Chung sống với biển cả

Ngày 20-12-2021, không khí mát lành đã trở lại với làng chài xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi - địa phương có 13 tàu cá chạy tránh siêu bão Rai trên biển. Thời điểm đó, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi thông tin về việc các tàu cá này đã an toàn và di chuyển xuống hướng Nam. Ngày bình yên, các ngư dân lão luyện đều nhắc đến việc, nhờ thả dù nổi nên cả trăm ngư dân đã được bảo toàn tính mạng.

Bài 3: Nhảy dù trong bão

Ngư dân Nguyễn Văn Thiện (thứ 3, từ phải sang) kể về một lần thoát chết trên biển nhờ thả dù nổi (ảnh chụp năm 2008). Ảnh: Văn Chương

Ngư dân Nguyễn Văn Thiện (thứ 3, từ phải sang) kể về một lần thoát chết trên biển nhờ thả dù nổi (ảnh chụp năm 2008). Ảnh: Văn Chương

Thoát nạn nhờ dù

Ở các tỉnh ven biển miền Trung, chuyện ngư dân thoát nạn trên biển nhờ dù đã trở nên phổ biến. Nhưng tìm được câu chuyện thoát nạn trong các tình huống sinh tử trong bão tố cực lớn thì phải kể đến các ngư dân đánh bắt xa bờ chuyên làm nghề lưới chuồn, lặn đêm ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2008, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người dân thảng thốt trước thông tin có 2 tàu cá của ông Nguyễn Văn Thiện và Nguyễn Lộc (đều ở huyện đảo Lý Sơn) với 24 ngư dân từ vùng biển Hoàng Sa trở về đảo nhưng đột nhiên bị mất liên lạc. “Chắc tàu đắm...; không ai còn sống...”, đó là những cụm từ được nhiều người nhắc đến khi đề cập đến sự việc này.

Cơn bão số 9 năm đó giật trên cấp 11. Bão ập vào đảo Lý Sơn đã lật tung các bờ kè, cây đổ ngổn ngang, trường học bị tốc mái, những chiếc tàu nhỏ bị đẩy dạt vào bờ. Nhìn hình ảnh đó, mọi người đều nói chuyện 24 ngư dân mất tích kia không bao giờ sống sót. Nhưng khi bão tan, 2 tàu cá này bất ngờ đội sóng vào bờ khiến mọi người ngỡ ngàng.

Hỏi chuyện làm gì để sống sót kỳ lạ như vậy, các ngư dân trên tàu cá của ông Nguyễn Lộc đều lôi chiếc dù ra và nói: “Không nhờ nó thì chắc chết cả đám”. Các ngư dân kể, khi tàu còn cách đảo Lý Sơn 70 hải lý, thì gió giật quá mạnh, tàu chạy hết ga nhưng vẫn chỉ nhích âm hải lý (đứng yên một chỗ). Trong tình thế đó, các ngư dân phải bung dù xuống nước. Vì sóng lớn, phủ luôn cả nóc tàu, máy liên lạc Icom bị nước mặn làm hư, cả con tàu sũng nước, vì vậy, con tàu bị mất liên lạc với đất liền.

Trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Thiện chỉ có 4 bạn chài. Các ngư dân đã cố gắng cho tàu vượt qua những lượn sóng cao, tàu chao đảo, trồi lên, sụp xuống giữa những lượn sóng dữ. Khi tàu chỉ còn cách đảo Lý Sơn gần 10 hải lý, thì các ngư dân tuyệt vọng, dừng lại thả dù nổi. Sóng phủ kín con tàu, ập vào ca bin, hệ thống điện và Icom đều sập nguồn. Nhờ thả dù nên cuối cùng, các ngư dân sống sót trở về đảo, trong lúc người thân sì sụp khấn vái ở các đình, miếu, cầu mong có phép màu xảy ra.

Để thả dù và cứu mạng cả con tàu và ngư dân, thuyền trưởng suốt ngày đêm không được rời bánh lái, giữ mức ga để dây dù không bị căng ra quá mức. Các ngư dân cũng phải trực canh, quan sát, nếu dù bị đứt dây thì phải thay ngay chiếc dù dự phòng và thường là chiếc dù cuối cùng để cứu mạng ngư dân.

Dù trong siêu bão Rai

Trong siêu bão Rai năm 2021, 13 tàu cá nói trên đều bung neo dù. Ngư dân Trần Tổng, người gác đài canh Icom tại xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi không miêu tả tỉ mỉ chuyện thả dù ra sao, nhưng tôi hiểu được chuyện này từ âm thanh mà ông Tổng và các ngư dân liên lạc qua kênh 8.4-1.400 USB (trong 3 ngày 17, 18 và 19-12-2021).

