Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi - niềm tự hào của chị em cơ sở

Với đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở trẻ trung, năng động, có trình độ, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, chị em đã chủ động, sáng tạo trong triển khai phong trào phụ nữ và nhiệm vụ công tác Hội gắn với các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tiên phong đi đầu, hoạt động bền bỉ, gắn bó mật thiết với hội viên phụ nữ và nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long và Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm trao bằng khen cho các Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi được biểu dương tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch cơ sở giỏi năm 2023 của Hội LHPN tỉnh.

CHỦ TỊCH HỘI VÙNG CAO GIỎI DÂN VẬN

Chế Tạo là xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhiều phong tục tập quán, lối sinh hoạt của người dân ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống.

Vừa để giúp gia đình các chị em trong xã thay đổi những thói quen không tốt trong cuộc sống vừa để thực hiện tốt phong trào của tổ chức Hội, từ năm 2017, chị Giàng Thị Chư Chủ tịch Hội LHPN xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải đã cùng Ban Chấp hành Hội LHPN xã triển khai mô hình dân vận khéo "Phụ nữ Chế Tạo tích cực thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” và chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM)”.

"Thời gian đầu, việc tuyên truyền, vận động chị em và gia đình thực hiện "5 không, 3 sạch” rất khó khăn vì nhiều thói quen, tập quán đã ăn sâu vào ý thức của người dân. Chính vì vậy, chúng tôi xác định phải kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, hướng dẫn người dân từng chút một” - chị Giàng Thị Chư chia sẻ.

Để chị em và gia đình thực hiện tốt tiêu chí "3 sạch”, chị Chư cùng các cán bộ Hội phối hợp với trưởng bản, các chi hội, đoàn thể đến từng nhà tuyên truyền, kiên trì hướng dẫn dọn dẹp vệ sinh để sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Chị và cán bộ Hội thường xuyên kiểm tra việc vệ sinh nhà cửa của các gia đình, hộ nào chưa đạt thì tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ.

Đối với tiêu chí "5 không”, chị Chư cùng Ban Chấp hành Hội LHPN xã tham mưu với Hội cấp trên và phối hợp với các ngành liên quan vận động chị em tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng trồng thảo quả dưới tán rừng, chăn nuôi trâu bò, trồng một số loại cây hoa màu. Chị Chư cũng tích cực tuyên truyền chị em tham gia học xóa mù, học nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Hội viên, phụ nữ xã Chế Tạo tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Nhờ đó, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ tăng thêm thu nhập, ngày một phát triển kinh tế. Với sự kiên trì và nhiệt tình của Chủ tịch Hội LHPN xã và các cán bộ Hội trong thực hiện "Dân vận khéo” phụ nữ xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch”, từ triển khai hiệu quả tại 1 chi hội phụ nữ ban đầu, đến nay chị em tại 6/6 chi hội phụ nữ các thôn, bản đã nâng cao nhận thức về lợi ích "5 không 3 sạch" tại gia đình. Hiện xã Chế Tạo có tới 80% hộ gia đình đạt các tiêu chí "5 không, 3 sạch”, góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo NTM trên địa bàn.

Ngoài vận động thành công chị em thực hiện xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch”, chị Giàng Thị Chư còn cùng cán bộ Hội tích cực vận động chị em và gia đình hiến đất, góp công sức làm đường giao thông nông thôn. "Chúng tôi đến từng nhà vận động bà con tu sửa, mở rộng và bê tông hóa các đường nội bản cũng như từ các bản đến trung tâm xã. Nhà nước hỗ trợ một phần xi măng, còn lại người dân đã hiến đất, góp ngày công, trong đó chị em đã rất tích cực tham gia góp công làm đường”- chị Chư cho biết.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm xã Chế Tạo vận động được hơn 3 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và đã bê tông hóa được hơn 40 km đường nội bản và đường từ trung tâm xã đi các bản; thành quả đó có 70% sự đóng góp của cán bộ, hội viên, phụ nữ xã.

Mong muốn Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” tiếp tục đi vào chiều sâu trên địa bàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Chế Tạo định hướng rõ: "Hội LHPN xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh tuyên truyền để phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình; đồng thời, động viên các cán bộ Hội và các chi hội kiên trì, nhẫn nại trong tuyên truyền vận động chị em thực hiện 5 không, 3 sạch trong gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới”.

