'Chưa bao giờ ghi nhận trận bão nào khủng khiếp như bão số 4'

Với cường độ bão dự báo khi vào đất liền đạt đến cấp 15, bão số 4 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp. Chưa bao giờ ngành khí tượng ghi nhận trận bão nào có sức gió lớn đến thế.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về dự báo những tác động có thể xảy ra khi bão số 4 đổ bộ.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

- Xin ông cho biết tốc độ gió và tốc độ bão của cơn bão số 4 khi di chuyển vào đất liền sẽ như thế nào?

Ông Trần Quang Năng: Hồi 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Với cường độ bão như dự báo thì đây là cơn bão mạnh lịch sử. Vùng biển ven bờ và ngoài khơi Trung Bộ có gió cấp 14-15, giật cấp 17, khi vào đất liền bão vẫn còn rất mạnh, đạt cấp 12-14, giật cấp 15. Đây đều là những con số lịch sử mà từ trước đến nay các bản tin dự báo bão chưa bao giờ ghi nhận được.

- Với cấp gió như vậy thì bão có thể gây ra những hậu quả gì khi vào đất liền, thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Với cấp gió rất lớn như vậy, tất cả các tàu có trọng tải lớn nằm trong vùng hoạt động của bão đều có thể bị đánh đắm. Khi vào ven bờ, toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các khu vực nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền.

Tàu thuyển chỉ neo đậu bằng cách buộc dây vẫn có thể bị sức mạnh của cơn bão cuốn phăng. Với cấp gió như vậy thì sức tàn phá rất lớn, kèm theo các cột sóng cao từ 4-6m có thể gây chìm, đắm nhiều tàu kể cả là đang neo đậu ở các cầu cảng kín.

Trên đất liền, cấp bão sẽ từ 12-14, giật đến cấp 15. Từ trước đến nay trong các số liệu quan trắc, chúng ta mới chỉ ghi nhận được cấp gió 13 trên đất liền. Với cấp 14-15, sức tàn phá của bão rất lớn. Nhiều công trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ các hoạt động từ giao thông, xây dựng, kinh tế.

- Ông có khuyến cáo gì với người dân sống ở vùng bão đổ bộ?

Ông Trần Quang Năng: Với thời điểm sức gió mạnh nhất diễn ra từ khoảng 9-10h tối nay kéo dài đến khoảng 7h sáng mai (28/9), đây là thời gian rất nguy hiểm. Khuyến cáo toàn bộ người dân ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía bắc của Bình Định cần thực hiện tránh trú an toàn, không đi ra ngoài, phải giới nghiêm để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão lịch sử này gây ra.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chua-bao-gio-ghi-nhan-tran-bao-nao-khung-khiep-nhu-bao-so-4-169220927151615112.htm