Chủ tịch Quốc hội: Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải khả thi, dễ tiếp cận

Chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề quan trọng nhất là các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải khả thi, dễ tiếp cận, dễ đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, về thuế, bảo hiểm xã hội...

Chủ tịch Quốc hội: Các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải khả thi, dễ tiếp cận, dễ đi vào cuộc sống

Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các Phó Chủ nhiệm, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Dự án tác động sâu, rộng đến nhiều thành phần kinh tế

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cuộc làm việc được tổ chức để cho ý kiến sơ bộ chuẩn bị tiếp cho quy trình tiếp theo. Đây là cách làm sớm, từ xa, chủ động, không chờ đến ngày trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức.
Theo quy trình, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức lần cuối. Sau đó, dự án sẽ được trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ năm sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự án luật đã được chuẩn bị khá công phu; nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội; không chỉ tác động đến các hợp tác xã, mà còn tác động sâu, rộng đến nhiều thành phần kinh tế, các loại hình hoạt động và các lĩnh vực hoạt động khác.

Tuy tỷ trọng đóng góp cho GDP của hợp tác xã không quá lớn, nhưng đây là thành phần kinh tế rất quan trọng, gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nhất là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như củng cố thành phần kinh tế hợp tác của đất nước.

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Qua rà soát, có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan.

Cụ thể, về tên gọi của dự án Luật. Hiện có hai phương án. Phương án 1 là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Phương án 2 là Luật Hợp tác xã. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là nội dung cần được quyết định sớm để có thể tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do tên gọi ảnh hưởng tới nhiều nội dung, thậm chí cả kết cấu của dự thảo Luật. Trường hợp để 2 phương án về tên gọi của dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 6/2023) là không khả thi bởi phải cùng lúc hoàn thiện 2 dự thảo Luật khác nhau với rất nhiều nội dung, trong khi quỹ thời gian từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 không còn nhiều.

Về Liên đoàn Hợp tác xã, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này, việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Qua rà soát, các cơ quan đều thống nhất về việc cần thiết nghiên cứu, xây dựng các quy định để thí điểm mô hình Liên đoàn Hợp tác xã nhưng còn ý kiến khác nhau về việc có hay không quy định về Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này.

Về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại dự thảo Luật về vai trò, trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã còn khá mờ nhạt trong khi thực tế tại nước ta hiện đang tồn tại hệ thống Liên minh Hợp tác xã gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ở Trung ương và Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh đang được giao các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Do đó, đề nghị giữ nguyên các quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với hệ thống Liên minh Hợp tác xã, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định tăng cường hơn vai trò, quyền của Liên minh Hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động theo đúng chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Ngoài ra, các cơ quan đã rà soát và thống nhất về nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã và kiểm toán hợp tác xã.

Các chính sách phát triển hợp tác xã phải khả thi, dễ tiếp cận

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, các đại biểu nhất trí cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Vấn đề quan trọng nhất là các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải khả thi, dễ tiếp cận, dễ đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, về thuế, bảo hiểm xã hội...

Quy định về tỷ lệ cung ứng dịch vụ cần theo nguyên tắc trước hết phải bảo đảm cung ứng cho thành viên hợp tác xã.

Chính sách để hợp tác xã thành lập doanh nghiệp trên nguyên tắc không doanh nghiệp hóa hợp tác xã, không chuyển hợp tác xã thành doanh nghiệp là đúng nhưng hiện nay rất khó thực hiện.

Về kiểm toán thì cân nhắc quy định thành lập kiểm toán nội bộ hay theo kinh nghiệm thế giới là mô hình kiểm toán độc lập thuộc Liên minh Hợp tác xã.

Việc thành lập kiểm toán nội bộ sẽ tạo thêm khó khăn, gánh nặng cho các hợp tác xã, vì riêng thành lập Ban Kiểm soát của Hợp tác xã đã rất khó khăn khi triển khai thực hiện trong thực tế.

Nhất trí giữ tên Luật Hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, tên gọi là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phạm vi điều chỉnh của dự luật như thế nào. Đặc biệt, phải rà soát để bảo đảm tính khả thi, minh bạch của các chính sách phát triển hợp tác xã bởi thực tế vừa qua, dù nhiều chính sách được ban hành nhưng hợp tác xã vẫn rất khó tiếp cận, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội...

Về Liên đoàn hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu chưa có đủ cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc quy định trong luật thì có thể thực hiện thí điểm trước, trên cơ sở đó mới tiến hành tổng kết, đánh giá để luật hóa.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí cần tiếp tục củng cố hơn nữa vai trò của Liên minh Hợp tác xã bởi đây là tổ chức đã được thành lập từ lâu để thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, tổ chức hữu quan cố gắng thống nhất một phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tổ chức xin ý kiến lại Chính phủ để sớm thống nhất các vấn đề lớn được nêu ra tại cuộc làm việc.

Ngọc Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-chinh-sach-khuyen-khich-phat-trien-hop-tac-xa-phai-kha-thi-de-tiep-can-503838.html