SÁNG TẠO ĐỂ HỖ TRỢ HỘI VIÊN KHÓ KHĂN

Xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ có 78,6% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Thái. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã có 1.395 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội, tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 60%. Đời sống của nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có 128 gia đình hội viên phụ nữ là hộ nghèo.

Vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Nham, chị Hoàng Thị Siêm luôn trăn trở suy nghĩ phải làm gì, làm cách nào để tổ chức được những hoạt động, phong trào thực sự ý nghĩa, thiết thực để chăm lo, giúp đỡ hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên nghèo và phụ nữ yếu thế. "Những suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi tích cực nghiên cứu, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội để vừa có những hoạt động thiết thực trong tổ chức Hội vừa để thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội” - chị Hoàng Thị Siêm bày tỏ.

Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, nhất là hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội LHPN xã đã chỉ đạo xây dựng thành công 6 mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Khai thác thế mạnh đất đai, Hội vận động chị em tham gia mô hình trồng lạc, trồng dưa cho năng suất cao, mô hình chăn nuôi bò... đem lại thu nhập kinh tế từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Hội LHPN xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chị em, tập huấn kiến thức chăn nuôi cho 30 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; vận động chị em góp quỹ tiết kiệm được trên 300 triệu đồng, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 8 tỷ đồng cho chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Chị Hoàng Thị Siêm (người ngoài cùng, bên phải) và cán bộ, hội viên phụ nữ xã Phù Nham tại buổi ra mắt "Gian hàng sản phẩm nông nghiệp phụ nữ xã Phù Nham”.

Bên cạnh đó, Hội còn vận động ủng hộ 1,8 tấn xi măng, 245 ngày công, hỗ trợ 32 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ xây dựng 2 nhà "Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo.

Để hỗ trợ thêm những gia đình hội viên phụ nữ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2020, chị Hoàng Thị Siêm đã chủ động xây dựng, chỉ đạo Hội LHPN xã triển khai chương trình "Hũ gạo nhân ái” và trao quà ủng hộ vào dịp Tết Nguyên đán.

Chị Siêm cùng cán bộ Hội đã trực tiếp xuống các chi hội để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của "Hũ gạo nhân ái”; vận động cán bộ chi hội, hội viên tiêu biểu gương mẫu thực hiện trước, từ đó tạo sức lan tỏa và nhận được sự đồng tình ủng hộ, đến nay đã triển khai tại 100% chi hội phụ nữ. Qua 4 năm, đã có trên 3.850 lượt hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia ủng hộ được trên 2,5 tấn gạo, 30 triệu đồng tiền mặt, 32 suất quà, tổng trị giá trên 80 triệu đồng, hỗ trợ cho 258 hộ gia đình phụ nữ nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật tại xã.

"Tôi cũng luôn suy nghĩ phải tổ chức hoạt động gì, làm như thế nào để công tác Hội vừa sôi nổi, ý nghĩa vừa có sức lan tỏa, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Biết được người dân, trong đó nhiều hội viên phụ nữ chưa có khả năng mua bảo hiểm y tế (BHYT). Từ năm 2023, tôi cùng cán bộ Hội triển khai mô hình "Gian hàng sản phẩm nông nghiệp phụ nữ xã Phù Nham” gây quỹ tặng BHYT cho hội viên, phụ nữ khó khăn” - chị Hoàng Thị Siêm chia sẻ.

Các sản phẩm của gian hàng đều là nông sản của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã, qua đó vừa giúp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hội viên phụ nữ, vừa tạo quỹ tặng BHYT cho phụ nữ khó khăn, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã. Đây cũng là một hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo góp phần thực hiện tiêu chí có sức khỏe để xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Qua 6 tháng triển khai, gian hàng đã tạo được quỹ hỗ trợ, tặng BHYT cho 25 hội viên trị giá trên 6,5 triệu đồng.

Với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của chị Hoàng Thị Siêm cùng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Hội LHPN xã, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội LHPN xã đã giúp 18 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Từ những hoạt động thiết thực của Hội đã thu hút 33 hội viên mới tham gia. Chủ tịch Hội Phụ nữ Hoàng Thị Siêm bày tỏ: "Tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để có thể có được nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa trong tổ chức Hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo, hội viên khó khăn, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh”.

