Chủ động tiêm phòng cho vật nuôi

Thời gian này, các địa phương trong tỉnh đang tập trung cho công tác tiêm phòng vắc-xin đợt 1 năm 2022, mục tiêu đến hết tháng 4 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Cán bộ thú y xã Xuân Giao (Bảo Thắng) tiêm phòng cho vật nuôi.

heo thông báo của thôn về lịch tiêm phòng đợt 1 năm 2022, ông Lù Chẩn Tờ, thôn Sả Chải, xã Pha Long (Mường Khương) đã đưa 3 con trâu của gia đình đến khu đất gần nhà văn hóa thôn để tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm, long móng. Ông Tờ cho biết: Gia đình nuôi trâu đã nhiều năm, trước đây trâu thường bị bệnh lở mồm, long móng, khiến trâu chậm lớn, khó sinh sản, thậm chí có năm trâu bị chết. Từ khi có vắc-xin phòng bệnh lở mồm, long móng, mỗi năm tôi đều tiêm phòng cho đàn trâu đầy đủ.

Với tinh thần khẩn trương, chủ động trong việc tiêm phòng, đến thời điểm hiện tại, xã Pha Long đã hoàn thành hơn 40% kế hoạch tiêm phòng. Không chỉ xã Pha Long mà công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi cũng được huyện Mường Khương chỉ đạo triển khai đồng loạt.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết: Theo kế hoạch, năm 2022, huyện triển khai tiêm 6 loại vắc-xin bắt buộc cho vật nuôi, gồm: Vắc-xin lở mồm, long móng trâu, bò 20.000 liều; vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò 20.000 liều; vắc-xin dịch tả lợn cổ điển và tụ huyết trùng lợn 34.000 liều; vắc-xin dại 5.000 liều; vắc-xin cúm gia cầm 15.000 liều. Để công tác tiêm phòng được hiệu quả, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm Pháp lệnh Thú y, chủ động đưa vật nuôi đến tiêm phòng, phấn đấu đến hết tháng 4, tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% trở lên so với tổng đàn.

Với quan điểm ưu tiên theo thứ tự những xã có số lượng đàn vật nuôi lớn thì tiêm trước, sau đó rút kinh nghiệm cho các xã triển khai tiếp theo, huyện Bảo Thắng cũng đang tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Chất, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng cho biết: Là địa bàn trọng điểm chăn nuôi của tỉnh với hơn 147 nghìn con gia súc, hơn 1,8 triệu con gia cầm (chiếm hơn 35% tổng đàn của tỉnh), huyện đã sớm chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng đàn vật nuôi trong diện phải tiêm và điều động cán bộ thú y các xã thành lập tổ tiêm phòng theo cụm và tiêm theo hình thức cuốn chiếu. Đối với những địa phương có đàn trâu, bò chủ yếu nuôi nhốt thì không tổ chức tiêm tập trung mà cử cán bộ thú y trực tiếp xuống các hộ tiêm.

Toàn tỉnh hiện có hơn 570 nghìn con gia súc và 5 triệu con gia cầm (gà, vịt, ngan). Trong những năm qua, cùng với phát triển đàn gia súc, gia cầm, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi, gồm: Vắc-xin lở mồm, long móng trâu, bò; vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; vắc-xin dịch tả lợn cổ điển và tụ huyết trùng lợn; vắc-xin dại; vắc-xin cúm gia cầm.

Tuy nhiên, với tình trạng chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức phòng, chống dịch bệnh, vẫn còn tình trạng gia súc thả rông, gây khó khăn trong việc thực hiện tiêm phòng theo đợt; một số người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; chưa chủ động đăng ký tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình, dẫn đến công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh khó khăn.

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, đây là điều kiện điển hình để dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan nhanh. Vì vậy, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc các hộ chủ động phối hợp tiêm phòng cho đàn vật nuôi; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ tiêm phòng. Vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua các loại vắc-xin không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo từng độ tuổi…

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh), tiêm phòng vắc-xin nhằm tạo miễn dịch chủ động, đạt tỷ lệ bảo hộ cho đàn gia súc, gia cầm; góp phần phòng bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh truyền lây sang người. Việc tiêm phòng cho vật nuôi được triển khai 2 đợt chính trong năm (đợt 1 từ 20/2 đến 30/4; đợt 2 từ 20/8 đến 30/10). Đồng thời, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm, mới đến tuổi tiêm; gia súc, gia cầm đã khỏi bệnh, mới nhập về; tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch phát sinh.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh là một trong những biện pháp tích cực, chủ động nhất trong phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Ngoài sự nỗ lực từ phía chính quyền, cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi cần nêu cao tinh thần tự giác, tiêm phòng đầy đủ theo quy định để bảo vệ tài sản của gia đình.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355164-chu-dong-tiem-phong-cho-vat-nuoi