Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Giai đoạn 2023-2025, TP Hồ Chí Minh xác định đào tạo nghề cho 9.336 lao động nông thôn làm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, sau khi học nghề xong, ít nhất 85% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

Cụ thể hóa mục tiêu đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, nhà trường, doanh nghiệp chung tay đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong bộ tiêu chí NTM. Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh), mục tiêu đào tạo nhằm bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế vùng nông thôn và khu vực ven đô Thành phố; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động nông nghiệp trên địa bàn.

 Nhiều lao động nông thôn ở TP Hồ Chí Minh được đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: NHƯ HUỲNH

Nhiều lao động nông thôn ở TP Hồ Chí Minh được đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: NHƯ HUỲNH

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, các ngành chức năng đã khảo sát nắm rõ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; từ đó đề xuất danh mục nghề đào tạo, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Bà Nguyễn Hoàng Dung, Phó trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nhà Bè cho biết: Năm 2022, số lao động của huyện được đào tạo là 1.400 người, đạt 140% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo đạt 90,39%. Theo kết quả khảo sát, số lao động được đào tạo phát huy tốt khả năng, kiến thức, tay nghề vào thực tế công việc, có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm nay, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện tiếp tục rà soát, phối hợp với cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng NTM.

Không chỉ tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, TP Hồ Chí Minh còn triển khai chính sách hỗ trợ sau đào tạo nghề. Cụ thể, theo các quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố, người lao động sau khi học nghề có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị được hỗ trợ 60% đến 100% lãi suất; hỗ trợ giới thiệu mô hình nông dân sản xuất giỏi, thành công sau học nghề; hướng dẫn thêm về kỹ thuật khi cần thiết để tạo thuận lợi cho người lao động sống được với nghề... Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, các giải pháp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ sau đào tạo nghề, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới chất lượng cao vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

TRẦN THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chu-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-729548