GÓP TÂM SỨC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những nội dung quan trọng trong công tác Hội phụ nữ đã được Hội LHPN xã Minh An, huyện Văn Chấn thực hiện hiệu quả với sự đóng góp tích cực của chị Lò Thị Phấn - Chủ tịch Hội LHPN xã, thông qua mô hình Câu lạc bộ (CLB) "Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Lò Thị Phấn cho hay: "Thực tế, tại địa phương, nhiều gia đình có mâu thuẫn, nảy sinh từ khó khăn kinh tế, bất đồng quan điểm trong nuôi dạy con cái hay do quan niệm phải sinh con trai, trọng nam khinh nữ… đã ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc gia đình, nhiều khi dẫn đến bạo lực gia đình. Chỉ tính từ năm 2021 - 2023, tại xã có 23 vụ việc bạo lực gia đình với 30 cặp vợ chồng trong tình trạng "cơm không lành, canh chẳng ngọt” và 8 cặp vợ chồng ly hôn”.

Chị Lò Thị Phấn (người thứ 2, từ trái sang) tham gia trong buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương”.

Thực tế đó đã thôi thúc Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lò Thị Phấn và cán bộ Hội nghiên cứu, phối hợp xây dựng mô hình CLB "Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương”. Triển khai mô hình, các cán bộ Hội đã rà soát, lựa chọn đối tượng tham gia là những cặp vợ chồng bị bạo lực và có nguy cơ bị bạo lực, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần sự can thiệp, giúp đỡ.

"Ban đầu, việc tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng tham gia CLB rất khó khăn, vì họ cho rằng như thế là "vạch áo cho người xem lưng”. Nhiều chị em dù bản thân bị bạo hành nhưng không dám lên tiếng, không dám chia sẻ, không dám nhận lời tham gia CLB do sợ mang tiếng gia đình có bạo lực, không hạnh phúc. Các anh nam giới thì càng không cởi mở, không muốn tham gia, thậm chí là ngăn cản vợ tham gia CLB” - chị Lò Thị Phấn chia sẻ.

Chị Phấn cùng cán bộ Hội kiên trì vận động từng chị em, khéo léo tiếp cận các anh nam giới, phân tích rõ những lợi ích khi tham gia CLB, dần xóa bỏ tâm lý e dè của các cặp vợ chồng. Đến tháng 2/2020, sau nhiều nỗ lực của chị Phấn và cán bộ Hội, CLB "Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương” xã Minh An chính thức ra mắt với 15 cặp vợ chồng là thành viên nòng cốt, đó là những người từng bị bạo lực và có nguy cơ bị bạo lực gia đình.

"Mưa dầm thấm lâu, mưa lâu mềm đất” - với phương châm đó, Ban Điều hành CLB đã gặp gỡ riêng cả vợ và chồng các cặp thường xuyên xảy ra bạo lực, tìm hiểu nguyên nhân, tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời kết hợp với lực lượng công an, chính quyền gặp gỡ, động viên các cặp vợ chồng.

Đặc biệt, thông qua kết nối của Hội LHPN tỉnh với Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, các thành viên CLB được cung cấp các kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực; được hỗ trợ 60 con giống trâu bò, lợn để phát triển kinh tế. Trong các buổi tập huấn, sinh hoạt CLB, chị Phấn luôn là người đồng hành, hỗ trợ tích cực cho các thành viên CLB để họ rút ra những cách xử lý và bài học cho bản thân, biết cách cùng nhau chăm sóc gia đình.

Chị Phấn cho biết: "Điển hình cho sự thay đổi là vợ chồng anh Đ và chị V. Trước đây, anh chị thường xuyên xảy ra xung đột những tưởng khó hàn gắn do anh Đ gia trưởng, thường xuyên uống rượu say rồi gây sự, chửi bới, đánh đập vợ của anh Đ. Sau khi tham gia CLB, cộng thêm sự vận động, phân tích của người thân, họ hàng, anh Đ dần thay đổi, biết yêu thương, tôn trọng vợ con hơn. Vợ chồng anh chị cùng biết cách thay đổi để tránh mâu thuẫn, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong gia đình. Anh chị cùng nhau quyết tâm vun đắp lại hạnh phúc gia đình”.

Mô hình CLB "Gia đình hạnh phúc - vun đắp yêu thương” bước đầu đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong thực hiện bình đẳng giới; thay đổi các định kiến về vị trí, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái…; thay đổi ứng xử của các thành viên trong gia đình để hướng đến hạnh phúc gia đình. Chị Lò Thị Phấn chia sẻ: "Từ hiệu quả của mô hình, Hội LHPN xã đã nhân rộng mô hình tại các chi hội. Hiện nay, xã có 7 CLB tại các chi hội với 235 thành viên tham gia gồm cả nam và nữ, đã và đang sinh hoạt thường xuyên”.

