Chúng ta có thể đã bỏ qua tuyệt phẩm văn chương?

Thật khó để khẳng định tác phẩm kinh điển hiện nay xuất sắc hơn tất cả bản thảo cùng thời. Trong số những bản thảo thất lạc, có thể bao gồm tuyệt phẩm mà nhân loại không biết đến.

Suốt chiều dài phát triển của văn học, nhân loại từng được chứng kiến nhiều tác phẩm của các nhà tư tưởng, tiểu thuyết gia, kịch gia và các cây viết xuất chúng. Trong đó có những cây viết được người đời biết đến và chạm đến đỉnh cao danh vọng ngay lúc sinh thời như Shakespeare, Francis Beaumont. Cũng có những người chỉ nổi danh khi họ đã qua đời trong nghèo đói, bệnh tật như Franz Kafka, Edgar Allan Poe.

Những tín đồ của sách tự nhủ chúng ta thật may mắn biết bao khi những tác phẩm kiệt xuất vẫn tồn tại và được lưu truyền cho đến ngày nay. Tuy nhiên, một số độc giả thích tư duy lại nảy ra một suy nghĩ khác. Nhóm này cho rằng sẽ ra sao nếu những tác phẩm xuất sắc của nhân loại thực ra đã thất truyền và mãi mãi là một bí ẩn đối với hậu thế?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bản thảo xuất sắc của một cây viết vô danh đã bị tay cai ngục nào đó đem nhóm lò, bị con cháu bỏ quên trên căn gác xép mục nát hay bị chính tác giả tiêu hủy trong cơn bi quẫn?

Số lượng đáng kinh ngạc của các tác phẩm bị thất truyền

Theo The Guardian, trên khía cạnh của khoa học thống kê, khả năng một tuyệt phẩm văn học nào đó không đến được tay độc giả ngày nay là rất có thể xảy ra. Khi đại thư viện Alexandria ở Ptolemaic bị thiêu rụi bởi một hỏa hoạn, lửa đã cháy liên tục trong suốt 6 tháng mới tắt hẳn.

Dù nguyên nhân của vụ cháy là một bí ẩn, tai nạn này vẫn để lại nhiều tiếc nuối cho hậu thế. Nếu Alexandria thực sự tồn tại và vĩ đại như người đời lưu truyền thì vụ hỏa hoạn là một mất mát to lớn của tri thức nhân loại.

 Những vụ hỏa hoạn có thể gây tổn thất tới kho tri thức của nhân loại. Ảnh: Getty.

Những vụ hỏa hoạn có thể gây tổn thất tới kho tri thức của nhân loại. Ảnh: Getty.

Để cụ thể hóa và đo lường những mất mát tương tự đối với di sản văn tịch của Anh và các nước châu Âu lục địa, hai học giả Mike Kestemont và Folgert Karsdorp đã tìm cách ước lượng tỷ lệ sống sót của các văn kiện cổ bằng việc sử dụng phép ngoại suy của ngành sinh thái học, vốn được dùng để ước lượng số lượng các loài chưa được biết đến dựa trên dữ liệu về các loài đã biết.

Sau quá trình áp dụng cẩn trọng các công thức toán, một kết luận sửng sốt đã được hai học giả đưa ra trên tờ Science Magazine. Trên cơ sở số liệu thống kê về các tác phẩm được lưu truyền đến ngày nay, khoảng 90% bản thảo thời trung cổ lưu trữ tinh thần thượng võ về các nhân vật như vua Arthur hay Sigurd đã không thể truyền đến tay hậu thế.

Nguyên nhân thất truyền

Nguyên nhân của sự thất truyền rất đa dạng. Kể cả khi nhân loại đã phát minh ra máy in từ rất sớm thì tai nạn về sách vẫn thường xuyên xảy ra. Bản thảo cổ thường được lưu trữ dưới dạng vật chất như da dê, thẻ tre, giấy… rất nhạy cảm trước hỏa hoạn, thiên tai hay biến đổi sinh hóa tự nhiên. Ngoài ra, không thể bỏ qua những nguyên nhân con người cố ý gây ra như kiểm duyệt, chiến tranh...

