Chuỗi khách sạn lớn tăng kết nối các khách sạn nhỏ thông qua thỏa thuận nhượng quyền

Các chuỗi khách sạn quy mô toàn cầu đang tăng liên kết với các chủ khách sạn độc lập thông qua thỏa thuận nhượng quyền thương mại. Sự hợp tác này cho phép các chuỗi vẫn có thể tăng lượng phòng trong bối cảnh lãi suất cao đang khiến hoạt động xây dựng khách sạn mới trì trệ.

Một khách sạn của Marriott International ở Austin, bang Texas (Mỹ). Các chuỗi khách sạn lớn toàn cầu như Marriott, Accor, Hilton đang đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền để mở rộng trong bối cảnh chi phí xây dựng khách sạn mới đắt đỏ hơn do lãi suất cao. Ảnh: Getty

Hình thức hợp tác trên được gọi là chuyển nhượng quyền chuyển đổi (conversion franchising), tức các khách sạn đã tồn tại từ trước đồng ý chuyển từ hoạt động độc lập sang tư cách thành viên của một chuỗi được tiêu chuẩn hóa.

Đối với các chuỗi lớn, các thỏa thuận nhượng quyền chuyển đổi mới mang lại sự hài lòng cho nhà đầu tư vì họ có thể mở các khách sạn mới trong thời gian ngắn. Trong khi đó, nhiều khách sạn độc lập, không có thương hiệu, cũng thích nhận nhượng quyền chuyển đổi. Điều này cho phép họ tiếp cận nhiều hơn với lượng đặt phòng tiềm năng và nguồn tài chính rẻ hơn.

Lãi suất cao thúc đẩy nhượng quyền chuyển đổi

“Trong lịch sử, nhượng quyền chuyển đổi toàn cầu chiếm từ 10-20% số phòng gia nhập các chuỗi khách sạn có thương hiệu. Hiện nay, tỷ lệ này có thể lên tới gần 40%”, Patrick Scholes, nhà phân tích vốn cổ phần của Truist Financial, nói.

Đối với chuỗi khách sạn Marriott International (Mỹ), nhượng quyền chuyển đổi vào năm 2023 chiếm tới 40% số lượng phòng gia nhập chuỗi này, gấp đôi tỷ lệ 20% một năm trước đó. Một nửa số khách sạn của chuỗi Accor (Pháp) khai trương vào năm ngoái là thông qua thỏa thuận nhượng quyền chuyển đổi.

“Trong bối cảnh thị trường nợ cho hoạt động xây dựng khách sạn mới có phần bị hạn chế, tầm quan trọng của nhượng quyền chuyển đổi sẽ tăng lên”, CEO của Marriott, Anthony Capuano, nói.

Các nhà điều hành khách sạn hưởng lợi nhờ làn sóng “du lịch trả thù” trỗi dậy khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra trong môi trường lãi suất cao hơn, khiến các chủ khách sạn nhỏ, vốn dựa vào vốn vay để hoạt động, đối mặt khó khăn.

Theo Lodging Econometrics, khoảng 1.980 khách sạn mới khai trương vào năm 2023 trên toàn cầu, giảm so với 2.730 vào năm 2019.

“Khả năng tiếp cận nguồn tài chính của ngành khách sạn, đặc biệt là ở Nam Mỹ, hiện bị hạn chế do nhiều khách sạn gặp khó khăn trong việc trả nợ vào thời kỳ đại dịch”, Fernanda L’Hopital, Giám đốc tư vấn và định giá phụ trách khu vực Nam Mỹ của Công ty tư vấn khách sạn HVS, cho biết.

Robin Farley, nhà phân tích vốn cổ phần của ngân hàng UBS, cho biết việc gia nhập một chuỗi khách sạn có thương hiệu có thể hấp dẫn hơn đối với các chủ sở hữu khách sạn độc lập đang tìm cách tái cấp vốn cho các khoản vay hoặc đối mặt với tái cấu trúc nợ

Theo Zach Demuth, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khách sạn và khách sạn toàn cầu của hãng dịch vụ bất động sản JLL, khoảng 217 tỉ đô la Mỹ nợ của ngành khách sạn dự kiến đáo hạn trên toàn cầu vào năm 2025. Những khoản vay đó có thể sẽ được tái cấp vốn với lãi suất cao hơn.

Đôi bên cùng có lợi

Shivan Perera, Phó chủ tịch của Công ty cho vay bất động sản Avana Capital, cho biết, tại Mỹ, lãi suất cho vay đối với khách sạn mới của các chuỗi có thương hiệu là từ 6,75-8,25% mỗi năm, tăng từ mức 5-6% của trước đại dịch. Các nhà điều hành khách sạn không có thương hiệu thường chịu lãi suất cao hơn một chút, từ 7-9%.

Theo một nghiên cứu của Đại học Cornell đối với hơn 4.000 khách sạn trong 20 năm, các khách sạn liên kết với các chuỗi thương hiệu có rủi ro dòng tiền thấp hơn so với các khách sạn độc lập.

“Thương hiệu tốt, chương trình khách hàng thân thiết, hệ thống đặt phòng chuyên nghiệp thường giúp khách sạn hoạt động tốt hơn. Vì vậy các bên cho vay thường đưa ra yêu cầu đó”, Farley của UBS nói.

Tại châu Âu, lãi suất cho vay trong lĩnh bất động sản đang ở mức khoảng 6-8% mỗi năm, tăng lên từ mức 2,5%-3% trước đại dịch, theo Tim Barbrook, người đứng đầu bộ phận tư vấn nợ của HVS. Đối với các khách sạn có thương hiệu, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn khoảng 0,25%.

Các chuỗi khách sạn lớn đã tung ra các thương hiệu “mềm” và chuyển đổi nhằm thu hút các khách sạn độc lập gia nhập. Thương hiệu “mềm” có nghĩa là khách sạn độc lập tham gia hệ thống đặt chỗ của một chuỗi có thương hiệu nhưng vẫn được phép giữ lại tên riêng.

Các nhà phân tích cho biết, những thương hiệu này giúp thúc đẩy tăng trưởng đơn vị phòng của các chuỗi lớn. Doanh thu phí nhượng quyền và cấp phép của Hilton tăng hàng năm 14,6% trong năm 2023 và 38,5% trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng này của Marriott là 13% trong năm 2023 và 40% trong năm 2022.

“Cứ thêm 100 hoặc 1.000 phòng gia nhập, các chuỗi khách sạn lớn kiếm thêm khoản phí nhượng quyền đáng kể”, Jan Freitag, giám đốc phụ trách nhóm khách sạn ở Mỹ tại Công ty ty phân tích CoStar, nói.

Chẳng hạn, Hilton ra mắt thương hiệu nhượng quyền Spark vào đầu năm 2023. Đối với các chủ khách sạn nhỏ, hợp tác thông qua hợp đồng nhượng quyền chuyển đổi giúp họ tiếp cận nguồn khách từ chương trình khách hàng thân thiết của các chuỗi lớn.

Distinctive Hospitality Group, một công ty quản lý bất động sản, đã mở một khách sạn Spark đầu tiên ở bang Connecticut (Mỹ). “Chúng tôi sẽ không bao giờ nhận nhượng quyền chuyển đổi nếu không thu được lợi ích từ Hilton. Trong vòng hai tháng đầu tiên, hơn 45% khách của Spark là thành viên của chương trình khách hàng thân thiện Hilton Honors”, Lou Carrier, CEO của Distinctive Hospitality Group, nói.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuoi-khach-san-lon-tang-ket-noi-cac-khach-san-nho-thong-qua-thoa-thuan-nhuong-quyen/