Chùa Linh Mụ - Ðiểm đến tâm linh xứ Huế

Nếu Huế có dòng Hương Giang nằm vắt ngang thành phố thơ mộng, có núi Ngự Bình uy nghi như tấm bình phong che chắn cho vùng đất hiền lành, thì một điểm đến tâm linh không thể không nhắc đến là chùa Linh Mụ (trên đồi Hà Khê, bên cạnh dòng Sông Hương), như một nét chấm phá độc đáo cho xứ sở mộng mơ này.

Cổng Tam quan dẫn vào chùa Linh Mụ.

Cổng Tam quan dẫn vào chùa Linh Mụ.

Chuyện xưa kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ Sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc. Thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi và nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Chúa Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra Sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”. Cũng vì kiêng cữ nên từ năm Nhâm Tuất (1862) tới năm Kỷ Tỵ (1869) dưới thời vua Tự Ðức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên” phạm đến trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (hay “Bà mụ linh thiêng”). Hai tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay. Ðây cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất cố đô.

Một biểu tượng gắn với hình ảnh chùa Linh Mụ chính là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.

Ngoài tháp Phước Duyên, chùa Linh Mụ còn có những công trình kiến trúc như điện Ðại Hùng, điện Ðịa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng. Thêm nữa, chùa còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá về mặt lịch sử và nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Linh Mụ.

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương”

Ðến Huế, hãy một lần ghé chùa Linh Mụ, để trầm mình trong phong cảnh tao nhã của chốn thiền môn, để thân và tâm nhẹ nhàng sau những tháng ngày bôn ba vì cuộc mưu sinh...

Tháp Phước Duyên, biểu trưng của chùa Linh Mụ, cao 7 tầng, tọa lạc trong khuôn viên chùa trên ngọn đồi nhỏ có tên Hà Khê.

Tháp Phước Duyên, biểu trưng của chùa Linh Mụ, cao 7 tầng, tọa lạc trong khuôn viên chùa trên ngọn đồi nhỏ có tên Hà Khê.

Hình ảnh các vị tu sĩ của chùa Linh Mụ trong những buổi Phật sự hàng ngày.

Hình ảnh các vị tu sĩ của chùa Linh Mụ trong những buổi Phật sự hàng ngày.

Ðào Minh Tuấn/Báo Cà Mau Online

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/chua-linh-mu-iem-den-tam-linh-xu-hue-692048.html