Chưa thấy 'phép lạ', Đức khởi động kế hoạch chống khủng hoảng

Trái với những thông điệp mà Chính phủ Đức từng đưa ra vào đầu năm nay với tên gọi mỹ miều là 'phép lạ kinh tế mới', nền kinh tế cường quốc 'đầu tàu' châu Âu thực tế diễn biến xấu, buộc đất nước phải khởi động kế hoạch chống khủng hoảng.

Cảng Hamburg được mệnh danh là “cửa ngõ ra thế giới” của Đức. Ảnh: Hamburg News

Truyền thông châu Âu những ngày gần đây dẫn nhiều bình luận từ các chuyên gia phân tích kinh tế xoay quanh kế hoạch chống khủng hoảng kinh tế được công bố tại một cuộc họp của Chính phủ Đức mới đây. Theo truyền thông quốc tế, cuộc họp này cũng có mục đích xoa dịu tình hình căng thẳng trong liên minh cầm quyền vốn đã bị lung lay bởi những tranh cãi về giá điện cho ngành công nghiệp, thuế và chính sách xã hội.

Xét riêng về kế hoạch mới nhất của Chính phủ Đức, 3 nội dung tổng quan quan trọng nhất gồm các gói biện pháp: Giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính, giảm nạn quan liêu; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Dù 3 nội dung được xem là căn bản, thiết thực, có tác động lớn tích cực với đời sống xã hội nhưng thực tế, dư luận nước này vẫn bày tỏ sự lo lắng. Điển hình như kết quả cuộc khảo sát Infratest gần đây cho thấy, có tới 28% người được hỏi bày tỏ sự lo lắng đối với tình trạng nền kinh tế Đức.

Trong giới chuyên gia, Tiến sĩ Sebastian Płociennik, Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (OSW) Ba Lan nhận định, việc Chính phủ Đức tiến hành kế hoạch chống khủng hoảng có thể sẽ giúp cải thiện tình hình kinh tế ngày càng xấu đi của nước này, nhờ việc giảm thuế cho các doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục quan liêu và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Tuy nhiên, các gói biện pháp chống khủng hoảng được Chính phủ Đức công bố là quá ít và quá muộn để có thể kích thích sự tăng trưởng đáng kể và tránh sự suy thoái kinh tế ngay trong năm 2023. Hành động của Chính phủ Đức dường như tạo ra một giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình chuẩn bị cho một chiến lược cải cách kinh tế rộng lớn hơn.

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê từ chính quyền Đức cho biết, nền kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ với GDP hàng quý giảm tới 0,4% và mức lạm phát khá cao vượt quá 6%. Các dự báo phân tích tình hình kinh tế sơ bộ trong quý III/2023 cũng không cho thấy bất kỳ sự thay đổi nào theo chiều hướng tốt hơn. Đây cũng chính là lý do ngày càng có thêm nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế dự đoán về một cuộc suy thoái nhẹ ở Đức vào cuối năm 2023. Điển hình như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính vào tháng 7, GDP thực tế ở Đức có thể giảm 0,3% trong năm nay, trong khi vào tháng 4, IMF dự đoán GDP Đức chỉ giảm ở mức 0,1% trong năm 2023.

Các nhà phân tích kinh tế Đức chỉ ra điều đáng lo ngại hơn tình trạng trì trệ kéo dài là những vấn đề liên quan tới cơ cấu. Theo đó, Đức hầu như không thể đối phó với chi phí năng lượng cao, số hóa, các thủ tục quan liêu quá mức và thiếu hụt lao động. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và cuộc đua công nghệ gia tăng nhanh chóng, nền kinh tế Đức đang tiến gần đến kịch bản tăng trưởng chậm kéo dài, kéo theo đó là sự di dời của các doanh nghiệp công nghiệp lớn.

Ở góc độ tích cực, nhiều nhà phân tích cho rằng, các chính sách trong kế hoạch chống khủng hoảng của Chính phủ Đức được xem là đi đúng hướng nhưng cũng khó có thể tạo ra bước đột phá. Bởi, quy mô tài chính quá khiêm tốn và thời gian thực hiện quá dài để có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đạo tăng trưởng GDP. Các tổ chức kinh doanh ở Đức cũng cho thấy những hoài nghi về quyết tâm của chính phủ trong việc hoàn thành tất cả kế hoạch.

Nhiều ý kiến cho rằng, những nội dung cụ thể trong kế hoạch này có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bởi những biến động trong sự hợp tác của liên minh chính trị, sự thay đổi trong quá trình lập pháp... Thậm chí, một số chuyên gia chính trị nhận định, sẽ có thể xảy ra thêm những tranh cãi, xung đột tiềm năng giữa các phe nhóm chính trị, nhất là trong các vấn đề về giá điện, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chua-thay-phep-la-duc-khoi-dong-ke-hoach-chong-khung-hoang-post466375.html