Theo Michael Friedrich, một nhà Hán học người Đức của Đại học Hamburg, rất nhiều văn tịch cổ tại Trung Quốc thế kỷ thứ nhất đã bị thiêu rụi sau một cuộc nội chiến ác liệt tại kinh thành nhà Hán. Sang đến triều đại tiếp theo, đoàn tàu chở một kho văn tịch khác đến kinh đô mới lại gặp nạn và bị chìm.

Hầu như văn tịch tinh hoa được lưu trữ tại các kinh đô do đây là điểm tập trung của quyền lực chính trị và qua đó thu hút nhân tài đến cống hiến, làm việc. Tuy nhiên, khi biến cố chính trị xảy ra, các kho tàng sách tại đây luôn lọt vào tầm nhắm của thế lực lật đổ. Tại London vào thế kỷ 17, những kẻ bạo loạn đã phá hoại nhà hát Cockpit và đốt cháy toàn bộ kịch bản lưu trữ trong rạp.

 Tranh vẽ cảnh đốt sách chôn Nho. Ảnh: Sohu.

Tranh vẽ cảnh đốt sách chôn Nho. Ảnh: Sohu.

Học giả Luciano Canfora của Italy viết trong cuốn The Vanished Library rằng số lượng sách của tiền nhân mà chúng ta lưu lại ngày nay không đến từ các trung tâm quyền lực mà từ những bản sao nhỏ lẻ trong các tu viện hoặc do tư nhân lưu trữ qua các đời.

Thất truyền cũng là một vấn đề đối với các tác phẩm kịch cổ. Trên thực tế, kịch bản sân khấu thường được in qua loa và phát rời rạc cho các diễn viên và nhân viên nhà hát. Theo học giả David McInnis của Đại học Melbourne, điều này dẫn đến hệ quả là một phiên bản khác của vở Uổng công vì yêu mang tên Thành công vì yêu do Shakespeare sáng tác đã được biểu diễn nhưng không còn kịch bản để khán giả thời nay thưởng thức.

Trong thời kỳ nội chiến Anh, những người theo đạo Thanh Giáo đã đóng cửa loạt nhà hát ở London khiến hàng loạt vở kịch biến mất. Chỉ một số ít tác phẩm của Shakespeare và Christopher Marlowe được các diễn viên người Anh biểu diễn và lưu truyền tại Đức.

Bên cạnh việc sách bị thất lạc do bất khả kháng, nhiều tác giả đã tự tiêu hủy bản thảo của mình. Văn hào Nga Nikolai Gogol từng tự tay đốt một lượng lớn số sách mình viết vì ông tin lời của một giáo sĩ cho rằng kho sách của ông đã bị quỷ ám và sẽ chẳng đưa ông đi đến đâu ngoài địa ngục. Quyết định này khiến Nikolai hối hận ngay lập tức. Ông cho rằng chính trò đốt sách này mới là lời xúi giục của quỷ và đổ bệnh qua đời hai tuần sau đó.

Một trường hợp ngặt nghèo khác là của nữ nhà văn Mỹ Ottessa Moshfegh. Sau khi rời khỏi Manhattan để tìm về lối sống cô độc tại Maine, dưới cái lạnh buốt giá của mùa đông và sự thiếu thốn nguyên liệu củi, Ottessa đã phải tự đốt một số bản thảo của chính mình để sưởi ấm. May thay, điều an ủi là nữ nhà văn sau đó đã dùng chính những chiêm nghiệm trong lúc nhìn sách bị thiêu để xây dựng nên cuốn The Dark and Winding Road.

Thậm chí, nhiều tín đồ sách vẫn thường đặt các giả thuyết khác nhau về các tác giả ưa thích của họ đã giấu tác phẩm tâm đắc nhất của mình khỏi công chúng. Các fan của Haruki Murakami tin rằng tác phẩm xuất sắc của tác giả người Nhật đã bị chính chủ đốt bỏ hoặc đang nằm tại nơi trang trọng trong nhà ông.

