Chứng khoán 29/1: Cổ phiếu phân bón, hóa chất bứt phá

Cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm phân bón, hóa chất như Đạm Phú Mỹ, Hóa chất Đức Giang, Đạm Cà Mau, Bột giặt Lix đều tăng với biên độ lớn trong ngày thị trường diễn biến ảm đạm.

 Cổ phiếu hóa chất tăng mạnh phiên 29/1. Ảnh: Đạm Cà Mau.

Cổ phiếu hóa chất tăng mạnh phiên 29/1. Ảnh: Đạm Cà Mau.

Thị trường chứng khoán khởi đầu ngày giao dịch đầu tiên của tuần mới với nhịp tăng điểm ổn định. Tuy nhiên, việc VN-Index đánh mất trụ đỡ vào phiên chiều đã khiến phe bán chiếm ưu thế và kéo chỉ số xuống dưới tham chiếu.

Dù nhanh chóng bật lên ngay sau đó, mọi thành quả trong ca sáng đều đã bị xóa sạch. Kết phiên, VN-Index chỉ tăng 0,02 điểm lên mốc 1.175,69 điểm; HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,17%) xuống 229,05 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%) xuống 87,6 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường cải thiện nhẹ so với các phiên trước khi nâng lên gần 16.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 3.000 tỷ đồng là giá trị giao dịch thỏa thuận.

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 phân hóa khi ghi nhận 11 mã tăng, 5 mã giữ tham chiếu và 14 mã giảm. Với biên độ tăng gần 5%, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tạo thế đối trọng với cổ phiếu VCB của Vietcombank ở chiều bên kia. Đây đều là 2 mã tác động lớn nhất đến chỉ số trong phiên hôm nay.

 VN-Index bị giằng co vào cuối phiên chiều. Ảnh: DNSE.

VN-Index bị giằng co vào cuối phiên chiều. Ảnh: DNSE.

Ngoài GVR, nhóm cổ phiếu bảo vệ chỉ số còn có GAS, CTG, MBB, SAB, DCM và PNJ. Trái lại, VCB đang dẫn đầu các cổ phiếu gồm HPG, BID, ACB, VRE, VHM tạo áp lực đè nén VN-Index.

Tình trạng phân hóa diễn ra trên khắp nhóm ngành, kể cả các nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán như ngân hàng hay bất động sản.

Trong khi đó, nhóm sản xuất nhựa và hóa chất lại được giao dịch tương đối thuận lợi và có diễn biến đồng thuận, điển hình như DGC tăng 1,1%, DCM tăng 4%, DPM tăng 2,6% hay PHR tăng 2,4%. Một số mã như LIX hay SDG thậm chí tăng kịch biên độ.

Khối ngoại bất ngờ đảo chiều và chuyển sang bán ròng với quy mô 165 tỷ đồng. Trong đó, mã PC1 bị bán tới 142 tỷ đồng, giá trị áp đảo hoàn toàn so với những mã đứng sau như VNM (-60 tỷ đồng), MSN (-34 tỷ đồng) hay VRE (-31 tỷ đồng).

Chiều mua, dòng tiền ngoại vẫn chảy vào các cổ phiếu ngân hàng như STB (+58 tỷ đồng), CTG (+31 tỷ đồng), EIB (+29 tỷ đồng), VPB (+22 tỷ đồng). Bên cạnh đó còn có nhóm vật liệu xây dựng, bất động sản gồm HSG (+40 tỷ đồng), KBC (+34 tỷ đồng) và VCG (+23 tỷ đồng).

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chung-khoan-291-co-phieu-phan-bon-hoa-chat-but-pha-post1457665.html