Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt giảm vì mối lo lãi suất

Trong bối cảnh giới đầu tư đặt cược Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7, đợt tăng điểm gần đây của chứng khoán Mỹ dường như đang trở nên đuối sức...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/6) và hoàn tất một tuần đi xuống, giá dầu thô cũng có phiên giảm thứ hai liên tiếp. Tuần này, tâm trí giới đầu tư ở Phố Wall bị phủ bóng bởi cuộc điều trần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, trong đó ông Powell phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát nhưng cam kết sẽ hành động một cách thận trọng.

Trong bối cảnh giới đầu tư đặt cược Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7, đợt tăng điểm gần đây của chứng khoán Mỹ dường như đang trở nên đuối sức. Nhà đầu tư trở nên ngần ngại hơn, dù nhiều người quả quyết rằng Fed đang tiến gần tới chấm dứt chu kỳ thắt chặt và có thể chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 219,28 điểm, tương đương giảm 0,65%, còn 33.727,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,77%, còn 4.348,33 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,01%, còn 13.492,52 điểm.

Cả ba chỉ số cùng chấm dứt chuỗi nhiều tuần tăng điểm trước đó. S&P 500 mất 1,4% cả tuần, khép lại chuỗi 5 tuần tăng. Nasdaq giảm 1,4% cả tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 và dừng chuỗi 8 tuần tăng. Dow Jones giảm gần 1,7% cả tuần, kết thúc chuỗi 3 tuần tăng.

“Chắc chắn, nhà đầu tư đang một lần nữa lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ, thậm chí cả kinh tế toàn cầu, rơi vào suy thoái. Lạm phát vẫn còn cao và chính sách của Fed vẫn là vẫn đề chính mà nhà đầu tư quan tâm”, CEO Greg Bassuk của AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC.

Phiên giảm điểm này diễn ra trên diện rộng, với hơn 400 cổ phiếu thành viên của S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ. Công nghệ thông tin là nhóm giảm mạnh nhất, với mức giảm hơn 1%.

Tuần này không có nhiều chất xúc tác gây biến động thị trường ngoài cuộc điều trần mỗi năm hai lần của ông Powell. Một số quan chức Fed khác phát biểu trong tuần này cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn.

Hôm thứ Sáu trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, nói rằng hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự báo "rất hợp lý", đồng thời lặp lại lời kêu gọi của ông Powell về việc thận trọng hơn trong các quyết định chính sách.

Chủ tịch Fed Atlanta, ông Tom Barkin, hôm thứ Năm nói rằng ông không tin rằng lạm phát đang trên đà giảm xuống mục tiêu 2%, nhưng từ chối dự đoán kết quả của cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed.

Thị trường đang đặt cược khả năng 74,4% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 - theo công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME.

“Thị trường đã rơi vào trạng thái mua quá nhiều, nên bắt buộc phải lùi lại một chút. Đợt tăng này đã diễn ra theo đà, với sự tham gia khá rộng rãi của các cổ phiếu trên thị trường. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường tạm nghỉ, và sự tạm nghỉ đó đã diễn ra tương đối trật tự”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với Reuters.

“Bạn có thể tin là lãi suất sẽ tăng vào tháng tới, nhưng thị trường đang nghi ngờ khả năng có một đợt tăng thứ hai nữa sau đó, cụ thể là vào cuộc họp tháng 9”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,29 USD/thùng, tương đương giảm 0,39%, còn 73,85 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,35 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 69,16 USD/thùng.

Hôm thứ Năm, giá dầu giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, một mức tăng lớn hơn dự báo, và các ngân hàng trung ương của Na Uy và Thụy Sỹ cũng nâng lãi suất. Việc Fed và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu duy trì sự thắt chặt để chống lạm phát đang gây áp lực giảm lên thị trường hàng hóa cơ bản, vì đẩy cao khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.

“Tâm lý dè chừng với rủi ro đang gia tăng trên thị trường dầu thô, sau khi lãi suất tăng lên ở châu Âu và trong bối cảnh Trung Quốc không tung ra các biện pháp kích cầu mạnh tay”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial nhận xét với Reuters.

Do tiêu dùng, sản xuất và thị trường bất động sản đều yếu, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang gây thất vọng. Trong khi đó, Bắc Kinh được cho là sẽ không đưa ra một gói kích thích kinh tế khổng lồ và ồ ạt nào mà sẽ chỉ triển khai các biện pháp có trọng điểm.

Mối lo về suy thoái kinh tế và sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu đang lấn át những dấu hiệu về sự thắt chặt của nguồn cung. Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ tuần này cho thấy tồn kho dầu thô bất ngờ giảm 3,8 triệu thùng. Nguồn cung dầu toàn cầu sẽ còn giảm trong thời gian tới, khi Saudi Arabia dự kiến triển khai kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7. OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga, cũng có thỏa thuận hạn chế sản lượng sang năm 2024.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-dong-loat-giam-vi-moi-lo-lai-suat.htm