Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Sáng 7-3, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và phòng thủ dân sự (PTDS) của lực lượng Công an nhân dân (CAND) năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT, TKCN và PTDS Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện UBND các tỉnh, thành phố, Công an các đơn vị, địa phương. Đại tá Trần Đình Liên - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì tại điểm cầu Công an TP Đà Nẵng cùng với sự tham gia của lãnh đạo các phòng ban liên quan.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Thiên tai phức tạp

Trên phạm vi cả nước, thiên tai xảy ra trên hầu hết các vùng miền, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Tính đến ngày 20-12-2022, cả nước đã bị ảnh hưởng bởi 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 300 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 256 trận giông lốc, sét, 190 vụ sạt lở bờ sông, triều cường, 264 trận động đất, 12 trận gió mạnh trên biển, 2 đợt rét đậm, rét hại. Tổng thiệt hại về người là 175 người chết, mất tích, 300 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế ước đạt hơn 19 ngàn tỷ đồng, trong đó tài sản của lực lượng Công an đã thiệt hại ước tính hơn 54 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an các địa phương đã xuất 14.295 lượt phương tiện và 87.441 lượt cán bộ chiến sĩ, trực tiếp hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, cứu được 2.190 người bị mắc kẹt, tìm được 842 thi thể người bị nạn, tổ chức di chuyển tài sản và cứu được tài sản trị giá 534,37 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã kiểm tra, phát hiện 31.517 vụ với 32.595 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, khởi tố, đề nghị khởi tố 591 vụ với 763 đối tượng…

Lực lượng CAND đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; lần đầu tiên cử Đoàn công tác tới làm nhiệm vụ quốc tế tại một khu vực xảy ra thảm họa ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ sau thảm họa động đất, nhận được sự tin yêu và quý mến của người dân và chính quyền sở tại. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa lực lượng CAND và các cơ quan, ban, ngành, nhất là đối với lực lượng Quân đội nhân dân trong phòng, chống thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được thực hiện thường xuyên, hiệu quả...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của toàn bộ lực lượng CAND, thực tế phòng chống thiên tai cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại như lực lượng chuyên trách phải kiêm nhiệm nên vẫn còn hạn chế; kinh phí, phương tiện, vật tư chưa đáp ứng kịp với diễn biến ngày càng phức tạp khó lường của thiên tai; đặc biệt, khi có tình huống thiên tai bất thường, hậu quả nghiêm trọng, quy mô lớn thì lực lượng, phương tiện tại chỗ của Công an các địa phương chưa đủ để đáp ứng yêu cầu.

Tại Hội nghị, đại diện UBND các tỉnh, thành phố, Công an các đơn vị, địa phương cũng nêu rõ thực trạng; nêu những tồn tại, hạn chế và đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT, TKCN và PTDS. Nhân dịp này, Bộ Công an tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 17 cá nhân. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đã trao Bằng khen tặng 3 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến- Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao kết quả đã đạt được của Công an các địa phương. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến yêu cầu, lực lượng Công an các cấp cần cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, triển khai đảm bảo ANTT trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai; chủ động xây dựng và kịp thời triển khai các phương án, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa bàn để phát huy tốt nhất vai trò xung kích. Đặc biệt, năng lực phòng, chống thiên tai trong lực lượng CAND phải ngày càng được nâng cao thông qua các lớp đào tạo, lớp kỹ năng. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về hình ảnh lực lượng CAND trong quá trình phòng chống thiên tai phải được đẩy mạnh, tạo tiếng vang tốt trong lòng nhân dân, trở thành tấm gương sáng trong lực lượng Công an. Các vấn đề về kinh phí, chế độ, khen thưởng cũng phải được quan tâm, tạo động lực, trang bị phù hợp cho các cán bộ chiến sĩ trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT, TKCN và PTDS…

Đại tá Trần Đình Liên chủ trì tại điểm cầu Công an TP Đà Nẵng.

Đại tá Trần Đình Liên chủ trì tại điểm cầu Công an TP Đà Nẵng.

Công an TP Đà Nẵng nỗ lực phòng chống thiên tai

Năm 2022, tình hình thiên tai trên địa bàn Đà Nẵng diễn biến hết sức phức tạp, trực tiếp chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới, các đợt mưa lớn gây ngập úng, lũ, lụt tại nhiều khu vực. Lực lượng Công an TP Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan thực hiện di dời hơn 21.655 hộ dân, 75.598 nhân khẩu, công nhân, sinh viên,... sinh sống trong các nhà cấp bốn, nhà trọ, nhà tạm, công trình có nguy cơ bị tốc mái, sập đổ... Ngoài ra, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã cùng với Cảng vụ Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và các đơn vị liên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn 1.065 tàu, thuyền di chuyển vào vị trí neo đậu tránh bão an toàn, tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở 78.959 khách du lịch đang lưu trú trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm các quy định về PCTT, tổ chức tìm kiếm, CNCH, đưa hơn 5.115 người dân tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nhà, công trình tốc mái, sập đổ trong thời gian xảy ra bão, lũ, lụt đến nơi tránh trú an toàn. Đặc biệt, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức xử lý, cưa, cắt, dọn dẹp cây xanh, trụ điện, tôn, bảng hiệu ngã đổ,... đảm bảo giao thông thông suốt sau thiên tai, bão, lũ; chốt chặn, tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, nhắc nhở người không đi lại tại các khu vực nguy hiểm gió lớn, sạt lở, ngập nước; huy động 100% máy bơm hút nước chống ngập tại các khu vực ngập cục bộ, hầm chui, tầng hầm như hầm chui Điện Biên Phủ, cầu Trần Thị Lý, tầng hầm Tòa nhà Trung tâm hành chính, Bệnh viện 199, Công viên APEC, Viện tim mạch Đà Nẵng,...

Lực lượng Công an TP Đà Nẵng tham gia diễn tập cứu nạn cứu hộ tại Âu thuyền Thọ Quang.

Lực lượng Công an TP Đà Nẵng tham gia diễn tập cứu nạn cứu hộ tại Âu thuyền Thọ Quang.

Riêng tại đợt mưa, lũ, lụt lịch sử ngày 14-10-2022, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo tất cả các lực lượng, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an phường, xã tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ ứng cứu hàng trăm tình huống với hàng ngàn người dân mắc kẹt, gặp tai nạn, sự cố ngay trong đêm do nước dâng cao, chảy xiết tại các khu vực, quán triệt tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, được nhân dân hết mực ghi nhận, Bộ Công an, UBND TP đánh giá cao và khen thưởng. Công an TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam 3 đối tượng với tội danh “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” liên quan đến công tác nạo vét bùn hệ thống cống thoát nước năm 2021, gây nên tình trạng ngập nước trong các đợt mưa lớn trên địa bàn quận Cẩm Lệ, xây dựng Bản đồ cảnh báo ngập nước, sạt lở trên địa bàn Đà Nẵng hỗ trợ người dân trong quá trình đi lại, chủ động tránh trú an toàn khi xảy ra thiên tai, bão, lụt.

Lê Anh Tuấn

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan-post274308.html