Chủ nhiệm của nông dân nghèo

Hơn 25 năm làm Chủ nhiệm, nay là Chủ tịch Hội đồng Quản trị hợp tác xã (HTX), cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Định ở tổ dân phố 5, thị trấn Ea Tlinh, huyện biên giới Cư Jút, tỉnh Đắk Nông luôn gắn bó với nông dân nghèo. Tâm trí ông lúc nào cũng nghĩ suy tìm ra cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho xã viên, hộ nông dân liên kết. Trong hành trình ấy, ông trở thành người tiên phong đưa cây gấc lên vùng đất Nam Tây Nguyên, mở hướng thoát nghèo cho nông dân.

Nghĩa tình đồng đội

Mở đầu câu chuyện, CCB Trần Văn Định, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà (địa chỉ tại tổ dân phố 5, thị trấn Ea Tlinh), nói vui: “Tớ là nông dân nên thành lập HTX cũng là HTX của nông dân đấy!”.

CCB Trần Văn Định sinh năm 1956 ở xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Kế tục truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, 3 anh em trai ông đều lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông nhập ngũ tháng 2-1975, sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, được biên chế về Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 131 (Bộ tư lệnh Hải quân), nay là Lữ đoàn 131. Sau hơn 7 năm phục vụ trong quân ngũ, ông phục viên, trở về quê hương.

CCB Trần Văn Định tâm sự: “Những năm tháng trong quân ngũ đã bồi đắp cho tôi tình yêu thương, tinh thần gắn bó với đồng chí, đồng đội cùng ý chí quyết tâm vượt khó. Bản thân tôi cũng muốn được phục vụ Quân đội lâu dài, nhưng vì trước đây điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, tôi chỉ học hết lớp 7. Chính những năm tháng trong môi trường Quân đội đã rèn luyện tinh thần, nghị lực để "tiếp sức" cho tôi trong suốt hành trình lập nghiệp sau này!”.

CCB Trần Văn Định (bên trái) trao đổi với đồng chí Nguyễn Đình Thành, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông về kỹ thuật chăm sóc cây gấc trong kỳ ra quả.

CCB Trần Văn Định (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn hộ Lãnh Văn Thiện ở thôn 2, xã Đắk Wil, huyện Cư Dút, tỉnh Đắk Nông kỹ thuật tỉa bỏ cành tăm trên dàn gấc

Trở về quê, năm 1983, CCB Trần Văn Định lập gia đình với bà Lại Thị Điệt cùng quê Hải Hậu. Cuối năm 1988, ông cùng vợ và hai con gái đầu rời quê vào huyện biên giới Cư Jút, tỉnh Đắk Lắk (từ năm 2004, sau khi chia tách, huyện Cư Jút thuộc tỉnh Đắk Nông) để xây dựng kinh tế mới.

Nói về cơ duyên đưa gia đình ông đến Tây Nguyên, CCB Trần Văn Định tâm sự: “Chính nghĩa tình gắn bó đồng chí, đồng đội trong thời gian quân ngũ đã đưa tôi đến vùng đất Tây Nguyên để mở ra trang mới cho cuộc đời”. Chuyện là, đầu năm 1988, CCB Trần Văn Định vào huyện Cư Jút thăm CCB Nguyễn Văn Láng-người bạn thân cùng quê, nhập ngũ cùng đợt và cả hai là chiến sĩ của Trung đoàn 131. Trước đó, ông Láng cùng gia đình vào lập nghiệp trên quê hương mới Đắk Lắk. Thấy gia đình ông Láng làm ăn thuận lợi, lại được đồng đội khích lệ nên ngay sau khi trở về Nam Định, CCB Trần Văn Định quyết định đưa vợ con vào Đắk Lắk lập nghiệp.

Gia đình CCB Trần Văn Định rời quê cũ với vốn liếng vỏn vẹn 4 chỉ vàng. Vào Tây Nguyên, gia đình ông mua ngay 5 sào rẫy để trồng đậu, bắp và dựng nhà tạm. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa làm để có cái ăn, đồng thời tiết kiệm, tích cóp dần dần, mỗi năm vợ chồng ông mua thêm vài ba sào đất rẫy. Hơn chục năm sau, CCB Trần Văn Định đã có trong tay 3ha đất ao, vườn, đất ở và 7ha đất trồng điều.

