Chủ tịch VPBank chia sẻ về kế hoạch chia cổ tức cho các năm tới

Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tại Hà Nội. Lãnh đạo VPBank giải đáp nhiều nội dung được cổ đông quan tâm: nợ xấu của ngân hàng, chia cổ tức, chuyển giao bắt buộc…

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu trọng tâm tăng trưởng ở phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và SME. Đồng thời, đặt mục tiêu nhóm khách hàng FDI sẽ trở thành một trong những phân khúc lớn của VPBank.

Năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm trước. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 1.902 tỷ đồng và của Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

Năm 2024, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận đạt gần 1 tỷ USD.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 2,95%.

Đáng chú ý là với mục tiêu FE Credit lãi nghìn tỷ trở lại, Tổng giám đốc VPBank cho biết hiện ngân hàng cùng đối tác chiến lược đang tái cấu trúc toàn diện FE Credit. Hai năm Covid khiến 60% khách hàng của công ty bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ sút giảm, nợ xấu tăng cao. Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp FE Credit báo lỗ. Đây là dịp để ban lãnh đạo nhìn nhận lại và tái cấu trúc toàn diện công ty. Dù dư nợ cho vay của FE Credit vẫn đứng đầu thị trường (khoảng 50.000 tỷ đồng), song danh mục cho vay đã được cơ cấu lại. Từ quý IV/2023 đến nay, FE Credit đã chặn được đà suy giảm kinh doanh và đà giảm chất lượng tín dụng. Tăng trưởng giải ngân quý IV/2023 và quý I/2024 đã tăng trở lại (tăng hơn 20%).

Hiện, VPBank và SMBC đang tích cực xây dựng lại nền tảng công nghệ, hỗ trợ FE Credit nguồn vốn rẻ hơn, tạo điều kiện kinh doanh hiệu quả hơn. Trong quý I/2024, FE Credit đã giảm lỗ về chỉ còn 800 tỷ đồng, dự kiến số lỗ này sẽ được bù đắp trong quý II/2024 và lãi trở lại trong nửa cuối năm nay.

Về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Vinh cho biết ngân hàng đã ghi nhận những con số khả quan, tăng tưởng tín dụng 2,2%, tăng trưởng huy động 1,4%, lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.200 tỷ (do ảnh hưởng âm 800 tỷ từ FE Credit).

Tại đại hội, lãnh đạo VPBank khẳng định năm nay tiếp tục chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông thông qua việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023. Theo đó, trong quý II hoặc quý III năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Với mỗi một cổ phiếu, cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch trả cổ tức trong những năm tiếp theo, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng thông tin: Trong năm trước, VPBank đã đề xuất ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liền. Dự kiến dành ra 30% lợi nhuận để lại hàng năm để chia cổ tức cho các cổ đông. Mức chia cổ tức tiền mặt 10% là số lượng rất lớn.

Trước đó, VPBank đã có 12 năm liền không chia cổ tức bằng tiền mặt để giữ vốn chủ sở hữu ngân hàng ở mức cao duy trì hoạt động kinh doanh.

VPBank cũng trình cổ đông xem xét phương án chuyển giao bắt buộc đối với một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại yếu kém. Theo đó, ngân hàng sẽ mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của VPBank.

Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho hay, về năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém vì các ngân hàng này có mức lỗ lũy kế và nợ xấu lớn. Trên thực tế, các ngân hàng không thiết tha gì việc tham gia tái cơ cấu. VPBank hơi đặc biệt là có sự tham gia của SMBC nên có nền tảng vốn lớn.

“Dưới góc độ tài chính, tham gia tái cơ cấu, VPBank không được lợi nhưng lại có những điểm hấp dẫn khác như: tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trung bình ngành, mở room sở hữu nước ngoài bởi vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng có mong muốn được nâng tỷ lệ sở hữu lên”, ông Dũng nói.

Một số cổ đông đặt câu hỏi về mục tiêu xử lý nợ xấu ra sao trong năm 2024, mức chi phí dự phòng dự kiến là bao nhiêu?

Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, quý I/2024, tình hình nợ xấu có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Dự phòng trong năm 2023 là 12.500 tỷ; trong năm 2023, VPBank đã thu về 2.000 tỷ từ thu hồi nợ xấu.

Dự kiến trong năm 2024, VPBank sẽ trích lập 13.500 tỷ dự phòng rủi ro, thu hồi từ các khoản nợ xấu là 3.000 tỷ.

"Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu giảm dần vào các tháng cuối năm và phục hồi tốt từ năm 2025, hy vọng lúc đó sẽ thu hồi nợ xấu tốt hơn và giảm dự phòng tài chính. Trong trường hợp làm tốt hơn, thì số tiết kiệm dự phòng sẽ trở thành lợi nhuận trong tương lai", ông Dũng nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/chu-tich-vpbank-chia-se-ve-ke-hoach-chia-co-tuc-cho-cac-nam-toi-1099526.html