'Chúa Sãi' là biệt danh của nhân vật lịch sử nổi tiếng nào của Việt Nam?

Trong thời điểm nước Việt bị chia cắt vì Trịnh – Nguyễn phân tranh, có một vị minh quân được người dân yêu quý, thường gọi với tên 'Chúa Sãi'.

1. Ông là ai?

Nguyễn Hoàng
Nguyễn Phúc Nguyên
Nguyễn Phúc Lan
Nguyễn Phúc Khoát

Chính xác

Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635) hay “Chúa Sãi”, “Chúa Bụt” là vị chúa Nguyễn thứ hai của Đàng Trong. Ông là con thứ 6 của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người đã cùng gia quyến và binh lính tiên phong xin vua Lê cho đi khai khẩn đất Đàng Trong (từ sông Gianh, Quảng Bình đổ vào Nam) để tránh bị họ Trịnh hãm hại. Cũng từ đó, lãnh thổ Việt Nam dần mở rộng thêm về phương Nam.

2. Vì sao người dân gọi ông là “Chúa Sãi”?

Vì ông xuất gia làm sư
Vì ông mộ đạo Phật
Vì ông từng tu sửa nhiều chùa chiền
Cả A và C
Cả B và C

Chính xác

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tính tình hiền lành, yêu thương dân chúng. Ông còn thích tìm hiểu đạo Phật, thường cho tu sửa lại nhiều chùa chiền. Dưới quyền cai trị của ông, kinh tế và quân sự của Đàng Trong phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhân dân yêu quý gọi ông là “Chúa Sãi”.

3. Ông đã cho xây công trình quân sự nổi tiếng nào ở Việt Nam để đối đầu với họ Trịnh?

Lũy Thầy
Kênh Vĩnh Tế
Lũy Bình Man
Thành Gia Định

Chính xác

Bấy giờ quyền lực của vua Lê suy yếu, họ Trịnh âm thầm sử dụng sức ảnh hưởng của mình để chi phối đất nước. Thuở mới vào Nam, chúa Tiên Nguyễn Hoàng ngoài mặt tuy chưa chống đối họ Trịnh nhưng trong dạ đã ra sức phòng bị. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên kế nghiệp, ông lệnh cho Đào Duy Từ xây đại công trình phòng thủ Lũy Thầy ở Đồng Hới, Quảng Bình. Chiến lũy này kiên cố tới mức dân gian từng lưu truyền câu thơ:

“Khôn ngoan vượt được Thanh Hà

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”.

Lũy Thầy đã giúp chúa Nguyễn ngăn cản bước tiến của quân Trịnh trong hơn 100 năm. Hiện di tích vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

4. Ông đã dùng phương pháp đối ngoại gì với Chân Lạp và Chiêm Thành để gia tăng sức mạnh cho vùng đất của mình?

Chiến tranh và vũ lực
Dùng hôn nhân chính trị
Cống nạp người và của
Cắt đất cho Chân Lạp và Chiêm Thành

Chính xác

Ngoài thế lực của họ Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn phải đối phó với Chân Lạp và Chiêm Thành. Để giữ quan hệ giao hảo, ông đã gả hai con gái là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa cho vua hai nước này. Nhờ vậy, chúa Nguyễn có thể tập trung binh lực trong cuộc chiến với họ Trịnh, đồng thời người Việt cũng có thêm cơ hội mở rộng lãnh thổ về phương Nam.

5. Hiện lăng mộ của ông được đặt ở đâu?

Huế
Quảng Bình
Thanh Hóa
Đồng Nai

Chính xác

Theo Đại Nam thực lục, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời năm 1635, hưởng thọ 73 tuổi. Hiện lăng mộ của ông tọa tại xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Suốt thời gian tại vị của mình, ông đã giúp củng cố quyền lực của họ Nguyễn và dựng nên xứ Đàng Trong giàu mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị.

Tuy nhiên, dòng dõi của ông duy trì đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát thì quyền thần Trương Phúc Loan nổi lên lũng đoạn triều chính. Tình hình Đàng Trong từ đó lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc. Đây cũng là cơ hội cho vị anh hùng Quang Trung (Nguyễn Huệ) dựng cờ khởi nghĩa, phá tan thế cục Đàng Trong – Đàng Ngoài và thống nhất đất nước.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chua-sai-la-biet-danh-cua-nhan-vat-lich-su-noi-tieng-nao-cua-viet-nam-2111598.html