Chứng khoán Mỹ xanh sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá dầu vẫn dưới mốc 70 USD/thùng

Tâm điểm chú ý của thị trường trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sẽ tập trung vào báo cáo việc làm tổng thể chính thức tháng 11 đến từ Bộ Lao động Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (7/12) đưa hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp ngay trước thềm báo cáo việc làm quan trọng được công bố. Giá dầu thô lai giảm, với giá dầu WTI vẫn đóng cửa dưới mốc 70 USD/thùng do nỗi lo thừa cung thiếu cầu.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,8%, chốt ở mức 4.585,59 điểm. Dow Jones tăng 62,95 điểm, tương đương tăng 0,15%, chốt ở 36.117,38 điểm. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở Nasdaq, khi chỉ số này tăng 1,37% và đóng cửa ở mức 14.399,99 điểm nhờ sự vượt trội của cổ phiếu công nghệ.

Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google, tăng hơn 5% khi các nhà giao dịch ăn mừng việc công ty công bố mô hình trí tuệ nhân tạo có tên Gemini. Cổ phiếu hai hãng sản xuất con chip hàng đầu là Nvidia và AMD tăng tương ứng 2% và 9%.

Nếu tính từ đầu tuần, Nasdaq cũng là chỉ số vượt trội, đạt mức tăng khoảng 0,2%; Dow Jones và S&P 500 đã giảm tương ứng khoảng 0,4% và 0,2%.

Phiên tăng ngày thứ Năm chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 10 của Dow Jones và S&P 500. Chuỗi phiên giảm này làm dấy lên lo ngại rằng đợt tăng cuối năm 2023 của thị trường có thể đang mất đà. Dù vậy, cả ba chỉ số hiện vẫn tăng trong quý 4 và trong năm nay, nhờ thành quả của những đợt tăng trước đó trong năm.

Tuần này, các báo cáo việc làm của Mỹ là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư. Cho tới hiện tại, các dữ liệu việc làm được công bố trong tuần cho thấy một bức tranh thiếu đồng nhất.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua thấp hơn dự báo của giới chuyên gia kinh tế, và số người tiếp tục xin trợ cấp thất nghiệp cũng giảm. Những dữ liệu này phản ánh rằng tốc độ sa thải nhân công trong nền kinh tế không tăng lên.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lúc đầu đã tăng mạnh sau khi báo cáo trên được công bố, phản ánh mối lo rằng sự vững vàng của thị trường lao động có thể gây trở ngại cho nỗ lực chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Cuối phiên, lợi suất tăng khoảng 3 điểm cơ bản, lên mức 4,148%.

Trước đó, số liệu từ công ty dịch vụ tuyển dụng APD hôm thứ Tư cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ trong tháng 11 tạo số công việc mới ít hơn dự báo của giới chuyên gia kinh tế. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Ba cho thấy số việc làm cần tuyển dụng trong tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Hiện tại, các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall vẫn có khuynh hướng coi tin xấu là tin tốt, vì những dữ liệu cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế giúp củng cố khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Tâm điểm chú ý của thị trường trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sẽ tập trung vào báo cáo việc làm tổng thể chính thức tháng 11 đến từ Bộ Lao động Mỹ. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo có 190.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 11, tăng nhẹ so với con số của tháng trước đó. Nhà đầu tư cũng đang hy vọng sẽ xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động, chẳng hạn tiền lương tăng chậm lại, để có thể đảm bảo chắc chắn rằng Fed sẽ không tăng lãi suất vào tuần tới và bắt đầu giảm lãi suất trong nửa sau của năm 2024.

“Rất có thể thị trường đã kỳ vọng quá sớm vào việc cắt giảm lãi suất. Số liệu việc làm ngày mai có thể dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng đó”, Giám đốc đầu tư Alex McGrath của công ty NorthEnd Private Wealth nhận định.

Giá dầu thô WTI giao tháng 1/2024 tại thị trường New York giảm 0,04 USD/thùng, tương đương giảm 0,06%, đóng cửa ở mức 69,34 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 2 tại London giảm 0,25 USD/thùng, tương đương giảm 0,34%, đóng cửa ở mức 74,05 USD/thùng.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá dầu WTI đóng cửa dưới mốc 70 USD/thùng do phiên bán tháo khiến giá dầu sụt hơn 4% vào hôm thứ Tư.

“Cơn khát dầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã giảm, nên áp lực giảm đối với giá dầu sẽ tăng lên, nhất là khi sản lượng dầu của Mỹ, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng”, nhà phân tích John Evans của công ty PVM Oil nhận định.

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô và khí ngưng tụ của Mỹ trong tháng 9 vừa qua lập kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp.

Giá dầu đã giảm khoảng 10% kể từ khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+, tuyên bố gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1/2024. Thị trường cho rằng kế hoạch này chỉ mang tính hình thức chứ không có thực chất.

Trong chuyến thăm Saudi Arabia vào hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã thảo luận về tăng cường hợp tác để bình ổn thị trường dầu lửa. Chuyến thăm này có thể củng cố niềm tin của thị trường vào kế hoạch giảm sản lượng dầu của OPEC+.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-xanh-sau-3-phien-giam-lien-tiep-gia-dau-van-duoi-moc-70-usd-thung.htm