Với tài sản 10ha đất của gia đình, CCB Trần Văn Định tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động là con em CCB ở địa phương, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Có thu nhập ổn định, vợ chồng ông nuôi 5 con (3 gái, 2 trai) ăn học nên người. Hiện nay, các con của ông đều có trình độ đại học, công việc và thu nhập ổn định.

Tiên phong đưa cây gấc lên Tây Nguyên

Không chỉ làm giàu và chăm lo hạnh phúc cho gia đình mình, CCB Trần Văn Định còn dành sự quan tâm tới đồng chí, đồng đội-những gia đình CCB, hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn bằng những việc làm thiết thực. Và ông chính là người tiên phong đưa cây gấc phát triển trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

Năm 1998, CCB Trần Văn Định đứng ra thành lập HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà, với 8 thành viên chủ yếu là gia đình CCB có quê gốc ở hai tỉnh Hà Nam và Nam Định, đang làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vốn góp vào HTX của xã viên chính là diện tích đất canh tác của từng hộ, bình quân khoảng 1ha/hộ. Giai đoạn từ năm 1988 đến năm 2014, HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà chỉ trồng các loại cây trên giàn, như bầu, bí, mướp và chăn nuôi gà, heo. Nông sản do xã viên HTX làm ra tiêu thụ trên thị trường tự do, vì vậy giá cả bấp bênh, thu nhập của người lao động không ổn định...

Với cương vị người đứng đầu HTX, CCB Trần Văn Định bạc tóc nghĩ suy, trăn trở. Ông bỏ công nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Nam Tây Nguyên xem có thuận lợi, khó khăn gì đối với phát triển nông nghiệp. Năm 2014, tình cờ sau một lần đọc thông tin, tài liệu trên internet, thấy Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) do bác sĩ quân y-doanh nhân Nguyễn Công Suất làm Giám đốc sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ việc trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ cây gấc, CCB Trần Văn Định đã ra tận tỉnh Hưng Yên để tìm hiểu về vùng nguyên liệu cây gấc. Ngay trong chuyến đi đó, ông quyết định ký kết phát triển vùng nguyên liệu cho Công ty VNPOFOOD tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, mở ra hướng phát triển mới cho HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà.

Năm 2015, CCB Trần Văn Định cùng hai hộ xã viên là Đào Thị Chính và Phạm Quang Huy ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) trồng thí điểm 7 sào gấc, cho kết quả rất khả quan. Ngay trong năm đầu, vườn gấc cho thu hoạch 3 tạ/sào, sang năm thứ hai là 2,5 tấn/sào. Từ năm thứ tư, khi cây gấc bước vào chu kỳ cho năng suất cao nhất có thể đạt 35-40 tấn/ha, với giá thu mua 7.000 đồng/kg thì doanh thu đạt khoảng 280 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, đầu tư cho vườn gấc chỉ tốn kém trong năm đầu tiên khi làm trụ xi măng và giăng dàn dây kẽm, với chi phí khoảng 120 triệu đồng/ha. Chu kỳ kinh doanh của cây gấc kéo dài hơn 30 năm. CCB Trần Văn Định quả quyết: “Một đời người vừa đủ trồng một đời gấc. Hiếm có cây trồng nào lại tốn ít chi phí đầu tư, công lao động như cây gấc. Cây gấc kháng dịch tốt, có các chất lycopen và beta carotene gấp 70 lần cà chua, có khả năng chống oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa, giúp ngăn chặn các bệnh mãn tính và ngăn chặn được 75% các chất gây bệnh ung thư. Ngoài ra, dầu gấc còn có thể điều trị bệnh tiểu đường, các bệnh về gan, mật, dạ dày, tá tràng... và dùng để chế tạo mỹ phẩm, chế biến thực phẩm. Thực tế cho thấy, sản phẩm từ gấc Việt Nam được các nước nhập khẩu về bán với giá cao hơn rất nhiều giá ta xuất cho bạn. Các nhà khoa học trên thế giới còn tôn vinh gấc Việt Nam là loại quả sạch nhất thế giới vì sinh trưởng trên dàn cao, vỏ quả dày có khả năng ngăn ngừa các chất bẩn và ô nhiễm!”.

