Chuẩn bị phương án ứng phó sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Chiều 13/8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch sau một thời gian 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam và một số địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Một khu vực phong tỏa tại phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, để đưa vào kịch bản ứng phó dịch thời gian tới.

Các ý kiến thống nhất khi thực hiện giãn cách xã hội nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Cùng với công tác chống dịch ở các điểm nóng, cần bảo vệ vững chắc vùng xanh, đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ). Trong bối cảnh dịch xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước, cần thực hiện nghiêm túc phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác. Các lực lượng giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp người đến, về từ địa phương khác không khai báo hoặc chính quyền cấp cơ sở không nắm được.

Các địa phương phải thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, đội y tế cộng đồng đến từng khu dân cư để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho mọi người dân có triệu chứng mắc Covid-19 cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Trong công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm...

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế tập trung tổ chức, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; tiến hành đánh giá và dự báo nguy cơ theo bốn mức (rất cao, cao, nguy cơ, bình thường mới) cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh để có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vắc-xin… phù hợp với điều kiện thực tế. Các lực lượng tập trung bao vây, thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu tử vong để sớm trở về trạng thái “bình thường mới”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sau ngày 15/8, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm một thời gian nữa.

Dù đạt những kết quả lớn trong thời gian qua, nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca dương tính, ca tử vong còn ở mức cao. Thời gian tới, thành phố tập trung ngăn chặn nguồn lây, giảm ca nhiễm, nâng cao năng lực điều trị, thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh trên địa bàn.

Từ nay đến hết tháng 8, sẽ sàng lọc, đánh giá lại các địa bàn, các điểm phong tỏa để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng địa bàn. Các quận, huyện, ban, ngành, đơn vị truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm trang bị, củng cố tinh thần “trường kỳ kháng chiến” cho mỗi người dân trong phòng, chống dịch ở nhiều cấp độ khác nhau. Thành phố sẽ tập trung vào công tác điều trị F0 tại nhà và tập trung vào điều trị tại bệnh viện ở các tầng điều trị. Ngoài ra, sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, lưu thông hàng hóa cũng như xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bộ Y tế tiếp tục có văn bản đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước không phun hóa chất khử khuẩn trong và ngoài phòng bệnh, lối đi, khu vực ngoại cảnh; chỉ phun khử khuẩn bề mặt không thể lau và khi không có người trong khu vực đó. Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tuyệt đối không phun khử khuẩn trực tiếp lên nhân viên y tế; người bệnh, người nhà người bệnh khi đến cơ sở khám, chữa bệnh và khi kết thúc cách ly về địa phương; quần áo, đồ dùng cá nhân, phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế...

Sáng 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lô hàng viện trợ từ Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ, gồm: 30 máy thở; 500 nghìn test xét nghiệm kháng nguyên; 300 nghìn khẩu trang phẫu thuật, trị giá khoảng 4,9 triệu Franc Thụy Sĩ. Lô hàng sẽ được chuyển đến kho dã chiến của Bộ Y tế được thiết lập tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó phân bổ đến các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã phong tỏa 14 ngày khu vực dân cư thuộc khóm 4 và 5 của phường 6 (TP Cà Mau) để phục vụ công tác truy vết, phòng, chống dịch bệnh, sau khi phát hiện cụ T.T.Th. (SN 1942, ngụ khóm 4) từng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ca bệnh này chưa xác định rõ nguồn lây, CDC Cà Mau đã truy vết được 14 F1, 30 F2. Đến chiều cùng ngày, gần nhà cụ Th. ghi nhận thêm một trường hợp bé 4 tuổi dương tính SARS-CoV-2.

Chiều 13/8, Sở Y tế Cà Mau cho biết đã hoàn thành tiêm chủng theo số lượng vắc-xin phòng Covid-19 mà Bộ Y tế đã phân bổ cho công dân từ 18 tuổi trở lên tại địa phương, đạt 17% dân số toàn tỉnh.

Trong ngày, tiếp tục diễn ra các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19: Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp nhận từ Tập đoàn CEO 10 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam ủng hộ nhân dân Việt Nam 50.000 USD; Tổng cục Thuế ủng hộ 882 triệu đồng.

Sở Y tế Hà Nội đã tiếp nhận xe ô-tô chuyên dụng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lưu động do Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải tài trợ. Thực hiện Nghị quyết 68/2021/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định trích ngân sách tỉnh 4,1 tỷ đồng bổ sung cho các đơn vị để thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 từ Tập đoàn VITTO Hoàn Mỹ với số tiền 500 triệu đồng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 13/8, cả nước ghi nhận 9.180 ca mắc Covid-19, gồm 30 ca nhập cảnh và 9.150 ca ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.999 ca ở cộng đồng. Trong ngày, có 3.593 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 275 người chết tại các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Khánh Hòa, Cần Thơ. Tổng số ca chết do Covid-19 tính đến ngày 13/8 là 5.088 người, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ người chết/một triệu dân thì Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân một triệu dân có 52 người chết do Covid-19).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/chuan-bi-phuong-an-ung-pho-sau-thoi-gian-thuc-hien-gian-cach-xa-hoi-659756/