Chủ động trong thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm

Sáng ngày 28/2, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang chủ trì cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ tháng 3 năm 2024.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/2, có 42/50 đơn vị (gồm 30 sở, ban, ngành tỉnh và 12 UBND cấp huyện) đã ban hành văn bản triển khai Quyết định số 46/QĐ-UBND-HC của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI năm 2024 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại cuộc họp

Đối với tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, tổng số kế hoạch đầu tư công của tỉnh là 6.677,677 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2023 đã phân bổ chi tiết 6.501,677 tỷ đồng, đạt 97,36% so với kế hoạch. Số vốn còn lại đang rà soát phân bổ (đợt 2) là 176 tỷ đồng. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, kết quả giải ngân đến ngày 15/2 là 937,078 tỷ đồng, đạt 14,03% và đạt 14,41% so với Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 1,08% so với cùng kỳ.

Về phát triển doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chủ trương "đồng hành cùng doanh nghiệp". Tính đến ngày 26/2, có 101 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 489,06 tỷ đồng, đạt gần 16% kế hoạch; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 2 dự án đầu tư tư nhân.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra theo kế hoạch, nông, thủy sản tiêu thụ thuận lợi. Vụ lúa đông xuân xuống giống 189.071ha, đạt 100% so với kế hoạch; tiến hành thu hoạch 26,5% diện tích xuống giống, với sản lượng hơn 345.000 tấn, năng suất bình quân đạt 68,9 tạ/ha. So với cùng kỳ năm 2023, giá thành sản xuất giảm 213 - 559 đồng/kg, lợi nhuận tăng 18,7 - 24,6 triệu đồng/ha. Tình hình nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì. Diện tích thả nuôi đến 15/2 là 2.610ha; tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 88.448 tấn. Trong tháng 2, tình hình tiêu thụ, giá bán cá tra tăng so với tháng trước, do các doanh nghiệp thu mua cá tra nhằm phục vụ cho các đơn hàng đầu năm 2024.

Do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 2 trầm lắng hơn những tháng trong năm. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng trưởng 5,79% so với cùng kỳ năm 2023, có 7 sản phẩm chủ lực tăng trưởng.

Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh

Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 ước đạt 11.216 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Với tín hiệu khởi sắc từ thị trường, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt gần 230 triệu USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 16,4% so với kế hoạch.

Tại cuộc họp, đại diện các ngành còn thông tin về tình hình công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, cung cầu lao động và giải quyết việc làm cho lao động; tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh của địa phương; triển khai thực hiện các công trình giao thông trọng điểm…

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao tinh thần chủ động ngay từ đầu năm của các ngành, địa phương về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2024. Qua đó góp phần đưa kinh tế xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong tháng 3 được nhận định có nhiều chuyển biến tích cực hơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương vào cuộc mạnh mẽ, đánh giá, khai thác thế mạnh, tiềm năng của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời xây dựng, cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo từng tháng, từng quý để theo dõi, thực hiện, đánh giá.

Trong phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành hữu quan, địa phương tập trung các giải pháp hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ lúa đông xuân năm 2023 - 2024 và xuống giống vụ hè thu theo kế hoạch. Triển khai công tác phòng, chống hạn và cháy nổ trong mùa khô; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Quan tâm phát triển thủy sản, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP.

Đồng thời, các ngành, địa phương cần phối hợp trong việc tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lắng nghe và cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn để khơi thông, gia tăng công suất hoạt động sản xuất. Theo đó, thúc đẩy việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thông xuất khẩu hàng hóa thế mạnh của tỉnh; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cân đối thu - chi ngân sách, tiết kiệm chi; đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Tân Kiều và hoàn thiện phương án xúc tiến đầu tư, chương trình kêu gọi đầu tư...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành hữu quan, địa phương cần quan tâm phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức các lễ hội sớm ngay từ đầu năm; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các chủ trương, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn....

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/chu-dong-trong-thuc-hien-nhiem-vu-ngay-tu-dau-nam-120495.aspx