Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Xã Chư Gu hiện có 1.883 hộ dân với 8.176 nhân khẩu, trong đó hộ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 75%. Để giảm nghèo bền vững, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo và đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: đưa việc thực hiện công tác giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá xếp loại thôn buôn, đoàn thể, cán bộ, đảng viên hàng năm. Bên cạnh đó, xã phân công đảng viên, cán bộ công chức xã, Mặt trận, hội, đoàn thể trực tiếp phối hợp hỗ trợ các thôn, buôn theo địa chỉ cụ thể với cách thức, mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo.

Người dân buôn Chư Jut tạc tượng để đưa đi thi ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa năm 2024. Ảnh: Lê Nam

Buôn Chư Jút được sáp nhập từ 3 thôn, buôn gồm: thôn Kiến Xương, buôn Bát và buôn Đuk. Buôn Chư Jut có 391 hộ với hơn 1.642 nhân khẩu, trong đó người Jrai có chiếm khoảng 64%. Người dân trong buôn chủ yếu sản xuất lúa nước, mì, bắp, điều, thuốc lá và phát triển chăn nuôi bò, dê. Năm 2023, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên đã có 4 hộ được thoát nghèo gồm: gia đình ông Rcom Thuyết, Ksor Soa, Nay Thuế và gia đình bà Vũ Thị Cúc. Ông Ksor Khuân-Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Chư Jut-cho hay: “Hiện nay, trong buôn còn 31 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo. Năm 2024, chúng tôi tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền và lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để giúp người dân thoát nghèo và phấn đấu giảm 16 hộ nghèo”.

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Nhà đông con lại ít đất sản xuất nên gia đình anh Nay Thuế-chị Siu H’Mơt (buôn Chư Jut) nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn, con cái không được học hành đến nơi đến chốn. Anh Nay Thuế kể: Vợ chồng anh lấy nhau hơn 20 năm và sinh được 9 người con, trong đó đứa lớn nhất 20 tuổi, còn đứa nhỏ nhất mới hơn 3 tháng tuổi. Trong khi đó, đất sản xuất ít, chỉ có hơn 0,7 ha trồng mì nên thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Để nuôi con cái vợ chồng anh phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Cách đây hơn 2 năm, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và giới thiệu anh Thuế đã đi làm công nhân ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mỗi tháng cũng kiếm được 8-10 triệu đồng gửi về cho gia đình. Cuối năm 2023, gia đình anh đã thoát được nghèo. "Sau khi đi làm công nhân, gom góp được ít tiền tôi về và đã làm được ngôi nhà sàn khang trang với chi phí 70 triệu đồng tiền công, tiền mua tôn lợp, còn lại gỗ gia đình tự gom góp được. Ngoài ra, với 0,7 ha đất vụ này gia đình cũng mạnh dạn chuyển sang trồng cây thuốc là thấy cũng hiệu quả. Dự kiến thu được hơn 1,5 tấn, với giá các đại lý thu mua 65-80 ngàn đồng/kg tùy từng loại lá thuốc, thì sau khi trừ chi phí đầu tư cũng thu lợi nhuận 40-50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn phát triển chăn nuôi 5 con bò”-anh Thuế phấn khởi nói.

Vợ chồng anh Nay Thuế-chị Siu H’Mơt (buôn Chư Jut) bên ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, thay vì trông chờ, ỷ lại như trước kia, vài năm trở lại đây, nhờ được sự tuyên truyền, vận động của xã, chị Nay H’Tuyên (buôn Chư Bang) đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 50 triệu đồng để mua bò cũng như đầu tư trồng mì. Chị Nay H’Tuyên-chia sẻ: “Hiện nay nhà tôi có 1 ha mì, 5 con bò, 2 sào lúa nước. Cũng may mắn là được chính quyền xã, cán bộ buôn động viên và được vay vốn ngân hàng để đầu tư nên sản xuất hiệu quả hơn, kinh tế gia đình cũng tạm ổn”. Theo ông Ksor Da-Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Chư Bang: “Thời gian qua, từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi, triển khai đến người dân. Vận động các hộ nghèo động viên con em đi học nghề, đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp và dần thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển đổi cây trồng. Năm 2023, trong buôn có 10 hộ vươn lên thoát nghèo”.

Cây thuốc là giúp người dân xã Chư Gu phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Ksor Nhối-Chủ tịch UBND xã Chư Gu cho biết: Từ các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi địa phương đã triển khai cụ thể xuống từng thôn buôn, từng hộ dân. Trong đó tập trung hỗ trợ các hộ làm nhà ở, sửa nhà, hỗ trợ cây, con giống, tập huấn kiến thức sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân; vận động nhân dân đi làm công nhân... Nhờ đó, năm 2023, Chư Gu có 78 hộ dân thoát nghèo và 62 hộ thoát cận nghèo. Hiện nay, toàn xã còn 190 hộ nghèo và xã đặt mục tiêu phấn đấu giảm hơn 90 hộ nghèo vào cuối năm 2024.

“Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, tập trung phát triển cây thuốc lá. Tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2024 xã Chư Gu đạt chuẩn nông thôn mới”-Chủ tịch UBND xã thông tin thêm.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-gu-chu-trong-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-post274470.html