Chủ tịch Fed tuyên bố chưa sẵn sàng giảm lãi suất vào tháng 3

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố, Fed chưa cảm thấy an tâm với quỹ đạo của lạm phát để giảm lãi suất vào tháng 3. Phát biểu của ông được đưa ra sau khi cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, quyết định giữ nguyên biên độ lãi suất 5,25 – 5,5%.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, Mỹ hôm 31-1. Ảnh: Yahoo Finance

“Thời điểm giảm lãi suất đầu tiên có liên quan đến việc chúng tôi ngày càng tin tưởng rằng, lạm phát đang trên đà giảm bền vững xuống mức 2%. Tôi không nghĩ có khả năng các quan chức Fed sẽ đạt được mức độ tin cậy đó vào thời điểm diễn ra cuộc họp chính sách tháng 3”, ông Powell tại cuộc họp báo ở Washington hôm 31-1.

Người đứng đầu Fed nói thêm, đợt giảm lãi suất có thể sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Ông cũng từ chối cam kết thực hiện một loạt đợt giảm lãi suất sau khi Fed thực hiện động thái đầu tiên, nói rằng điều đó “sẽ phụ thuộc vào dữ liệu”.

Ông cũng nhấn mạnh, Mỹ vẫn chưa đạt được “cuộc hạ cánh mềm”, đề cập đến kịch bản trong đó, nền kinh tế kiểm soát thành công lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế. “Chúng tôi chưa tuyên bố chiến thắng (lạm phát) vào thời điểm này”, ông nói.

Sau hai ngày họp kết thúc hôm 31-1, FOMC đi đến quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện tại lần thứ tư liên tiếp. Tuyên bố chính sách của FOMC gồm một số thông điệp cho thấy Fed đang loại bỏ khả năng tăng thêm lãi suất thêm nhưng vẫn chưa sẵn sàng cắt giảm.

Fed đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3-2022 trong nỗ lực ghìm tốc độ lạm phát nhanh nhất trong nhiều thập niên. Kể từ đó, đà tăng giá cả đã giảm bớt đáng kể, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed. Điều đó có nghĩa là Fed sẽ giảm lãi suất vào năm 2024, điều mà các quan chức Fed đã dự kiến vào tháng trước. Nhưng tuyên bố chính sách mới nhất của FOMC đã đẩy lùi kỳ vọng về đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3.

“FOMC không kỳ vọng sẽ giảm biên độ lãi suất hiện nay cho đến khi có được niềm tin lớn hơn rằng, lạm phát đang di chuyển bền vững về mức 2%”, tuyên bố cho biết.

Chứng khoán Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong phiên giao dịch hôm 31-1 khi ông Powell làm tiêu tan hy vọng của các nhà đâu tư muốn Fed hạ lãi suất sớm hơn, trước khi xảy ra suy thoái kinh tế. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones có lúc mất 300 điểm.

“Fed đã bị thiệt hại uy tín nặng nề vào cuối năm 2021 và 2022 khi nhận định lạm phát cao chỉ là nhất thời, để rồi bất ngờ khi giá cả tăng cao hơn và dai dẳng hơn dự kiến. Giờ đây, Fed muốn tránh mắc sai lầm tương tự lần nữa”, Bill Adams, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Comerica, bình luận. Adams cho rằng, Fed sẽ chờ đợi để kích hoạt giảm lãi suất cho đến khi nhìn thấy rõ lạm phát giảm về mức mục tiêu 2%.

Hai cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 20-3 và ngày 1-5. Trong những tháng gần đây, nhà đầu tư và nhà chiến lược ở Phố Wall kỳ vọng Fed sẽ tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên tại một trong hai cuộc họp này khi lạm phát tiếp tục giảm và tăng trưởng việc làm chậm lại. .

Câu hỏi lớn đặt ra đối với Fed là thời điểm nào sẽ thích hợp để bắt đầu giảm lãi suất? Sẽ có những hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ nếu Fed giảm lãi suất quá sớm hoặc giảm quá muộn.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yếu thích của Fed, được cập nhật vào gần cuối mỗi tháng. Có thể chỉ có một lần cập nhật chỉ số PCE nữa trước cuộc họp tháng 3 của Fed, nhưng sẽ có thêm ba lần nữa trước cuộc họp tháng 5. Cũng sẽ có thêm ba báo cáo việc làm liên bang được công bố trước cuộc họp tháng 5, trong khi đó, báo cáo việc làm của tháng 1 sẽ được công bố vào tuần này này. Fed có thể căn cứ vào các dữ liệu này để cân nhắc thời điểm hạ lãi suất.

Subadra Rajappa, người đứng đầu chiến lược lãi suất của Mỹ của ngân Socíeté Générale, nhận định, nền kinh tế Mỹ dường như đang hướng tới một kịch bản hạ cánh mềm. “Nhưng thị trường đã định giá việc Fec giảm lãi suất 150 điểm cơ trong năm nay. Điều này khiến các điều kiện tài chính nới lỏng đáng kể, có khả năng buộc Fed phải trì hoãn thời điểm của bất kỳ hình thức bình thường hóa chính sách tiền tệ nào”, Rajappa nói.

Trả lời câu hỏi của CNN, ông Powell nói, các quan chức Fed nhận thấy rằng nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh dần lên dựa trên nhận xét từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan khác.

Các quan chức Fed nhiều lần nói rằng, họ có thể cần phải chứng kiến “tăng trưởng dưới xu hướng” để đảm bảo rằng lạm phát đang trên đà tiến tới mức 2%. Các nhà kinh tế và quan chức cho rằng, sự chậm lại của lạm phát trong những năm gần đây là do những thay đổi từ từ phía nguồn cung, chẳng hạn như những cải thiện trong chuỗi cung ứng. Điều đó có nghĩa là chặng cuối trong cuộc chiến chống lạm phát Fed cần phải được hỗ trợ bởi nhu cầu suy yếu, vốn vẫn đang tăng mạnh.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,3% được điều chỉnh theo lạm phát và theo mùa trong quí 4, đánh dấu một năm tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Tương tự, thị trường việc làm vẫn đang sôi động cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 3,7%. Tăng trưởng và tuyển dụng chậm hơn có thể sẽ giúp giảm lạm phát hơn nữa.

Ông Powel lưu ý, Fed thực sự có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến nếu “nhận thấy sự suy yếu bất ngờ ở thị trường lao động”.

Theo CNBC, CNN

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chu-tich-fed-tuyen-bo-chua-san-sang-giam-lai-suat-vao-thang-3/