CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TIẾP ĐOÀN ỦY BAN KINH TẾ NHẬT – VIỆT CỦA LIÊN ĐOÀN CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ NHẬT BẢN: TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GÓP PHẦN VUN ĐẮP QUAN HỆ HAI NƯỚC

Sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp Đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN). Đánh giá cao hoạt động của KEIDANREN trong suốt thời gian qua góp phần vào thúc đẩy quan hệ hai nước và việc khởi động giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên có kế hoạch hành động triển khai cụ thể, toàn diện, khoa học, đúng hướng ngay từ đầu. Trong đó, vấn đề rất quan trọng là thể chế, chính sách, nguồn lực cần có sự tham gia sớm của các cơ quan của Quốc hội.

Cùng dự cuộc tiếp phía Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tạ Duy Đông; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Hoàng Anh; Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cán bộ Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên KEIDANREN, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt Masayuki Hyodo

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh ngài Masayoshi Fujimoto và ngài Masayuki Hyodo, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) cùng với Lãnh đạo các Tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là thành viên của KEIDANREN sang Việt Nam tham dự cuộc họp cấp cao khởi động Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác, đóng góp quý báu của KEIDANREN cũng như vai trò của hai Chủ tịch và cá nhân các lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Cảm ơn Lãnh đạo KEIDANREN đã dành thời gian tiếp đón các đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Nhật Bản trong thời gian vừa qua.

Vui mừng khi chứng kiến mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là chính trị, kinh tế và giao lưu Nhân dân; đặc biệt sau khi lãnh đạo 2 nước quyết định nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Đây là điểm nhấn đậm nét nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), mở ra tiềm năng hợp tác sâu rộng hơn, giai đoạn mới trong quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt Masayoshi Fujimoto

Các doanh nghiệp Nhật Bản dành nhiều sự quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam và vun đắp cho quan hệ hai nước

Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên KEIDANREN, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt Masayuki Hyodo bày tỏ vinh dự được gặp lại Chủ tịch Quốc hội từ sau chuyến công tác tại Việt Nam vào năm 2023; cho biết mục đích của Đoàn sang Việt Nam lần này là nhằm triển khai công việc rất quan trọng là khởi động Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới và sẽ có các cuộc làm việc với các lãnh đạo của Việt Nam.

Nêu rõ, năm 2023 ghi dấu kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động cấp Chính phủ được triển khai, hai được đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Qua đó, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong đó có quan hệ kinh tế. Chia sẻ rằng dưới góc độ của cộng đồng doanh nghiệp, KEIDANREN mong muốn tiếp tục được đóng góp và vun đắp cho quan hệ hai nước.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt KEIDANREN Masayoshi Fujimoto cũng ghi nhận Việt Nam có sự phát triển kinh tế đáng kể trong suốt thời gian qua, đánh giá cao các mục tiêu phát triển gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khẳng định, KEIDANREN coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Hàng năm KEIDANREN có cuộc diện kiến các lãnh đạo của Việt Nam, làm việc với các cơ quan của Việt Nam. Gần đây đã có những doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư tại Nhật Bản và cùng tham gia KEIDANREN. Trên cơ sở những kết quả đã có, thời gian tới, KEIDANREN mong muốn tiếp tục có những hoạt động giao lưu hợp tác kinh tế mật thiết với Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc tiếp

KEIDANREN nhận thấy Việt Nam có được sự ổn định về chính trị, kinh tế đang phát triển, cùng với nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, thị trường tiềm năng và có vị trí địa lý thuận lợi nên các doanh nghiệp Nhật Bản dành nhiều sự quan tâm đến cơ hội đầu tư và xem xét đặt trụ sở tại Việt Nam. Đặc biệt, qua khảo sát về quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu triển khai hoạt động của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thì Việt Nam đứng ở vị trí số 2. Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản thực sự quan tâm, mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao liên quan đến công nghiệp phụ trợ.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt Masayuki Hyodo bày tỏ mong muốn có thêm nhiều cơ hội trao đổi hợp tác với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam; mong muốn Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo thúc đẩy quá trình này.

Chia sẻ về các mục tiêu tập trung đầu tư phát triển của Nhật Bản như về xây dựng thành phố thông minh, phát triển hạ tầng giao thông, triển khai các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á (AZEC), Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt KEIDANREN Masayoshi Fujimoto cho biết Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới có nhiều nội dung liên quan nhằm triển khai AZEC.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc tiếp

Làm rõ hơn các nội dung này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada cho biết, AZEC bảo đảm sự hỗ trợ lớn hơn cho các dự án nhất là các dự án an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo, các dự án phát triển nguồn cung và truyền tải điện, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thát khí CO2…Các chương trình của AZEC được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính là phát triển nguồn điện phát triển bền vững - tiết kiệm năng lượng - phát triển năng lượng tái tạo.

Đại sứ Takio Yamada cho rằng cả Việt Nam và Nhật Bản đều hướng đến mục tiêu giảm phát thải. Phía Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong các dự án nhằm thực hiện giảm phát thải, đây đều là mục tiêu chung của cả hai nước. Cùng với xu thế chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh thì việc các quốc gia phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư. Do đó, các dự án trong khuôn khổ AZEC nếu được triển khai ưu tiên này cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Ngoài ra, tại cuộc tiếp, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp KEIDANREN cũng chia sẻ về kì vọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, mong muốn thông qua KEIDANREN tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam; được tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt KEIDANREN Masayuki Hyodo phát biểu tại cuộc tiếp

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt Masayuki Hyodo bày tỏ mong muốn Chủ tịch Quốc hội tiếp tục quan tâm ủng hộ các hoạt động của KEIDANREN trong tổng thể tăng cường quan hệ hợp tác hai nước; mong muốn Chủ tịch Quốc hội sớm thăm Nhật Bản.