Đưa thành công cây gấc lên Tây Nguyên, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, CCB Trần Văn Định đã chuyển hẳn việc sản xuất, kinh doanh của HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà sang trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ gấc. Xuất phát với 7 sào gấc trồng thí điểm năm 2015, đến nay vùng nguyên liệu gấc của HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà đã lên tới 150ha, tạo việc làm cho hơn 300 lao động, tập trung ở các huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô (Đắk Nông), Ea Kar và Buôn Đôn (Đắk Lắk). Hiện tại, ngoài 8 xã viên chính thức, HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà kết nạp hơn 300 nông hộ là thành viên liên kết sản xuất ở vùng nguyên liệu. Với 150ha hiện có, năng suất bình quân 20-30 tấn quả/ha, mỗi năm sản lượng gấc của HTX đạt 3.000 tấn, doanh thu của xã viên và nông hộ đạt hơn 21 tỷ đồng.

Hướng đến nông dân là người dân tộc thiểu số, gia đình CCB nghèo, trong các năm 2022 và 2023, CCB Trần Văn Định còn huy động các nguồn tài trợ để trao tặng vốn đầu tư ban đầu cho bà con phát triển vườn gấc. Cụ thể, năm 2022, ông vận động hỗ trợ 53 hộ nghèo của xã biên giới Đắk Wil (Cư Jút) số tiền hơn 800 triệu đồng để đầu tư trồng 30ha gấc; năm 2023, tiếp tục vận động 640 triệu đồng hỗ trợ 32 hộ nông dân xã Cư Knia (Cư Jút), bình quân mỗi hộ 20 triệu đồng đầu tư trồng gấc. Bằng cách làm này, những năm tới đây, HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà xác định mở rộng vùng nguyên liệu gấc lên 400ha, bảo đảm việc làm ổn định cho 800 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và con em gia đình CCB ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.

Cùng CCB Trần Văn Định và đồng chí Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Wil về thăm vùng nguyên liệu gấc ở xã biên giới, chúng tôi thấy cuộc sống của bà con nơi đây đã đổi thay nhiều. Mọi người kể nhiều về CCB Trần Văn Định và cho biết sẽ yên tâm gắn bó với HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà. Bởi, ngoài được hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu để trồng 1-2 sào gấc/hộ, bà con còn được HTX bao tiêu sản phẩm đầu ra, cung ứng vật tư đầu vào, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Các hộ nghèo còn được đầu tư ứng trước phân bón. Nhờ vậy, trong số 300 hộ nông dân đang liên kết trồng gấc với HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà, những năm gần đây, mỗi năm có từ 15 đến 20 hộ thoát nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thiệp tâm đắc: “Việc CCB Trần Văn Định đưa cây gấc phát triển ở vùng đất Đắk Wil đã góp phần cùng địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Cây gấc đã chứng minh giá trị kinh tế hơn hẳn các loại cây trồng khác. Gấc chính là cây xóa nghèo của nông dân người dân tộc thiểu số!”.

Không chỉ phát triển mở rộng vùng nguyên liệu, năm 2017, CCB Trần Văn Định cùng xã viên HTX còn đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ gấc, có công suất chế biến 8.000 tấn quả/năm, bảo đảm tiêu thụ sản lượng cho 400ha. Ngoài màng gấc sấy khô, sản phẩm chế biến từ nhà máy còn có dầu gấc, bún gấc, bánh tráng, hủ tiếu gấc... được tiêu thụ ở các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, CCB Trần Văn Định đang nghiên cứu mở hướng tiêu thụ sản phẩm từ gấc sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. CCB Trần Văn Định xứng đáng là “Chủ nhiệm của nông dân nghèo”.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/chu-nhiem-cua-nong-dan-ngheo-743396