Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: Sẽ tài trợ thêm cho VinFast 1 tỷ USD, niêm yết Vinpearl nếu thuận lợi

Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết đang thu xếp tài sản để tài trợ thêm cho VinFast 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Sáng nay (25/4), Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 200.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Vingroup sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính gồm công nghệ - công nghiệp, nhà ở, thương mại - dịch vụ với 3 doanh nghiệp trọng tâm là VinFast, Vinhomes và Vinpearl.

ĐHĐCĐ Vingroup 2024.

Ở trụ cột công nghệ - công nghiệp, năm 2024, VinFast sẽ mạnh mẽ tiến ra các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi. Ngoài Việt Nam, VinFast cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Trong lĩnh vực nhà ở, Vinhomes đặt mục tiêu gia tăng doanh số thông qua việc ra mắt các dự án mới và kiện toàn kênh phân phối và hoàn thiện hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có trên toàn quốc.

Còn với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Vinpearl tiếp tục duy trì thương hiệu hàng đầu về vui chơi – giải trí - nghỉ dưỡng tại Việt Nam cùng kế hoạch tăng trưởng vượt bậc so với năm 2023.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, cổ đông thống nhất việc trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ và không đề cập đến việc trả cổ tức cho cổ đông. Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp, Công ty không chi trả cổ tức mà để toàn bộ lợi nhuận lũy kế dùng cho kế hoạch kinh doanh. Tính đến 31/12/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của VIC là hơn 14.100 tỷ đồng, căn cứ theo BCTC hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán.

Để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí của Vingroup tại các dự án bất động sản phức hợp trong tương lai, cổ đông VIC sẽ xem xét và thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bao gồm: Hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động thể thao khác; hoạt động dịch vụ chăn nuôi; giáo dục thể thao và giải trí; cho thuê đồ dùng cá nhân và gia đình khác.

Ngoài ra, để đảm bảo việc niêm yết các trái phiếu do VIC phát hành ra công chúng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cổ đông thông qua việc Công ty đăng ký và lưu ký các trái phiếu tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sau khi hoàn tất phát hành trái phiếu.

Thảo luận

Trong phần thảo luận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông xoay quanh tình hình kinh doanh của VinFast, tình hình tài chính của công ty.

Giai đoạn 2024-2025 có kế hoạch niêm yết Vinpearl không?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi đang làm hồ sơ niêm yết Vinpearl vào cuối năm, hy vọng thị trường sẽ thuận lợi.

Xanh SM có kế hoạch niêm yết không?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Xanh SM đang tiến hành mở mộng, sẽ phát triển mạnh ra thị trường quốc tế, chúng tôi đang chuẩn bị, nếu có thì sẽ niêm yết trên thị trường quốc tế.

Chủ tịch sẽ tiếp tục tài trợ “tiền túi” tối thiểu 1 tỷ USD cho VinFast

Thị trường đang nghi ngờ dòng tiền của Vingroup?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Việc thị trường nghi ngờ dòng tiền năng lực Vingorup là không có cơ sở, là tin đồn. Vingroup chưa bao giờ chậm Ngân hàng một đồng lãi nào chứ chưa nói đến việc trả gốc, mọi kế hoạch đều được thực hiện nghiêm túc. Khó khăn nhất đã qua rồi, thị trường đang phục hồi lại, chúng ta có thể nhìn vào doanh số sản phẩm của Vingroup, ví dụ Vinhomes trong tháng 3 và 4/2024 bán được lượng hàng khổng lồ so với cùng kỳ năm 2023, VinFast lần đầu tiền trở thành thương hiệu có doanh số cao nhất ở Việt Nam so với các hãng xe điện khác trên thị trường.

Việc tiến lên là chắc chắn, phải kiên định, do vậy những nghi ngờ đó không có cơ sở, đương nhiên có khó khăn nhưng khi làm việc lớn đâu dễ dàng. Từ lâu, tôi đã nói VinFast là dự án mà chúng ta làm bởi trách nhiệm xã hội, đóng góp cho đất nước, để trở thành thương hiệu đẳng cấp, thương hiệu không chỉ bán xe mà muốn tiến lên bước vào top đầu xe trên thế giới.

