Chùm ảnh: Dân làng háo hức xin lửa cầu may trong đêm Giao thừa

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhiều nơi ở Hà Nam người dân cùng kéo nhau ra đền, đình làng để xin lửa về nhà, mong một năm mới bình an.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đúng 0h ngày 10/2/2024 (tức mùng 1 Tết Âm lịch năm Giáp Thìn 2024), thôn Phương Thượng 1 và 2 (xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) lại diễn ra phong tục xin lửa đầu năm, được tổ chức tại đình làng.

Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ mang tất cả hương nhang được người dân và khách thập phương cúng tế ra giữa sân đình, một phần để phát cho người làng làm vật xin lửa mang về bàn thờ gia đình, phần hương nhang còn lại sẽ được hóa trong lư hương để mọi người cùng "lấy đỏ".

Phong tục xin lửa cầu may đầu năm được tổ chức tại đình làng của hai thôn Phương Thượng 1 và 2

Với ý nghĩa cầu may, do vậy, trong đêm Giao thừa, nhà nhà, người người đổ ra đình làng xin lửa. Người lớn mong làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc; người già cầu sức khỏe; trẻ em xin lửa để mong một năm mới học giỏi hơn, thông minh hơn.

Ông Nguyễn Quang Dưỡng (85 tuổi) trú tại thôn Phương Thượng 1 cho biết: “Xin lửa đầu năm là phong tục truyền thống của thôn trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đây là thời khắc mà ai ai cũng mong chờ không chỉ trẻ con, lớp thanh niên mà còn cả các bô lão trong làng. Mọi người xin lửa với hi vọng cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc”.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Dưỡng, đây là một phong tục truyền thống có từ rất lâu đời và không biết có từ bao giờ. Với nhiều ý nghĩa tâm linh, tục xin lửa cầu may đã được các thế hệ trong thôn duy trì và phát triển.

Người dân lấy hương nhang do đình làng cung cấp để xin lửa, mang về thắp hương trên ban thờ của gia đình

Với ý nghĩa đó, nên ngay từ 22h đêm 30 Tết Giáp Thìn 2024, sân đình của hai thôn Phương Thượng 1 và 2 đã đông đúc, náo nhiệt. Trẻ con chạy nhảy nô đùa, người lớn thì tụ lại trò chuyện rôm rả. Trong khi đó các cụ ông hành lễ trong sân đình, cầu mong Thành Hoàng làng phù hộ cho dân làng một năm no ấm, an lành.

Dù có rất đông người đến xin lửa cầu may nhưng không có cảnh chen lấn hay xô đẩy để lấy lửa. Thậm chí, người dân trong làng còn chia lửa cho nhau. Người ở trong chia cho người ở ngoài, người ở gần lấy cho người ở xa… những hành động nhỏ nhưng đã thể hiện được sự sẻ chia, sự thân thiện gần gũi trong tình làng nghĩa xóm.

Thời khắc giao thừa chuẩn bị điểm, mọi người đã vây kín xung quanh lư hương, sẵn sàng và háo hức tâm thế lấy lửa cầu may

Thời gian xin lửa tại sân đình chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút rồi sẽ tàn. Sau khi lấy được lửa, mọi người chạy thật nhanh để mang lửa về nhà thắp lên ban thờ gia tiên. Ai về nhà nấy, cả gia đình lại cùng nhau quây quần, đón năm mới bên mâm cơm đã được chuẩn bị sẵn.

Một số hình ảnh ấn tượng của phong tục xin lửa cầu may của người dân hai thôn Phương Thượng 1 và Phương Thượng 2:

Trước thời khắc giao thừa, các cụ cao niên của thôn sẽ châm lửa trong lư hương để phục vụ người dân trong và ngoài thôn

Khi Giao thừa đã điểm, mọi người bắt châm lửa lấy may. Ai cũng mong muốn mình là người xin lửa sớm nhất

Với phong tục xin lửa cầu may, người lớn mong một năm mới làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc; người già cầu sức khỏe; trẻ em xin lửa để mong một năm mới học giỏi hơn, thông minh hơn

Người dân trong làng chia lửa cho nhau. Người ở trong chia cho người ở ngoài, người ở gần lấy cho người ở xa…

Sau khi xin được lửa mọi người nhanh chân về nhà hoặc tìm mọi cách giữ lửa trước khi về đến nhà

Dù không biết phong tục xin lửa đêm Giao thừa có từ bao giờ, song đến nay, chính quyền hai thôn Phương Thượng 1 và 2 đã, đang và sẽ duy trì phong tục này để mong dân làng có một năm no ấm, an lành

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người đi xin lửa cầu may vẫn có thể ngắm những bông pháo hoa chào mừng năm mới Giáp Thìn 2024.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chum-anh-dan-lang-hao-huc-xin-lua-cau-may-trong-dem-giao-thua-302836.html