Triển khai Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỳ nguyên mới: Cần có kế hoạch triển khai cụ thể, thực chất, phối hợp giữa các bên để có hiệu quả cao nhất

Ghi nhận các ý kiến của Đoàn, đánh giá cao Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã triển khai thành công trong suốt 20 năm qua, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư cũng như tham gia kiến nghị chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Quốc hội luôn lắng nghe và mong muốn có nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa của KEIDANREN với phương châm “không có ý kiến nào của doanh nghiệp mà không được lắng nghe, không có ý kiến nào là không được nghiên cứu tiếp thu hoặc giải trình cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt KEIDANREN Masayoshi Fujimoto phát biểu tại cuộc tiếp

Đánh giá cao hoạt động của Đoàn tại Việt Nam lần này, trong đó có cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỳ nguyên mới, giai đoạn 1 do hai Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt KEIDANREN và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là bước bước quan trọng trong triển khai Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Trao đổi về các 5 nhóm chương trình trọng điểm trong khuôn khổ Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỳ nguyên mới gồm: thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), chuyển đổi xanh (AZEC/GX); thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây đều là những lĩnh vực quan trọng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KEIDANREN phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan của Việt Nam để có kế hoạch triển khai cụ thể, thực chất, phối hợp giữa các bên đi đúng hướng ngay từ đầu để có hiệu quả cao nhất. Theo đó, hai bên cần làm rõ hơn cơ chế hợp tác, tính chất hoạt động, nguồn lực tham gia, trách nhiệm của mỗi bên, cơ chế điều phối, tổng kết đánh giá từng giai đoạn; lưu ý cần rút kinh nghiệm từ những thành công và cả không thành công trong việc thực hiện các chương trình hợp tác của giai đoạn trước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Nhấn mạnh vai trò của thể chế, chính sách và nguồn lực thực hiện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng với vai trò của Quốc hội là cơ quan xây dựng pháp luật và phân bổ ngân sách thì các Ủy ban của Quốc hội cần thiết tham gia vào quá trình triển khai hợp tác, cụ thể hóa Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Nếu các Ủy ban của Quốc hội không vào cuộc từ sớm thì sẽ khó bảo đảm tính khả thi cao, hiệu quả cao của thực hiện các chương trình, dự án bởi vấn đề chính sách và phân bổ nguôn lực cả nguồn lực công, hợp tác công tư thực hiện là yếu tố mang tính quyết định. Tuy nhiên đây lại là nội dung còn thiếu vắng trong chương trình Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỳ nguyên mới giai đoạn 1. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KEIDANREN nghiên cứu để bổ sung phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm các nội dung về thúc đẩy AZEC, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tăng cường chuỗi cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách thể chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…đều liên quan đến luật pháp và đều là những nội dung đã có hoặc đang triển khai theo chương trình nghị sự của Quốc hội Việt Nam như việc Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; nghiên cứu xây dựng luật về phát triển công nghiệp; ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; tiến hành tổng rà soát thủ tục hành chính, giám sát về đơn vị sự nghiệp công nghiệp trong đó có các cơ sở giáo dục…

Các đại biểu Việt Nam cùng dự cuộc tiếp

Đánh giá cao AZEC đã cân bằng hơn trong mục tiêu an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng, phù hợp hơn với điều kiện của các quốc gia châu Á, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề mấu chốt là hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, huy động tài chính; đề nghị KEIDANREN tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia thị trường tín chỉ cacbon, huy động nguồn tài chính xanh.

Về đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số, nêu rõ đây là vấn đề có tính toàn cầu mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề này gắn với niềm tin số, chuyển đổi số an toàn, an ninh mạng, kết nối toàn cầu.

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, thành viên Đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN)

Về chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề mấu chốt là liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Việt Nam đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó có xác định ưu tiên những doanh nghiệp FDI chú trọng đầu tư để hình thành chuỗi giá trị. Đại dịch COVID – 19 vừa qua đã cho thấy, việc hình thành các chuỗi giá trị theo từng địa bàn có ý nghĩa sống còn. Nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam thì rất khó phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Đây cũng là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh. Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong KEIDANREN quan tâm thúc đẩy vấn đề này.

Đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng với các nội dung trọng tâm của Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc triển khai thực hiện phải được đặt trong tổng thể, toàn diện, khoa học và chặt chẽ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị KEIDANREN tiếp tục phối hợp với các cơ quan Việt Nam tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách, cung cấp các thông tin, kinh nghiệm cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư Việt Nam, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Về phía Quốc hội Việt Nam sẽ phát huy vai trò thúc đẩy thực hiện, giám sát và tham gia hoàn thiện thể chế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN)

Vui mừng trước thông tin về sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài.

Nhấn mạnh thành công của doanh nghiệp Nhật Bản chính là thành công của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ, góp sức của các doanh nghiệp Nhật Bản, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới Việt Nam - Nhật Bản" ngày càng phát triển.

Một số hình ảnh tại cuộc tiếp:

Quang cảnh cuộc tiếp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc tiếp

Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên KEIDANREN, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt Masayuki Hyodo

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt KEIDANREN Masayoshi Fujimoto

Các đại biểu Việt Nam cùng dự cuộc tiếp

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada tại cuộc tiếp

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, thành viên Đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm các đại biểu.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=85728