marquez tố cáo những vi phạm của chính quyền mà cả những cựu đồng chí của ông - những người vẫn tiếp tục cam kết với tiến trình hòa bình - hay các tổ chức kỹ thuật theo dõi tiến trình này vẫn thường xuyên lên tiếng tố giác tình trạng tiêu cực nói trên.

 Nhóm cựu thủ lĩnh FARC tuyên bố tái vũ trang. Ảnh tư liệu

Nhóm cựu thủ lĩnh FARC tuyên bố tái vũ trang. Ảnh tư liệu

Sự đáp trả sai lầm

Tuy nhiên, điểm cốt yếu của diễn biến này là liệu việc vi phạm Thỏa thuận Hòa bình có bào chữa được cho cuộc nổi dậy hay tái vũ trang hay không? Và liệu con đường vũ trang có phải là con đường chính đáng trong hoàn cảnh hiện tại của Colombia để giành lấy quyền lực chính trị hay các chuyển biến mà nhóm FARC bất đồng chính kiến này tuyên bố theo đuổi hay không? Revista Sur nhận định đây là một giải pháp sai lầm. Ngay cả những hoàn cảnh rất khó khăn mà tiến trình hòa bình đang gặp phải cũng không bào chữa được cho hành động tái vũ trang. Tuyệt đại đa số người dân Colombia, những người từng đồng thuận với việc thương lượng chính trị để thoát khỏi xung đột vũ trang, cho rằng con đường để đạt được những chuyển biến tích cực cho đất nước mà FARC theo đuổi phải được thực hiện qua con đường dân chủ, qua con đường đấu tranh chính trị phi vũ trang.

Những đụng độ vũ trang liên miên trong hơn 50 năm qua luôn là một yếu tố tiêu cực với những ai từ mặt trận dân chủ muốn đấu tranh với chính quyền của giới tư bản đầu sỏ đã và đang nắm vận mệnh của đất nước. Trái ngược với nhiều nước Mỹ Latinh khác từng có các chính phủ tiến bộ, các lực lượng cánh tả dân chủ tại Colombia hầu như không có cơ hội tiếp cận quyền lực vì ngoài những nguyên nhân khác, chính phủ và các chính đảng cực hữu luôn viện dẫn hoạt động của các nhóm vũ trang để sử dụng các công cụ pháp luật nhằm săn đuổi và chèn ép phe đối lập tiến bộ và các phong trào xã hội có cơ sở quần chúng.

Rõ ràng, các nhóm vũ trang luôn là một trở ngại lớn cho sự nghiệp của các lực lượng dân chủ tiến bộ và phong trào xã hội tại Colombia và theo nghĩa này, thay vì là một tác nhân thúc đẩy thay đổi xã hội Colombia như ước nguyện, chính các nhóm vũ trang cánh tả lại cản trở tiến trình này. Cũng phải nói thêm rằng các nhóm du kích trong tình thế hiện tại của Colombia không có cơ hội dù là nhỏ nhất để chinh phục quyền lực bằng con đường vũ trang.

Hành động tái vũ trang của các cựu thủ lĩnh FARC không chỉ là một sai lầm chính trị trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước mà còn trao lý lẽ cho giọng điệu của giới cực hữu - những kẻ theo đuổi một logic thâm độc khi một mặt làm mọi việc để phá hoại tiến trình hòa bình, mặt khác huênh hoang về những lời “tiên đoán” của mình rằng phe du kích sẽ vi phạm hiệp định, trong khi chưa tới 10% các cựu du kích FARC tái vũ trang, đồng thời chối bỏ mọi trách nhiệm về các hành vi “chọc gậy bánh xe” của mình.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuong-ngai-vat-moi-tren-tien-trinh-hoa-binh-colombia-161228.html