Ông Tổng la to, cứ thả dù, anh em phải giữ Icom để có gì ré lên cho nhau biết chừng. Từ “ré” được ông Tổng nói hết sức ngại ngùng, sau này, tôi hiểu rằng, ông Tổng cố kìm nén cảm xúc, không nói quá về sự nguy hiểm đang chực chờ. Vì hơn 100 ngư dân neo dù tránh bão giữa Biển Đông, chỉ cần thuyền trưởng nào đó quá hoảng sợ thì tai nạn rất dễ xảy ra.

Tàu cá của ngư dân vượt bão vào bờ. Ảnh: Văn Chương

Tàu cá của ngư dân vượt bão vào bờ. Ảnh: Văn Chương

Để thả dù trong bão, ngư dân phải luôn trực canh, thuyền trưởng không được rời bánh lái dù chỉ một phút. Vì dù trở thành một túi nước giúp tàu ghim mũi, không bị bật tung trên sóng. Thuyền trưởng phải đẩy ga ở mức phù hợp để dù không bị quá căng dây dẫn đến bục dù, hoặc đứt dây. Tàu thả dù trong bão, mỗi khi đứt dây, các ngư dân trên tàu đều rợn người.

Sau khi bão tan, các ngư dân mới thú thật: “Mỗi ngày phải nong ghe một lần”. Cụm từ “nong ghe” có vẻ khó hiểu. Có nghĩa là ngư dân thả dù nổi và chiếc tàu bị đẩy trôi tự do với tốc độ vài hải lý/giờ. Lúc bão gió, ngư dân không dám rời chiếc dù nổi vì sợ, nhưng cứ đầu buổi sáng thì mọi người lại hè nhau rút dù thật nhanh rồi cho tàu tiến tới phía trước một đoạn để bù lại quãng đường tàu bị trôi, tránh để tàu trôi ra giữa Biển Đông.

Kỹ năng sử dụng dù nổi

Ông Huỳnh Văn Minh, cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết, 13 tàu cá neo tránh siêu bão Rai giữa biển, do nước chảy ngược hướng gió nên các ngư dân neo được tàu bằng dù nổi, tàu không bị đẩy đi quá nhanh nên mọi người an toàn trở về. Khi thả dù thì chú ý dòng chảy và đây là yếu tố rất quan trọng.

Trong siêu bão Rai, toàn bộ đoàn tàu chạy né bão ra tọa độ 18 độ 63 phút vĩ Bắc - 117 độ 30 phút kinh Đông. Chị Nguyễn Thị Liễu, vợ ngư dân Nguyễn Thanh Vũ, thuyền trưởng tàu QNg92288TS cho biết: “Cả đoàn tàu thả dòm (dù) ngoài biển, anh em ở gần nhau, có gì thì hỗ trợ nhau”. Trong suốt câu chuyện, khi nhắc đến từ “thả dù” thì chị Liễu có chút ngập ngừng, giọng nói lạc hẳn đi. Thực tế, mỗi khi thả dù nổi để trụ bám lại trên đường chạy tránh bão, ngư dân dù có dày dạn sóng gió, nhưng phải thả dù cho tàu trôi tự do, cũng có thoáng chút lo ngại. Người thân của họ ở nhà thì nỗi lo phải tăng gấp nhiều lần.

Các ngư dân cho biết, khi học thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng đều có bài liên quan tới kỹ năng sử dụng dù nổi. Tuy nhiên, kỹ năng thả dù trên biển đòi hỏi phải có kinh nghiệm, ví dụ, khi gặp sóng gió quá sức chịu đựng, phải thả cùng lúc 2 dù, nhưng không được để 2 dù quấn vào nhau. Vì chỉ cần mất dù là mất mạng, vì sức máy không đủ điều khiển con tàu đang chao đảo trước sóng to, gió lớn. Bên cạnh đó, nếu dù bị đứt đột ngột, thì ngư dân phải nhanh chóng giữ cho tàu được cân bằng, sau đó, tiếp tục ném chiếc dù khác, trong khi sóng phủ qua boong tàu, có lúc hất ngư dân văng cả xuống biển. Vì vậy, ngoài kỹ năng sử dụng dù nổi, ngư dân còn phải bình tĩnh, phối hợp nhịp nhàng, thì tàu cá mới không gặp phải những rủi ro và trở về đất liền an toàn.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-song-voi-bien-ca-post450698.html