Câu chuyện về dòng tiền là vấn đề, chúng ta phải dồn hết nguồn lực, tôi khẳng định Vinfast là tương lai, là danh dự, là sứ mệnh của Vingroup nên sẽ không bao giờ buông Vinfast. Sau khi tôi tài trợ 1 tỷ USD tôi sẽ tiếp tục tục sắp xếp để tài trợ tối thiểu thêm 1 tỷ USD nữa. Tôi mong mọi người Việt Nam cùng chung tay đóng góp VinFast, để thương hiệu có thể mang lại niềm tự hào, nền tảng để phát triển nền công nghiệp.

Vingroup có tham gia vào mảng chip bán dẫn không?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Tôi là chuyên gia ô tô không phải chuyên gia chip nên không thể bình luận được.

Đến thời điểm nào thì VinFast sẽ hòa vốn, bù được lỗ lũy kế?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Theo kế hoạch đến năm 2026, chúng tôi bắt đầu hòa EBITDA, dần dần từng bước sẽ có lãi, thực tế một số thị trường đã bắt đầu có lãi nhưng trên nền “3 không”: không khấu hao - không lợi nhuận - không chi phí tài chính, tất cả nội dung đó bỏ ra không tính vào giá thành để cho năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Dần dần từng bước có thể nói lên câu chuyện tính được cả chi phí khấu hao, chi phí tài chính vào trong giá xe để mục tiêu có lãi. Từ năm 2026, VinFast sẽ có được dòng tiền dương.

Xe điện là xu hướng không thể đảo ngược

Sự sống còn của Tập đoàn phụ thuộc vào VinFast. Dạo gần đây thị trường xe điện không còn thuận lợi nữa. Vingroup đang nợ rất nhiều, nếu VinFast giảm chi phí, khoản lỗ tiến tới không ảnh hưởng tới Vingroup?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Tôi không cho rằng xe điện hết thời mà sẽ là xu hướng bền vững không thể đảo ngược. Chi phí pin đang rẻ đi vì công nghệ khiến xe điện sẽ có giá rẻ bằng xe xăng. VinFast cũng có chính sách thuê pin, là lợi thế để cạnh tranh với xe xăng, một số dòng xe điện còn đang bán rẻ hơn xe xăng cùng loại. Tại thị trường Indonesia, Việt Nam, xe điện VinFast đang cạnh tranh trực tiếp xe xăng. Do đó không lý do gì xe điện không đánh bại xe xăng, chưa nói đến giá trị môi trường nữa.

Xe điện góp phần quan trọng giúp thành phố sạch hơn. Nếu chúng ta không làm điều đó, đến con cháu chúng ta cũng không có cuộc sống khỏe mạnh. Tại Việt Nam, chúng tôi khẳng định cạnh tranh mạnh mẽ với xe xăng. Bản thân tôi sẽ bỏ 10,000 tỷ đồng trong 3 năm tới để xây dựng trạm sạc, nhưng đó chỉ là giải quyết vấn đề tinh thần. Thống kê trên thế gới trên 90% người dùng có nhu cầu đi xe dưới 100km/ngày, trong khi tùy xe VinFast có thể đi 400-500km thì sạc ở nhà được rồi, thỉnh thoảng có nhu cầu về quê thì sử dụng sạc bên ngoài.

Tôi cho rằng VinFast phù hợp với xu thế. VinFast mạnh lên mỗi ngày, chúng tôi làm cho VinFast rẻ hơn về chi phí, tiếp thị. Tương lai của Vingroup là VinFast và chúng ta đang đi đúng hướng.

Phần lớn người Việt đi xe máy. Nếu tập trung vào thị trường trong nước, VinFast nên tập trung vào khách hàng là bà nội trợ, đưa đón đi lại trong phố thuận tiện. Phân khúc này sẽ phù hợp với giá cả của người Việt Nam?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Tháng 6 chúng tôi mở nhận hàng cho VF3 với giá rất hợp lý. Chúng tôi đã xong xe mẫu VF1 có 3 chỗ, so với một số xe máy còn rẻ hơn. Đến giờ này việc phát triển xe của VinFast đã hoàn thành. Chúng tôi sẽ tập trung khai thác giá trị từ dải xe đó.

Nhị Hà (Tổng hợp)

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chu-tich-vingroup-pham-nhat-vuong-se-tai-tro-them-cho-vinfast-1-ty-usd-niem-yet-vinpearl-neu-thuan-loi-122297.html