Chung sức tạo nguồn vốn tín dụng chính sách

Người dân xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) được vay vốn tín dụng chính sách từ nguồn vốn địa phương để trồng sắn. Ảnh: VIỆT AN

Trải qua một năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng ngay từ đầu năm nay, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã sớm trích ngân sách địa phương ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh vay vốn.

Đây là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục triển khai Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, đồng hành của địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Trích ngân sách địa phương ủy thác từ đầu năm

Tại phiên giao dịch đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022 trên địa bàn phường 6, TP Tuy Hòa, gia đình bà Phan Thị Kim Loan ở khu phố 2 được NHCSXH Phú Yên giải ngân 10 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm. “Với số tiền này, chúng tôi mua lưới để bổ sung vào giàn lưới hiện có của gia đình, giúp việc đánh bắt thủy sản gần bờ hiệu quả hơn”, bà Loan cho biết. Theo bà Loan, sau một năm khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2022, hoạt động đánh bắt, tiêu thụ hải sản khởi sắc trở lại nên gia đình bà cần vốn để sửa sang, nâng cấp lại dụng cụ làm nghề. Nhờ vốn chính sách hỗ trợ kịp thời, những chuyến biển đầu năm, công việc đánh bắt thuận lợi, gia đình có nguồn thu.

Không riêng hộ bà Loan, từ đầu năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn địa phương, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân cho hàng ngàn hộ vay vốn tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu khôi phục sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Kết quả này có được là nhờ ngay từ đầu năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ TX Đông Hòa) đã trích ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH Phú Yên 36,6 tỉ đồng để cho vay. Cụ thể, UBND tỉnh ủy thác 20 tỉ đồng; TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu, mỗi địa phương ủy thác 3 tỉ đồng; huyện Sơn Hòa ủy thác 2,1 tỉ đồng; Đồng Xuân và Tuy An, mỗi huyện ủy thác 2 tỉ đồng; các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, mỗi huyện ủy thác 1,5 tỉ đồng. Qua đó nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác NHCSXH lên gần 187 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Sơn Hòa cho biết: Sơn Hòa là huyện miền núi, ngân sách khó khăn, lại phải đảm bảo nhiều nội dung phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu trích ngân sách địa phương 2 tỉ đồng để ủy thác NHCSXH cho vay thì Sơn Hòa xác định phải thực hiện bằng được. Chưa kể, huyện còn cố gắng trích tăng 100 triệu đồng so với chỉ tiêu giao. Ngay từ đầu năm 2022, huyện đã chuyển ngay 2,1 tỉ đồng cho NHCSXH Phú Yên, giúp đơn vị này có thêm vốn, đáp ứng nhu cầu vay khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân gửi tiết kiệm qua NHCSXH để ngân hàng có thêm nguồn lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.

Cung vẫn chưa đủ cầu

Đầu năm 2022, huyện Phú Hòa cũng sớm trích ngân sách 1,5 tỉ đồng để ủy thác NHCSXH cho vay. “Năm nay, huyện phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng trên 10%. Để tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, thoát nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, địa phương chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo ban chỉ đạo giảm nghèo, việc làm địa phương và các trưởng thôn, khu phố phối hợp với các đoàn thể và các ban ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, cho vay, thu hồi nợ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tạo thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài”, ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phú Hòa cho biết.

Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, việc UBND tỉnh và các địa phương quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác ngay từ đầu năm đã kịp thời bổ sung vốn để NHCSXH cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đây cũng là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục triển khai Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Mặc dù vậy, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hàng năm vẫn còn thấp so với nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân trên địa bàn tỉnh.

“Vì vậy, thời gian tới, chi nhánh tiếp tục tham mưu các địa phương quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác năm 2022 sang NHCSXH cho vay. Đồng thời kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nội dung Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch 210/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban MTTQ, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tập trung các nguồn quỹ có tính chất từ thiện, các nguồn vốn hợp pháp khác gửi vào NHCSXH để tăng cường nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách”, ông Hồ Văn Thục nói.

VIỆT AN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/271292/chung-suc-tao-nguon-von-tin-dung-chinh-sach.html