Chư Păh đẩy mạnh công tác kết nghĩa với làng dân tộc thiểu số

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, huyện Chư Păh đã chú trọng triển khai công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hoạt động này nhằm thắt chặt tình đoàn kết, giúp các làng DTTS từng bước phát triển về mọi mặt.

Mới đây, huyện Chư Păh đã phân công 30 cơ quan, đơn vị tổ chức kết nghĩa với 30 làng đồng bào DTTS tại 12 xã, thị trấn. Các cơ quan, ban, ngành của huyện được phân công phụ trách kết nghĩa với các làng đã tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, chuyên canh, tăng vụ để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; tham gia hỗ trợ các chi hội, tổ hội nghề nghiệp để tạo ra sản phẩm có chất lượng, ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất đai; nắm bắt thực tế đời sống và nhà ở của từng hộ dân trong làng kết nghĩa. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị phối hợp với các làng vận động người dân đưa con em trong độ tuổi đến trường; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe, khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, hướng dẫn các làng nâng cao chất lượng phong trào tự quản, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và các chính sách an sinh xã hội.

Văn phòng Huyện ủy Chư Păh kết nghĩa với làng Mor, xã Đăk Tơ Ver. Ảnh: K.P

Văn phòng Huyện ủy Chư Păh kết nghĩa với làng Mor, xã Đăk Tơ Ver. Ảnh: K.P

Kon Băh là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã Hà Tây vừa tổ chức kết nghĩa với Ban Dân vận Huyện ủy Chư Păh. Làng có 137 hộ với 1.131 khẩu, trong đó, 128 hộ là người dân tộc Bahnar. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện làng còn 34 hộ nghèo (chiếm 24,8%) và 36 hộ cận nghèo (chiếm 26,3%).

Ông Thưuh-Bí thư Chi bộ làng Kon Băh-chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi được kết nghĩa với Ban Dân vận Huyện ủy. Hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp. Do điều kiện đất đai cằn cỗi, không có nước tưới, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, bà con canh tác theo kiểu truyền thống, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác còn hạn chế, chưa có cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn”.

Còn bà Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-thông tin: “Thực hiện Kế hoạch số 138-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tổ chức kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS, các cơ quan, đơn vị cùng các xã, thị trấn và làng kết nghĩa vận động người dân không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Lâm nghiệp; hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải trong dân, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, không để xảy ra khiếu kiện hay “điểm nóng”. Tập trung tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, giúp bà con về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa tích cực vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.

Liên quan đến công tác kết nghĩa, ông Nguyễn Đức Minh-Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây-cho biết: “Việc kết nghĩa nhằm xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ giữa Ban Dân vận Huyện ủy và làng Kon Băh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; hướng dẫn, huy động nguồn lực giúp bà con trong làng từng bước phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Bên cạnh đó, thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Ban Dân vận Huyện ủy và làng Kon Băh; qua đó nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của người dân trong làng, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh tại cơ sở”.

Công tác kết nghĩa nhằm tăng cường khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: K.P

Công tác kết nghĩa nhằm tăng cường khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: K.P

Tương tự, làng Bui (xã Nghĩa Hưng) cũng vừa kết nghĩa với Hội Nông dân huyện. Ông Võ Xuân Bảo-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-chia sẻ: “Với chủ trương huyện nắm thôn, làng, xã nắm từng hộ dân để đi sâu và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, yếu kém, có giải pháp hỗ trợ địa phương từng bước khắc phục những tồn tại, khó khăn, Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân làng Bui thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Hội tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong làng về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cây-con giống để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Trao đổi với P.V, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Quang Trường cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Păh đã ban hành Kế hoạch số 138-KH/HU về việc tổ chức kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Theo đó, các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách kết nghĩa đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, xác định các nội dung công việc cần phối hợp thực hiện đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp để giúp đỡ các thôn, làng. Huyện sẽ thường xuyên đôn đốc, theo dõi và đánh giá kết quả công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các thôn, làng đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, phát huy truyền thống tương thân tương ái, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-pah-day-manh-cong-tac-ket-nghia-voi-lang-dan-toc-thieu-so-post277461.html