Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Chương trình tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam

* Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự. Tối 26.2, tại Nhà hát Hồ Gươm, TP. Hà Nội, đã diễn ra Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải Cuộc thi viết 'Sự hy sinh thầm lặng' lần thứ VI nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2024).

Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, 69 năm qua, thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý chữa bệnh, cứu người; là lực lượng nòng cốt chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngành y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành, góp phần nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và đang vững vàng trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chủ tịch nước cũng nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước có hệ thống y tế rộng khắp từ cơ sở, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; đứng đầu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Các chỉ số sức khỏe của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đều được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế. Công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Nhiều bệnh dịch và bệnh xã hội đã được khống chế, loại trừ; sức khỏe và tuổi thọ của Nhân dân được tăng lên.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao giải Đặc biệt cho tác giả Ngô Anh Văn và trao chứng nhận cho nhân vật trong tác phẩm đoạt giải - bác sĩ Võ Thái Trung. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao giải Đặc biệt cho tác giả Ngô Anh Văn và trao chứng nhận cho nhân vật trong tác phẩm đoạt giải - bác sĩ Võ Thái Trung. Ảnh: TTXVN

Trong đội ngũ các y, bác sĩ đã có nhiều tên tuổi trở thành biểu tượng sáng ngời về y đức, sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm vì dân, vì nước, hết lòng vì người bệnh và là tấm gương nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo. Nhiều thành tựu y khoa chuyên ngành đã trở thành niềm tự hào của y khoa Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ y khoa thế giới, mở ra triển vọng tốt đẹp trên con đường chinh phục các thách thức giới hạn trong điều trị những bệnh hiểm nghèo hiếm gặp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công vào mọi quốc gia, mọi “thành trì” y tế, đội ngũ y tế Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh để cùng toàn dân làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao Giải Nhì cho các tác giả đoạt giải và nhân vật trong tác phẩm. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao Giải Nhì cho các tác giả đoạt giải và nhân vật trong tác phẩm. Ảnh: TTXVN

Những đóng góp to lớn của ngành y tế đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, được Nhân dân trân trọng và tin yêu, được đồng nghiệp, người dân trong nước, khu vực và quốc tế đánh giá cao.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước trân trọng biểu dương những nỗ lực, cống hiến to lớn của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Nước khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển, coi “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội”, “dân cường thì nước thịnh”, “mỗi người dân khỏe mạnh là cả nước khỏe mạnh”. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu.

Sau đại dịch Covid-19, thế giới ngày càng đối diện với nhiều thách thức: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng hoảng và xung đột, áp lực xã hội ngày càng tăng. Dân số Việt Nam đã vượt qua mốc một trăm triệu, là quốc gia có quy mô dân số đông, đặc điểm dân số trẻ nhưng có tốc độ già hóa nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi và diễn biến phức tạp.

Nhiều vấn đề còn đang là rào cản, điểm nghẽn như chính sách, chế độ cho đội ngũ y, bác sĩ chưa phù hợp, đời sống cán bộ y tế còn khó khăn, các quy định pháp luật còn chưa theo kịp với thực tiễn. Trình độ quản lý y tế, tài chính y tế, tự chủ tài chính còn nhiều vướng mắc. Môi trường hành nghề có nơi, có lúc thiếu an toàn, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên là những trở ngại cho công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và lao động của người thầy thuốc cần phải giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Để chung tay cùng nhau xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học dân tộc đại chúng, đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả phát triển và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển đất nước bền vững, phồn vinh và hạnh phúc, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch nước nêu rõ, trước mắt, phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp thiết lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, thuận lợi để y, bác sĩ, nhân viên y tế hành nghề bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành y tế về ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến dưới, phát triển y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, nỗ lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Đồng thời, phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực không ngừng và tiếp tục chinh phục các thách thức giới hạn trong chẩn đoán, điều trị các loại bệnh, mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề, có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại, coi trọng sự tiếp nối giữa các thế hệ; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ kế cận của ngành y tế bằng y đức, trí tuệ, tài năng và khát vọng lớn.

Đội ngũ y tế Việt Nam có thể đặt ra những tầm nhìn mới, mục tiêu cao, phấn đấu đưa ngành y tế Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước trong khu vực và vươn tầm ra thế giới, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu về sức khỏe, mang lại hiệu quả xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Chủ tịch nước nói.

"Với những thành tựu đã đạt được, chúng ta không quên những thách thức, gian khó ở phía trước để cùng dặn nhau rằng: hành trình trị bệnh của người chăm sóc sức khỏe Nhân dân là một hành trình không có điểm dừng". Khẳng định điều này, Chủ tịch nước nêu rõ: "Những gian khổ và vất vả của nghề y chưa bao giờ hết, đòi hỏi mỗi bác sĩ, y sĩ, nhân viên ngành y phải luôn khắc ghi lời thề Hippocrates, yên tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa về mọi mặt. Kiến thức phải đầy đủ, đức hạnh phải trọn vẹn, tâm hồn phải rộng lớn, hành vi phải thận trọng, như Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng chỉ dạy và như lời căn dặn của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu”.

Trong phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, suốt chặng đường 69 năm qua, ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lương y phải như từ mẫu”, các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế đã không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin cậy giao phó. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triển. Ngành y tế nỗ lực đổi mới để hướng tới sự hài lòng hơn nữa của người bệnh. Bộ Y tế đã rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động của ngành về phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở và các lĩnh vực y tế khác, công tác khám, chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với đường lối đúng đắn của Trung ương Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ, phối hợp của các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức quốc tế cùng với sự đồng lòng của người dân, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế phấn đấu rèn luyện y đức, chuyên môn để ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của ngành.

Trong khuôn khổ Chương trình, Ban Tổ chức đã trao giải Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Giải đặc biệt cho tác giả Ngô Anh Văn và trao chứng nhận cho nhân vật trong tác phẩm đoạt giải - bác sĩ Võ Thái Trung.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải Nhất; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao giải Nhì cho các tác giả và nhân vật trong các tác phẩm.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao giải Ba cho các tác giả của tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VI.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-du-chuong-trinh-ton-vinh-thay-thuoc-viet-nam-i361124/