Chưa khai thác hết tiềm năng nhiều khu nuôi biển

Ngày 1/4, tại Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển nhìn từ Quảng Ninh. Hội nghị có chủ đề 'Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau' với sự tham gia của khoảng 450 đại biểu trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trước đó, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chuyến khảo sát thực tế tại huyện Cô Tô, làm việc với các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại huyện Vân Đồn và tiến hành thả 5 triệu con giống tôm sú, cá vược, cá chẽm xuống vịnh Bắc Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của nghề nuôi biển. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nghề nuôi biển có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên, gia tăng giá trị đại dương, đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành nuôi biển sẽ tạo ra không gian kinh tế mới, nguồn sinh kế mới và đa dạng sinh học. Ngành công nghiệp nuôi biển ngày càng giữ vai trò chủ đạo, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua để phát triển nuôi biển. Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên, thúc đẩy nuôi biển bền vững, xây dựng thương hiệu thủy sản Quảng Ninh với các giá trị mới. Tỉnh Quảng Ninh cần tháo gỡ một số vấn đề về phủ lõm sóng di động tại các khu vực nuôi trồng, đầu tư xây dựng cảng cá, quy hoạch vùng nuôi trai lấy ngọc riêng, phát triển đồng bộ giữa du lịch và nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng rong sụn…

Các đại biểu tham gia tọa đàm phát triển nghề nuôi biển. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ, với đường bờ biển dài 250 km, trên 40.000 ha bãi triều, gần 19.000 ha rừng ngập mặn, 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100 km2, 3 khu bảo tồn biển, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Quảng Ninh luôn lấy nhà nông chuyên nghiệp làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, hướng tới đa giá trị, tận dụng tối đa thị trường khách du lịch tại Quảng Ninh mỗi năm gần 20 triệu lượt để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ.

Tỉnh cũng kết hợp nuôi trồng hải sản hướng ra biển với khai thác thủy, hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo theo hướng dịch chuyển và giảm diện tích, mật độ nuôi ở vùng biển từ 3 hải lý trở vào; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường trong giới hạn từ 3 đến 6 hải lý và ngoài 6 hải lý.

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, Na Uy có tiềm năng, lợi thế lớn trong việc phát triển nghề nuôi biển và ngành công nghiệp nuôi biển. Sản lượng xuất khẩu hải sản của Na Uy mỗi năm là 1,3 triệu tấn, trong đó chủ yếu là cá hồi. Để ngành nuôi biển hiệu quả, bền vững thì các nước cần tạo khu vực phù hợp để nuôi dưỡng cá, ưu tiên quy hoạch không gian phù hợp , đảm bảo môi trường. Việt Nam có nhiều khu nuôi biển tốt nhưng chưa khai thác hết. Do đó, Việt Nam cần áp dụng công nghệ mới, phát triển các địa điểm nuôi trồng thủy sản ngoài khơi, xử lý tốt nguồn thải, rác thải; có biện pháp thích ứng với sự thay đổi.

Bà Hilde Solbakken nhấn mạnh thêm, việc phát triển nuôi thủy sản ngoài khơi rất quan trọng. Na Uy có di sản về nghề cá và có sự đổi mới, chìa khóa là áp dụng công nghệ để tăng sản lượng, mật độ cá nuôi. Cần có sự phối hợp giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu, trường đại học; có cơ chế bảo hiểm, chia sẻ thông tin.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả nghề nuôi biển.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững.

“Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh trong thời gian tới.

Đức Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chua-khai-thac-het-tiem-nang-nhieu-khu-nuoi-bien-20240401122705566.htm