Chung tay giảm rác thải nhựa - Bài 2: Giải pháp cốt lõi bắt đầu từ chính sách và nhận thức

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhiều chính sách về giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất và tiêu dùng đã được Chính phủ ban hành.

Cụ thể hóa bằng các văn bản luật

Ô nhiễm nhựa đã và đang trở thành thách thức lớn nhất hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường.

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Ảnh: Cấn Dũng

Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế, có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế, trong khi 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ là ngành nghề tiếp xúc với môi trường độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe.

PGS.TSKH Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khóa XV cho biết:Ô nhiễm nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước”.

Trước thực trạng đó, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện đến nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm nhựa cũng đã được Đảng, Chính phủ định hướng và đưa ra các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy giải quyết tình trạng này như: Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường”- ông Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xây dựng và triển khai Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam tập trung vào thu gom, tái chế và xử lý 85% lượng chất thải nhựa vào năm 2025. Đề án đặt ra yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện xây dựng chính sách, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sửa đổi chính sách thuế và kiểm soát nhập khẩu nhựa phế liệu, trong khi yêu cầu các tỉnh và thành phố xây dựng kế hoạch quản lý chất thải nhựa tại mỗi địa phương.

Cùng với đó là Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). Đây là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động cụ thể.

Chương trình SCP được kỳ vọng góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ảnh: Cấn Dũng

Đặc biệt, là quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình SCP) theo đó mục tiêu đặt ra đến năm 2025 có 85% hệ thống phân phối bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần khó phân hủy.

Đóng góp của ngành Công Thương

Là Bộ có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã chung tay vào cuộc cùng các bộ ngành, địa phương cả nước nhằm giảm thiểu sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa.

Bên cạnh việc góp ý, ban hành các văn bản pháp luật; xây dựng và triển khai các chương trình hành động, sáng kiến bảo vệ môi trường, trong đó có giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân qua các hội thảo, hội nghị, cuộc thi viết trên báo chí (Năm 2016, năm 2023, Bộ đã tổ chức cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương).

Riêng đối với rác thải nhựa, năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương. Theo đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các sở Công thương triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa và đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các đơn vị.

Đơn cử như Vụ Thị trường trong nước đã xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong các chương trình đang triển khai thực hiện.

Hay như các Sở Công Thương và các nhà phân phối lớn tại Việt Nam như MM Mega Market, Lotte, Co.opMart… đã chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi ni lông tự hủy sinh học thay thế túi ni lông sử dụng một lần; sử dụng các khay, hộp, đĩa và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm được làm từ bột ngô, bã mía, sơ dừa... để thay thế một phần các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa; hạn chế dần việc bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Nhiều trung tâm phân phối, siêu thị đã có sáng kiến sử dụng phương pháp bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, lá dong, lạt tre nứa, túi giấy thay cho túi nilon; đồng thời, ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa, thay thế bằng các loại ống hút được sản xuất từ tre, cỏ, bột ... đã được tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng.

Các cơ quan quản lý ngành Công Thương đã và đang tiếp tục xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy để tích cực giảm thiểu chất thải nhựa hiệu quả nhất.

Với những chính sách quyết liệt và mạnh mẽ trên đã làm thay đổi căn bản nhận thức và hành động của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong xã hội.

Chuyển từ nhận thức sang hành động

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho biết: Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Trong đó Chương trình SCP đã nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ông Trịnh Quốc Vũ cũng khẳng định, vai trò của các nhà phân phối, bán lẻ trong giảm thiểu rác thải nhựa vô cùng quan trọng. Đây chính là một mắt xích trong định hướng cho các khâu sử dụng khai thác tài nguyên hướng đến nền kinh tế phát thải thấp.

Hiện các siêu thị trên cả nước đã và đang chuyển đổi sử dụng túi thân thiện môi trường trong hệ thống phân phối. Ảnh: Cấn Dũng

Chương trình SCP đã góp phần tạo sự thay đổi nhận thức nhanh chóng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là các cơ sở phân phối, bán lẻ để giảm thiểu chất thải trong đó tập trung túi ni lông, bao bì nhựa khó phân hủy”- ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa dùng một lần khó phân hủy trong chuỗi cung ứng và sản xuất của mình như: TH True Milk, Vinamilk, Mê Linh Plaza, AEON, BigC, MM Mega market, Saigon Coop…và một số nhà phân phối bán lẻ khác.

Ông Đàm Mạnh Tuấn - Giám đốc Khối vận hành miền Bắc, AEON Việt Nam cho biết: "Trước năm 2019, tại AEON Việt Nam chỉ có 0,1% giao dịch thanh toán không dùng túi ni -lông sử dụng một lần khó phân hủy, kết quả tích cực sau khi triển khai Chương trình SCP đến cuối năm 2022, trên 7% giao dịch của khách hàng tại hệ thống siêu thị AEON không dùng túi ni -lông. Theo đó chúng tôi thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường, bao bì hữu cơ".

Theo nghiên cứu khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, tại 48 siêu thị tại Hà Nội, trung bình, số lượng túi nilon dùng 1 lần tại 48 siêu thị này là 104.000 túi/ngày, tương đương 38 triệu túi nilon/năm. 46/48 siêu thị đang cung cấp túi ni-lông miễn phí, mỗi 1 đơn hàng phát miễn phí trung bình 1.6 túi ni lông. Đáng chú ý, hiện đã có 2 siêu thị đã ngừng cung cấp phát túi ni-lông tại quầy thanh toán.

Hiện có trên 7% khách hàng giao dịch tại AEON không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy

Ông Lại Tiến Mạnh – Trưởng phòng Kinh tế môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường) cho biết: Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá thành thấp và sự tiện lợi của túi ni-lông là nguyên nhân chính khiến các siêu thị tiếp tục sử dụng. Chỉ có 6.7% siêu thị sẵn sàng không cung cấp túi ni-lông miễn phí cho khách hàng. 33% còn lại không đồng ý thực hiện vì cho rằng không có giải pháp thay thế sự tiện lợi của túi nilon.

Để thực hiện loại bỏ hoàn toàn túi ni-lông cũng như các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy trong thời gian ngắn là hết sức khó khăn. Bởi như ông Đàm Mạnh Tuấn chia sẻ, bên cạnh chi phí cho các sản phẩm bao bì phân hủy sinh học thì hiện trên thị trường chưa có nhiều sản phẩm thay thế để nhà phân phối có thể lựa chọn với mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp.

Ở góc độ quản lý, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí cho các sản phẩm bao bì phân hủy sinh học, sản phẩm thân thiện môi trường. Và quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp cần có cơ chế khuyến khích cụ thể cũng như các chế tài đủ mạnh. Nếu khuyến khích chung chung thì kinh tế tuần hoàn chỉ là xu hướng. Sản xuất và tiêu dùng bền vững cần phải thực hiện sâu rộng và triển khai đến mọi đối tượng từ sản xuất, đóng gói, bảo quản, logistics đến phân phối, tiêu dùng.

Tuy nhiên, chỉ những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân riêng lẻ thì chưa đủ sức mạnh để giảm thiểu tác hại do túi nilon gây ra. Do vậy chúng ta cần sức mạnh tổng hợp với hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và đủ mạnh để đảm bảo các đối tượng trong xã hội đều phải tuân thủ và thực thi”- ông Hoàng Đức Vượng- Chủ tịch Công ty VietCycle nhấn mạnh.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-tay-giam-rac-thai-nhua-bai-2-giai-phap-cot-loi-bat-dau-tu-chinh-sach-va-nhan-thuc-269594.html