Chung tay ươm mầm tài năng

Với mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học (ĐH), ĐH Quốc gia Hà Nội đang dự kiến thí điểm cho học sinh THPT học tích lũy tín chỉ ĐH từ năm học 2024 - 2025.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học hàng năm thu hút hàng trăm dự án từ học sinh trên khắp cả nước. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Phát hiện và bồi dưỡng tài năng từ nhà trường

Chương trình ươm tạo tài năng bậc THPT (Chương trình VNU 12+) vừa được ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin tới người học. Theo đó, chương trình sẽ lựa chọn học sinh (HS) THPT có tài năng thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đăng ký học tích lũy một số học phần của chương trình đào tạo trình độ ĐH trong danh sách các chương trình được ĐH Quốc gia Hà Nội công bố. HS tham gia chương trình sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc ĐH trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp sớm; đồng thời có cơ hội tiếp cận được các chương trình học bổng quốc tế, tăng tỷ lệ thành công khi học ĐH.

Việc học tích lũy của từng HS sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp (coaching) của giảng viên có uy tín, có trình độ quốc tế của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong quá trình học tập, HS có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn.

HS có thể được cấp học bổng xét trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước và của ĐH Quốc gia Hà Nội, trong đó có ưu tiên các ngành khoa học cơ bản. Các mức học bổng bao gồm: miễn 100% học phí hoặc miễn một phần học phí. Trường hợp HS có tài năng xuất sắc và có cam kết học tập sau khi tốt nghiệp THPT tại đơn vị đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc đơn vị đào tạo có thể cấp thêm các học bổng hỗ trợ đào tạo khác.

GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, một trong những hướng đổi mới trong giáo dục, đào tạo HS phổ thông của trường là định hướng nghề nghiệp sớm cho HS hệ chuyên bằng cách tư vấn, hỗ trợ học tích lũy một số học phần trong chương trình đào tạo ĐH và ưu tiên xét tuyển khi các em có mong muốn tiếp tục học ĐH ở ĐH Quốc gia Hà Nội. Chương trình VNU 12+ là bước đầu để các em có học lực tốt theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ nền tảng trong và ngoài nước.

Khuyến khích phát triển theo năng lực

Theo GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm - nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin, từ những năm 1965 đến nay, Việt Nam đã xây dựng và hình thành hàng trăm trường phổ thông năng khiếu trên cả nước góp phần đào tạo nhiều thế hệ HS giỏi, trở thành những chuyên gia, những nhà quản lý xuất sắc trong mọi hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Những học sinh đã được tuyển chọn với đầu vào rất khắt khe, nội dung đào tạo thường nặng về những môn chuyên. Những năm gần đây, các chương trình phát triển tài năng cũng được phát triển thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu giúp phát hiện và bồi dưỡng học sinh phát triển tài năng theo khả năng của mình.

Thực tế hiện nay tại các trường phổ thông, việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng cũng được quan tâm, thực hiện rất sát sao. Không chỉ các trường THPT chuyên mà ngay ở các trường phổ thông các cấp cũng có những cách thức khác nhau để ươm mầm tài năng, điển hình là sự ra đời của các câu lạc bộ do chính HS lên ý tưởng, tổ chức hoạt động với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo… Đơn cử như tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có tới hơn 40 câu lạc bộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau do chính HS của trường sáng lập và điều hành. Nhiều HS ở các trường khác nhau trên cùng một địa bàn cũng liên kết thành lập câu lạc bộ với những hoạt động ý nghĩa…

Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD), mỗi HS sẽ có tài năng ở một hoặc nhiều lĩnh vực nhất định. Phụ huynh, nhà trường cần nhận định đúng thế mạnh, sở trường của con để định hướng và tạo điều kiện phù hợp cho các em phát huy được điểm mạnh của mình. Không phải chỉ HS học giỏi các môn văn hóa như Toán, Văn, Ngoại ngữ… mới là giỏi, cần được khuyến khích mà còn rất nhiều những nhóm tài năng khác đã được khoa học chứng minh và chỉ ra, như tài năng giao tiếp, tài năng vận động thể chất, tài năng trí thông minh nội tâm…

“Việc bồi dưỡng tài năng cho HS là điều cần thiết, cần được quan tâm để tránh lãng phí và có cơ hội được phát huy hết năng lực, thế mạnh của mình trong môi trường phù hợp. Dù có tài năng thiên bẩm, các em HS vẫn cần phải tập luyện, củng cố thêm để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân càng sớm càng tốt” - ông Kỳ Anh nhấn mạnh.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chung-tay-uom-mam-tai-nang-10278381.html