Chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều sau khi lập kỷ lục

Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 điểm, tuy nhiên chỉ số này chỉ duy trì trong thời gian ngắn rồi quay đầu đi xuống trong ngày 16/5.

Thị trường chứng khoán Mỹ không giữ được đà tăng mạnh ở đầu phiên khi cả 3 chỉ số cùng thiết lập những kỷ lục mới nhờ lạc quan về lãi suất và lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ sụt nhẹ khi đóng cửa phiên ngày 16/5. Ảnh: AP

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ sụt nhẹ khi đóng cửa phiên ngày 16/5. Ảnh: AP

Ở đỉnh của phiên ngày 16/5, chỉ số Dow Jones đạt 40.051,05 điểm, một sự tiếp nối của thị trường đầu cơ giá lên (bull market) bắt đầu từ tháng 10/2022. Vào đầu năm 2024, Dow Jones từng tiến sát cột mốc 40.000 điểm nhưng chưa thể vượt qua do những lo ngại về lãi suất cao.

Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 38,62 điểm (tương đương 0,1%) xuống còn 39.869,38 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,21%, về mức 5.297,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,26% xuống còn 16.698,32 điểm.

Trong phiên, chỉ số S&P 500 cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục mới sau khi lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 5.300 điểm vào ngày 15/5, trong khi chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức cao mọi thời đại.

Nếu tính từ đầu năm, Dow Jones đã tăng gần 6%, trong khi Nasdaq Composite và S&P 500 cùng leo dốc 11%.

Ônng John Lynch - Giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, đánh giá: “Thành tích ấn tượng trên là minh chứng cho sức mạnh của sự đổi mới, tăng trưởng lợi nhuận và đà phục hồi của nền kinh tế”.

Theo ông Lynch, những lực đẩy quan trọng như kêt quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp và kỳ vọng giảm lãi suất có thể giúp thị trường Phố Wall tiếp tục đi lên trong ngắn hạn.

Chất xúc tác chính đưa Dow Jones vượt 40.000 điểm trong phiên này là cú tăng gần 7% của cổ phiếu Walmart. Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 tốt hơn nhiều so với dự báo, và tính đến phiên này, cổ phiếu của hãng đã nhảy vọt 21%.

Động lực cho thị trường Phố Wall trong những phiên gần đây là kỳ vọng nới lỏng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tâm lý lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

Kỳ vọng này đã tăng lên sau khi số liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng ít hơn so với kỳ vọng. Trong ngày 16/5, báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng nhẹ so với tuần trước đó - dấu hiệu chứng tỏ sự suy yếu của thị trường lao động. Điều này cũng giúp củng cố khả năng Fed sớm giảm lãi suất.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin, hôm 16/5 nói rằng ông thấy yên tâm sau khi đón nhận số liệu CPI tháng 4. Tuy nhiên, quan chức Fed lưu ý rằng sẽ mất thời gian dài để lạm phát có thể quay về mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Mỹ.

Cổ phiếu công nghệ đã giữ vai trò nhóm cổ phiếu dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Amazon, Meta và Nvidia đều tăng mạnh, như Amazon leo dốc 20%.

Bên cạnh đó, những cổ phiếu lớn khác cũng bùng nổ từ đầu năm đến nay, bao gồm hãng thẻ American Express cộng khoảng 29% và ngân hàng Goldman Sachs tăng 20%. Các cổ phiếu này đều hưởng lợi từ sự đặt cược của nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và người tiêu dùng nước này sẽ tiếp tục chi tiêu.

Chuyên gia Ross Mayfield của công ty Baird tin rằng xu hướng đi lên của thị trường sẽ còn kéo dài. “Đà tăng điểm đang có tất cả những dấu hiệu của một thị trường đầu cơ giá lên mang tính chu kỳ và chưa có dấu hiệu sớm dừng lại” - ông Mayfield nói với CNBC.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-bat-ngo-dao-chieu-sau-khi-lap-ky-luc.html