Chuẩn bị cho hậu toàn cầu hóa

Kể từ lúc bùng phát cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung rồi đến đại dịch Covid-19 người ta đã nghe không biết bao nhiêu lần những nhận định cho rằng xu hướng toàn cầu hóa trong thương mại, đầu tư đã kết thúc. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, tắc nghẽn ở khâu vận tải quốc tế và nhiều yếu tố khác buộc các nước thay đổi chiến lược, nhắm đến khả năng đưa sản xuất trở lại nước họ hay chí ít cũng hình thành các mối quan hệ đối tác mới với các chuỗi cung ứng mới. Chủ nghĩa đa phương nhường chỗ cho các quan hệ song phương hay khu vực.

Chưa biết có bao nhiêu phần trăm những nhận định và phân tích này đã biến thành hiện thực nhưng có một thực tế không thể chối cãi: nhu cầu hàng hóa và dịch vụ ở các nước châu Âu và Mỹ đang sút giảm, ảnh hưởng nặng nề lên tình hình sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong nước, vốn phụ thuộc vào việc làm hàng hóa xuất khẩu.

Sự sụt giảm nhu cầu này có thể do suy thoái hay khó khăn kinh tế nhưng cũng có thể đây là dấu hiệu thời đại toàn cầu hóa đã bước sang một giai đoạn mới.

Dù không thể đưa hết việc sản xuất trở về lại nước mình, các nước phát triển đang toan tính để chủ động hơn trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho dân mình như đẩy mạnh tự động hóa, sử dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Một khi họ giải quyết được vấn đề chi phí nhân công, cục diện sản xuất, kinh doanh toàn cầu sẽ khác trước.

Chúng ta đã chuẩn bị gì cho một giai đoạn mới, khác trước như thế? Giả thử các hãng thành công trong việc sử dụng robot trong may mặc, lúc đó chúng ta làm gì với hàng triệu công nhân ngành may mặc sẽ mất việc làm?

Khu vực FDI, hiện chiếm đến 72% tổng giá trị xuất nhập khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp, sẽ là nơi chịu ảnh hưởng sớm nhất và nhiều nhất từ các thay đổi trong cục diện toàn cầu hóa. Liệu chúng ta đã làm gì để hạn chế những ảnh hưởng này? Người ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường”, một mình chúng ta liệu có thể xoay xở được chăng?

Thiết nghĩ việc đầu tiên là rà soát lại năng lực sản xuất cho các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, công bố rõ nhu cầu đã thống kê, khuyến khích sản xuất hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu.

Hiện nay hàng nhập khẩu giá rẻ đang tràn ngập thị trường bóp chết sản xuất trong nước; một số nơi lấy danh nghĩa hàng sản xuất trong nước nhưng thực chất cũng thuê gia công ở nước ngoài.

Quan trọng hơn, cần rà soát chiến lược thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, không ưu tiên cho các ngành thâm dụng lao động nhưng dễ di dời sang nơi khác một khi nhà đầu tư tìm ra nơi có lao động rẻ hơn, dồi dào hơn. Cần ưu tiên cho các dự án FDI nằm trong một chuỗi cung ứng nào đó để bảo đảm Việt Nam là một khâu không thể thiếu trong các chuỗi này.

Muốn thế chúng ta phải xác định điểm mạnh của thị trường nước ta để phát huy và hạn chế các đặc điểm ngắn hạn nhà đầu tư có thể tìm kiếm như yêu cầu về môi trường khá dễ dãi, nguồn điện giá rẻ, nguồn nguyên liệu dồi dào.

Toàn cầu hóa cho dù không còn là xu hướng nóng nhưng thương mại quốc tế vẫn luôn tồn tại, nhất là trong các mối quan hệ song phương và khu vực.

Do đó chúng ta không quá lo lắng về các nhận định kết thúc thương mại tự do, ngôi làng toàn cầu giờ chia năm xẻ bảy nhưng cũng không chủ quan, cứ tưởng mọi chuyện rồi sẽ như cũ. Một tâm thế chuẩn bị cho mọi khả năng thay đổi lúc nào cũng tốt hơn sự chủ quan và án binh bất động.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuan-bi-cho-hau-toan-cau-hoa/