ĐIỂM TỰA TIN CẬY CHO HỘI VIÊN, PHỤ NỮ

"Chủ tịch Hội cơ sở là người dẫn đường, là điểm tựa tin cậy cho hội viên, phụ nữ” là nhận định của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái về vai trò của đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở trong phong trào phụ nữ và công tác Hội hiện nay.

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở trong phong trào phụ nữ và công tác Hội hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm : Trong những năm qua, phong trào phụ nữ của tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó phải kể đến sự đóng góp quan trọng của Hội LHPN cơ sở. Hội LHPN cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức Hội; trong đó, đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là Chủ tịch Hội cơ sở với trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ theo quy định của Điều lệ Hội và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là hạt nhân, lực lượng nòng cốt, quyết định đối với phong trào phụ nữ và công tác Hội tại địa phương.

Các chị em đã có nhiều cố gắng, vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; là người dẫn đường, là điểm tựa tin cậy cho hội viên, phụ nữ ở cơ sở; nỗ lực cống hiến, phát huy năng lực vì sự phát triển của phụ nữ, vì lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Tỉnh Yên Bái có 196 tổ chức Hội cấp cơ sở, trong đó có 173 Hội cơ sở theo địa bàn hành chính và 23 hội, chi hội phụ nữ cấp cơ sở với 196 chủ tịch và tương đương. Chất lượng Chủ tịch Hội cấp cơ sở ngày một nâng cao, hiện 82,6% có trình độ chuyên môn đại học, 90,8% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, 170 chủ tịch là cấp ủy viên, 75% tham gia HĐND các cấp, 59,3% dưới 40 tuổi.

Các Chủ tịch Hội LHPN cơ sở trao đổi về kinh nghiệm tổ chức hoạt động Hội.

Với đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở trẻ trung, năng động, có trình độ, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, chị em đã chủ động, sáng tạo trong triển khai phong trào phụ nữ và nhiệm vụ công tác Hội gắn với các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tiên phong đi đầu, hoạt động bền bỉ, gắn bó mật thiết với hội viên phụ nữ và nhân dân.

Qua đó, các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc tiếp tục được đổi mới và đạt được nhiều kết quả; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu; vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng cao; vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

P.V: Hội LHPN tỉnh đã có giải pháp gì để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nói chung, đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở nói riêng?

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện khâu đột phá "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống Hội” giai đoạn 2022 - 2026. Hàng năm, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về "xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế”.

Đặc biệt, thực hiện chủ đề năm 2023: "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở”, ngoài việc mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội và công tác xã hội cho Chủ tịch Hội cơ sở, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, tạo điều kiện, cơ hội, sân chơi cho Chủ tịch Hội cơ sở thể hiện trình độ, năng lực, khả năng, sức sáng tạo của bản thân, vận dụng linh hoạt vào phong trào phụ nữ tại địa phương, cơ sở.

P.V: Theo đồng chí, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, nhất là Chủ tịch Hội cần sự rèn luyện như thế nào để tiếp tục phát huy vai trò của mình trong hệ thống tổ chức Hội?

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Trên cơ sở bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội và yêu cầu thực tiễn tại địa phương, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tư duy đổi mới, khả năng thích ứng với thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Phát huy trách nhiệm nêu gương, cán bộ Hội cơ sở phải là niềm tự hào đối với hội viên, phụ nữ ở địa phương, đơn vị mình. Chị em phải thường xuyên tự học, tự cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng qua thực tiễn phong trào; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp, lề lối làm việc theo hướng khoa học, hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Hội làm việc "Tận tâm, chuyên nghiệp, hiệu quả, nhân văn” trong môi trường số hóa năng động, đổi mới, điều hành thông minh; thấm nhuần và lan tỏa các giá trị cốt lõi của tổ chức Hội "Đoàn kết, nhân văn, sáng tạo, khát vọng và phát triển” đến cán bộ, hội viên, phụ nữ.

P.V : Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/300268/chu-tich-hoi-phu-nu-co-so-gioi---niem-tu-hao-cua-chi-em-co-so.aspx