 Các vở kịch cổ thường không được chú trọng trong việc xuất bản. Ảnh: Shakespearesglobe.

Các vở kịch cổ thường không được chú trọng trong việc xuất bản. Ảnh: Shakespearesglobe.

Giới hạn của nhân loại trong việc đánh giá các tác phẩm

Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác thì kể cả khi nhân loại khai quật hoặc khôi phục được các văn tịch cổ, chưa chắc chúng ta đã có khả năng thẩm định và đánh giá chất lượng của chúng.

Vấn đề này hiện ra rõ rệt khi chúng ta nhìn vào số lượng văn tịch khổng lồ của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Các nhà khoa học ước tính số lượng tác phẩm chưa được nghiên cứu thuộc nhóm này rơi vào tầm 10 triệu bản trong khi Friedrich khẳng định rằng con số mà ông được chứng kiến phải ở khoảng 30 triệu.

Con số khổng lồ này là một thách thức khi số lượng chuyên gia có trình độ chuyên môn và khả năng ngôn ngữ để thẩm định nhóm tác phẩm này không nhiều.

Đối với những vở kịch, việc đánh giá chất lượng của tác phẩm bị thất truyền có vẻ dễ dàng hơn dựa vào số liệu về doanh thu bán vé của những nhà hát lâu đời.

Học giả McInnis đã tìm đến bộ sổ sách vẫn còn lưu trữ của Philip Henslowe, một ông bầu nổi tiếng là tỉ mẩn ở London những năm 1590, để tham khảo và kết luận những vở kịch thất truyền có chất lượng ít nhất là ngang bằng những vở còn lại, nhiều khi còn tốt hơn. Doanh thu của chúng rất tốt và do đó sự thất truyền đến từ lý do khác chứ không phải bị đào thải bởi chất lượng.

Tuy nhiên, giới chuyên môn lịch sử văn học nhìn chung vẫn dè dặt trong việc xếp hạng chất lượng tác phẩm cổ. Lý do chúng ta thường đánh giá tác phẩm dựa trên mặt bằng chung của giới văn học trong thời kỳ tương ứng. Giáo sư Daniel Sawyer của Đại học Oxford cho rằng kể cả khi hồi phục được một số tác phẩm thời Trung cổ thì chúng ta cũng khó lòng có đủ kiến thức để đánh giá chất lượng của chúng do số lượng tác phẩm thất lạc vẫn quá lớn.

Shakespeare là tác gia kiệt xuất không chỉ vì ông đã góp phần xây dựng nên thứ tiếng Anh ngày nay mà còn vì năng lực của ông được giới văn nghệ cùng thời công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, đối với các niên đại văn học khác, giới chuyên môn chưa có đủ tư liệu để đối chiếu và phân tích.

Thực tế, gần với thời đại của Shakespeare cũng có những tác giả vĩ đại khác được giới mộ điệu ca ngợi. Đáng tiếc, những tác phẩm của họ đã không còn để hậu thế chiêm ngưỡng. Shakespeare từng được gán cho danh xưng “người thừa kế của Thomas Watson” để tán dương khả năng sáng tác của ông nhưng các tác phẩm của Thomas Watson thì hậu thế lại không tiếp cận được do đã bị thất lạc gần hết.

Thật khó có thể khẳng định vị thế của Shakespeare sẽ ở đâu nếu các tác phẩm của những tác gia khác được khai quật triệt để. Đâu đó trong thế giới bên kia của những bản thảo trầm lặng bị thất lạc, rất có thể bao gồm một tuyệt phẩm sáng chói mà nhân loại không bao giờ được biết đến.

Minh Quân

Ảnh: Elia Barbieri/The Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-ta-co-the-da-bo-qua-tuyet-pham-van-chuong-post1322525.html