Chứng khoán Mỹ 'xanh mướt' nhờ số liệu kinh tế khả quan, giá dầu tụt hơn 2%

'Đây là những bằng chứng rõ rệt về một thị trường bò', một nhà phân tích nhận định về phiên tăng ngày thứ Ba của giá cổ phiếu ở Phố Wall...

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/6), hồi phục sau mấy phiên giảm liên tiếp gần đây, khi số liệu kinh tế khả quan giúp xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế do chiến dịch tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu giảm trên 2% vì nhà đầu tư lo ngại lãi suất sẽ còn tăng, gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 212,03 điểm, tương đương tăng 0,63%, đạt 33.926,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,15%, đạt 4.378,41 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,65%, đạt 13.555,67 điểm.

Số liệu thống kê công bố ngày thứ Ba cho thấy số đơn đặt mua hàng hóa lâu bền sản xuất tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5, doanh số bán nhà mới dành cho hộ gia đình đơn cũng tăng mạnh trong tháng, và niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng lên mức gần cao nhất 1 năm rưỡi trong tháng 6.

Loạt số liệu này mang đến cho nhà đầu tư lý do để quay trở lại mua cổ phiếu sau đợt điều chỉnh diễn ra vào mấy phiên trước - chiến lược gia trưởng Mark Luschini của công ty Janney Montgomery Scott nói với hãng tin Reuters.

“Những gì mà chúng ta có ngày hôm nay là loạt số liệu kinh tế phản ánh nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhưng cũng cho thấy sự tăng trưởng không còn quá nóng”, ông Luschini nói thêm.

Vào thời điểm chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc quý 2, ông Luschini nói một điều đáng chú ý là những nhóm cổ phiếu thuộc hàng tăng mạnh nhất trong phiên ngày thứ Ba, như tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ, cũng là những nhóm tăng mạnh nhất từ đầu năm tới nay.

Chiến lược gia trưởng Rhys Williams của Spouting Rock Asset Management thì cho rằng dù dữ liệu kinh tế vừa công bố là khả quan, phiên tăng điểm này còn có thể là kết quả từ hoạt động “làm màu” của các nhà quản lý quỹ - khi họ bổ sung thêm các tài sản có mức tăng vượt trội vào danh mục đầu tư của họ để có được báo cáo tài chính tốt hơn cho quý sắp kết thúc.

“Thị trường đã giảm điểm mạnh vào tuần trước và vào phiên ngày thứ Hai. Đây chỉ là một sự phục hồi nho nhỏ thôi. Mà cũng có thể các nhà quản lý quỹ đang làm đẹp cho báo cáo tài chính của họ trước khi kết thúc quý”, ông Williams. Nói.

Với phiên tăng này, Dow Jones chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp. Nasdaq tiến tới hoàn tất nửa đầu năm tăng mạnh nhất trong 40 năm. Trước phiên tăng này, S&P 500 đã giảm 5 trong số 6 phiên gần nhất.

Nếu tính từ đầu năm, S&P 500 đã tăng 14% và Nasdaq tăng 29%.

Trao đổi với hãng tin CNBC, Chủ tịch Jeff deGraaf của công ty Renaissance Macro Research nói rằng sự dẫn dắt của những nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ như công nghệ và công nghiệp là một chỉ báo tích cực của thị trường. “Đây là những bằng chứng rõ rệt về một thị trường bò”, ông deGraaf nhấn mạnh.

Ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu tại một hội nghị về chính sách tiền tệ do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đăng cai tại Sintra, Bồ Đào Nha. Tham dự sự kiện này còn có Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey, Thống đốc ECB Christine Lagarde, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda.

Thị trường đang chờ từ bài phát biểu này của ông Powell những tín hiệu về tương lai chính sách của Fed. Gần đây, Fed tuyên bố dự kiến tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay, nhưng ông Powell cũng đã nói rằng việc tăng lãi suất có thể diễn ra với tốc độ vừa phải hơn.

Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 7 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group. Triển vọng lãi suất tăng gây áp lực giảm lên giá dầu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,92 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 72,66 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,67 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 67,7 USD/thùng.

Nhà phân tích Craig Erlam của Oanda lưu ý rằng cả giá dầu Brent và WTI đều đã giao dịch trong vùng biên độ 10 USD/thùng kể từ đầu tháng 5. Giá dầu đang bị chi phối “bởi kỳ vọng lãi suất không ngừng biến đổi”, ông Erlam nói.

Phát biểu ngày thứ Ba, bà Lagarde nói rằng lạm phát cao dai dẳng đòi hỏi ECB tránh việc dừng tăng lãi suất quá sớm.

“Bất chấp mối lo về sự giảm tốc kinh tế ở châu Âu, họ sẽ còn tăng lãi suất và điều này gây áp lực giảm lên giá dầu”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Ngoài ra, giá dầu còn phụ thuộc nhiều vào việc liệu nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc có khởi sắc trong nửa sau của năm nay hay không. Thị trường vẫn đang chờ xem liệu Bắc Kinh có triển khai các biện pháp để vực dậy đà tăng trưởng kinh tế đang suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-xanh-muot-nho-so-lieu-kinh-te-kha-quan-gia-dau-tut-hon-2.htm