Chứng khoán Châu Á đảo chiều vì chờ đợi tin tức lãi suất từ FED

Cổ phiếu châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch trầm lắng hôm 15/6 trước cuộc họp của FED, do chờ đợi thông tin gân hàng trung ương Mỹ sẽ tác động đến thị trường như thế nào.

Nhật Bản công bố dữ liệu cho thấy thặng dư thương mại của họ đã tăng 49,6% trong tháng 5 so với năm trước. Nhưng các nhà phân tích cho rằng con số này thấp hơn dự kiến và nhấn mạnh cách nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và xuất khẩu của nước này có thể chỉ đang phục hồi chậm chạp sau đại dịch.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi dữ liệu từ Trung Quốc về sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ để biết các chỉ báo về sức khỏe của nền kinh tế khu vực.

Chỉ số Nikkei 225 NIK của Nhật Bản, đã giảm gần 0,3% trong giao dịch ban đầu xuống 29.359,31; Hàn Quốc Kospi 180721, tăng 0,4% lên 3.272,11; S&P/ASX 200 ASX10000 của Úc, tăng 0,3% lên 7.403,40.

HSI Hang Seng của Hồng Kông, giảm 0,1% xuống 28.603,84, trong khi Shanghai Composite SHCOMP, ít thay đổi, tăng 0,1% lên 3.557,48.

Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại ING, cho biết: “Các thị trường châu Á đang trầm lắng vì FED... Dữ liệu từ Trung Quốc có thể khuấy động mọi thứ trong ngày hôm nay, nhưng trọng tâm chính sẽ là thông điệp của FED và bất kỳ gợi ý nào mà họ có thể đưa ra".

Các thị trường đều đang "ngóng" thông tin từ FED. Ảnh: ForTraders.

Các thị trường đều đang "ngóng" thông tin từ FED. Ảnh: ForTraders.

Tại Phố Wall, S&P 500 SPX, giảm 0,2% xuống 4.246,59 khi FED bắt đầu cuộc họp 2 ngày về lãi suất và các chính sách khác. Một ngày trước đó, chỉ số này đạt mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh lạc quan về nền kinh tế.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones DJIA, mất 0,3% xuống 34.299,33. Nasdaq Composite COMP, giảm 0,7% xuống 14.072,86.

S&P 500 đã giảm 0,4% trước đó trong ngày, sau khi một báo cáo cho thấy lạm phát ở chỉ số giá bán buôn đã tăng vọt vào tháng trước, thậm chí còn nhiều hơn dự kiến của các nhà kinh tế. Giá cho các nhà sản xuất đã cao hơn 6,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó, cao nhất kể từ năm 2010 và bằng chứng mới nhất cho thấy lạm phát đang bùng phát cao hơn trên toàn nền kinh tế.

Mối lo ngại là nếu lạm phát cao hơn kéo dài, FED có thể thu hồi 120 tỷ USD tiền mua trái phiếu hàng tháng mà họ đã cam kết để giữ cho các khoản thế chấp ở mức rẻ và lãi suất dài hạn ở mức thấp, và có thể tăng lãi suất ngắn hạn lên từ mức lãi suất đang thấp kỷ lục.

FED cho đến nay vẫn nói rằng họ coi lạm phát cao hơn chỉ là tạm thời. Họ sẽ công bố quyết định mới nhất của mình về chính sách lãi suất vào ngày 17/6.

Greg Bassuk, nhà sáng lập và CEO của AXS Investments cho biết: “Từ quan điểm giá cả, chúng tôi đang thấy áp lực lạm phát. Chúng tôi tin rằng FED vẫn chưa biết thời điểm và mức độ khi nào chúng ta đạt được sự cân bằng hoặc liệu mức bình thường mới của giá cao hơn có được củng cố hay không”.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng FED sẽ lặp lại rằng họ coi lạm phát cao hơn chỉ là tạm thời, điều này sẽ cho phép FED giữ vững mức hỗ trợ của mình đối với thị trường. Nhưng họ cũng nói rằng ngày 17/6 có thể có dấu hiệu đầu tiên cho thấy FED đang cân nhắc khi nào nên bắt đầu giảm tốc độ mua trái phiếu.

Nhiều nhà đầu tư đồng ý với quan điểm của FED rằng lạm phát cao hơn sẽ không kéo dài quá lâu và đó là kết quả dự kiến của việc nền kinh tế đang thoát khỏi tình trạng bế tắc của đại dịch. Theo một cuộc khảo sát của BofA Global Research, 72% cho rằng lạm phát chỉ là “nhất thời”. Đa số cho rằng bất kỳ đợt giảm giá cổ phiếu nào sắp tới có thể sẽ thấp hơn 10%.

Có những dấu hiệu hạn chế cho thấy lạm phát có thể đang hạ nhiệt ở một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ. Giá gỗ và đồng đã giảm từ mức cao của vài tuần trước. Đồng giảm thêm 4,3% vào ngày 14/6 và cổ phiếu FCX của công ty khai thác Freeport-McMoRan giảm 4,8%.

Các báo cáo khác về nền kinh tế hôm thứ 14/6 đã vẽ nên một bức tranh hỗn hợp. Doanh số bán lẻ giảm 1,3% trong tháng 5 so với tháng 4, đảo ngược lại sau khi tăng 0,9% trong tháng trước. Đây là mức giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến của các nhà kinh tế.

Một phần trong số đó có thể là tác động của các khoản thanh toán mà chính phủ Mỹ đã gửi cho các hộ gia đình vào đầu năm nay. Điều này đã thúc đẩy chi tiêu trong tháng 3 và tháng 4. Nhưng các nhà kinh tế cho biết đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy người Mỹ đang mua ít hơn và chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch, ăn uống và các dịch vụ khác khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trong giao dịch năng lượng, dầu thô chuẩn của Mỹ tăng 62 cent lên 72,74 USD/thùng trong giao dịch điện tử trên sàn New York Mercantile Exchange. Giá dầu đã tăng 1,24 USD vào thứ 14/6 lên 72,12 USD/thùng. Dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế, tăng thêm 64 cent lên 74,63 USD/thùng.

Trong giao dịch tiền tệ, đồng USD đã tăng lên 110,09 yên Nhật từ 110,07 yên. Đồng euro có giá 1,2122 USD, giảm từ 1,2127 USD.

Tiệp Nguyễn

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chung-khoan-chau-a-giam-vi-cho-doi-tin-tuc-lai-suat-tu-fed-34283.html