Chúng tôi bắn tỉa ở Điện Biên

Tài thông minh sáng tạo của người Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ca ngợi nhiều. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng vậy, nhiều cách đánh đã được bộ đội ta vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, trong đó phải kể đến cách bắn tỉa.

Đó là lời tâm sự của cựu chiến binh Nguyễn Kim Toàn khi trò chuyện với chúng tôi về những ngày tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Ông Toàn kể lại, ở Điện Biên Phủ, việc thay đổi cách đánh sang “đánh chắc tiến chắc” một cách kịp thời là sự thông minh, sáng tạo tuyệt vời, ít có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Chính từ phương châm “đánh chắc tiến chắc” mới sáng tạo đào hệ thống đường hào quây chặt toàn bộ quân địch ở Điện Biên, làm chúng mất khả năng rút chạy. Cụ thể là quân ta đã đào hào quây riêng từng vùng Mường Thanh, Hồng Cúm… Sau nữa lại đào hào bao vây từng cứ điểm, chĩa từng đoạn hào “râu” tiến sát đến hàng rào, sát ụ súng địch… thì việc rút chạy của địch là không còn được nữa.

Các đơn vị xung kích tấn công sân bay Mường Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Một nội dung khác liên quan đến cách bắn tỉa sau này của ta, đó là việc tiếp tế của địch. Trước đây là máy bay vận tải hạ cánh thẳng xuống sân bay Mường Thanh. Khi cao xạ pháo của ta khống chế thì chúng hạ, cất cánh theo kiểu ăn trộm. Đến khi quân ta đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh và đóng giữ tại đó, thì máy bay địch phải thả dù để quân lính từ các cứ điểm gần đó ra thu, cướp về. Cho đến khi quân ta đã quây chặt tới mức quân địch từ trong cứ điểm không ra “cướp dù” được nữa, thì máy bay địch buộc phải sà thật thấp, lựa gió, thả sao cho dù rơi trong mặt cứ điểm. Tất nhiên, cao xạ pháo của ta đã làm cho máy bay địch rất hiếm khi đạt được mong muốn đó. Tuy nhiên, binh lính địch vẫn còn hy vọng về một sự giải thoát nào đó ở từ cấp trên của chúng. Cho nên quân ta phải tăng sức ép bằng cách tổ chức bắn tỉa đối với từng cứ điểm của địch.

“Lúc bấy giờ, mỗi tiểu đoàn của chúng tôi có một tiểu đội bắn tỉa. Ở Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 chúng tôi thì tiểu đội bắn tỉa nằm ở Đại đội 60 và phụ trách vài cứ điểm ở khu Hồng Cúm. Tùy địa hình từng cứ điểm và khả năng khống chế của từng điểm mà sắp xếp số người phụ trách bắn tỉa ở từng cứ điểm của địch, nhất là những nơi địch hay đi lại, buộc phải lên khỏi mặt hào như: Đi lấy nước, lương thực, đi vệ sinh…”, cựu chiến binh Nguyễn Kim Toàn kể lại.

Sau khi một số tên chết và bị thương do đi lại trên mặt đất thì địch đã hạn chế hoặc bất ngờ vọt lên rồi chạy nhanh thoát thân. Các đồng chí ta đã rút kinh nghiệm nên bọn chúng vẫn bị thương vong, bị ta hạ gục… vì vậy địch chuyển sang đi ban đêm.

Đang trong lúc chưa biết làm cách nào để tiêu diệt địch ban đêm thì cấp trên đã trang bị cho các đơn vị súng bắn tỉa chuyên dùng. Súng tuy hơi nặng, dài hơn một chút nhưng bắn xa hơn, chính xác hơn nhờ có kính ngắm. Biết khó khăn của đơn vị, trên lại trang bị cho cả máy ngắm ban đêm. Từ đó, địch gần như chỉ hoạt động suốt ngày đêm ở dưới giao thông hào. Chúng tôi cứ rình sẵn, tên nào vừa thò đầu lên là “độp”, trúng đầu, khiến quân địch khiếp sợ.

Bắn tỉa những ngày đầu, nhất là những hôm còn yếu tố bất ngờ, nhiều phát đạn có thể xuyên táo 2 kẻ địch. Có ngày, mỗi đồng chí tiêu diệt được 4 đến 5 tên. Nhưng về sau thì rất khó. Địch thì cảnh giác đề phòng, đối phó…

“Chúng tôi thì có lúc rất căng thẳng. Chăm chăm mỏi mắt, có khi đôi mi mắt cứng đờ vì lâu không dám chớp. Thú thực, nhiều khi cũng có ý chờ được thay ca để về xả hơi mà trước hết là cho đôi mắt nghỉ ngơi”, cựu chiến binh Nguyễn Kim Toàn nói.

Khi tổng kết chiến dịch, riêng nhiệm vụ bắn tỉa, tiểu đội của cựu chiến binh Nguyễn Kim Toàn đã diệt được 96 tên và được bình công khen thưởng-hầu hết được trung đoàn khen, một số đồng chí được đại đoàn khen. Riêng đồng chí tiểu đội phó và ông Nguyễn Kim Toàn được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp Trung đoàn.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/chuyen-o-chien-truong/chung-toi-ban-tia-o-dien-bien-771129