Chủ động thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Bước vào cao điểm mùa khô năm 2024, nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang có nguy cơ cháy rất cao. Trong chuyên mục Dân hỏi - Chính quyền trả lời kỳ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn (ảnh) sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình hình dự báo, cũng như công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí cho biết một vài nét chính trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó tỉnh đã sơ kết và triển khai sớm phương án này. UBND tỉnh sẽ tiếp tục phê duyệt 4 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn quốc gia Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng, Ban Quản lý rừng Kiên Giang và Ban Quản lý Lâm trường 422.

Đối với cấp huyện đã phê duyệt 8 phương án và 29 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và các đơn vị thuê môi trường rừng. Ở cấp xã đã rà soát, phê duyệt 34 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Chúng tôi chủ động từ rất sớm cho việc triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tuy nhiên, thời gian qua tỉnh vẫn ghi nhận 15 vụ cháy rừng, trong đó TP. Phú Quốc ghi nhận 13 vụ, huyện Giang Thành 1 vụ và An Minh ghi nhận 1 vụ với diện tích 19,64ha. Các vụ cháy rừng vừa qua phần lớn là tràm nhỏ, dây leo… Chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng phân loại, điều tra 11 vụ cháy để phân loại nguyên nhân, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Hiện có khoảng 30.000ha rừng, chiếm gần 50% diện tích rừng của tỉnh dự báo cháy cấp năm, cấp cực kỳ nguy hiểm.

- Phóng viên: Hiện Vườn quốc gia U Minh Thượng và Vườn quốc gia Phú Quốc, tỉnh triển khai thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng như thế nào?

- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Rút kinh nghiệm ở những giai đoạn trước về phòng cháy, chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các ngành khác trong triển khai thực hiện. Hai đơn vị Vườn quốc gia U Minh Thượng và Vườn quốc gia Phú Quốc được phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng từ rất sớm để tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện; nhất là đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế để sớm khắc phục. Hai đơn vị quản lý rừng đã có những giải pháp, cách làm quyết liệt được tập trung triển khai.

Cụ thể, Vườn quốc gia Phú Quốc có những cách làm mới như dành hơn 600ha để làm đường băng cản lửa, nạo vét các giếng tạo bồn trữ nước chôn ở những nơi trọng yếu phòng khi có cháy xảy ra ở những vùng đồi núi, vùng khó khăn trong vận chuyển nước. Đơn vị phối hợp các ngành chuyên môn thành lập 2 tổ khoảng 90 thành viên, xung kích thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng, thành lập 15 chốt ở các điểm xung yếu, thường xuyên có lực lượng ứng trực kịp thời, phối hợp thông tin, tuyên truyền và quản lý rừng thật tốt, chủ động trong phòng cháy, chữa cháy rừng.

Vườn quốc gia U Minh Thượng đã chủ động nạo vét các kênh, kéo dẫn nước về rừng và bơm cấp đảm bảo mực nước cấp nằm trong vùng đệm với khoảng 8.000ha. Từ đó chủ động nguồn nước ngay từ đầu, từ sớm trước khi mùa hạn kết thúc. Vườn quốc gia U Minh Thượng tạo giếng ở trong các vùng lõi, địa điểm xung yếu để trữ nước, sẵn sàng có nước và dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng. Đơn vị đã cải tạo các trạm bơm, sẵn sàng bơm cấp nước luân phiên trong nội đồng. Đơn vị thành lập 5 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng với hơn 60 cán bộ ứng trực thường xuyên, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tất cả các hoạt động trong rừng.

Một góc Vườn quốc gia U Minh Thượng nhìn từ trên cao.

- Phóng viên:Vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh có những giải pháp gì trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng?

- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Kết quả chúng tôi giữ rừng tới thời điểm này chỉ là kết quả ban đầu, diễn biến sắp tới sẽ còn rất phức tạp cho tới hết mùa khô, nhất là giữa tháng 5. Chúng tôi đã xây dựng kịch bản phòng cháy, chữa cháy rừng. Trường hợp giữa tháng 5 mà không mưa và kéo dài tới tháng 6 thì chúng tôi phải có kịch bản ứng phó.

Ngành tham mưu cụ thể hóa các văn bản, chủ trương về phòng cháy, chữa cháy rừng của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp, đến nay gần như cụ thể hóa xong. Chúng tôi tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với vùng tứ giác Long Xuyên, khi nông dân thu hoạch lúa xong sẽ đốt đồng, chúng tôi đề nghị nông dân khi đốt đồng phải đăng ký với đơn vị quản lý rừng. Đối với khu vực TP. Phú Quốc, chúng tôi có kiến nghị việc đốt rác xung quanh nhà trong các khu vực quanh rừng và các khu vực chúng tôi đang quản lý, chúng tôi phối hợp địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức, cảnh giác phòng, chống cháy rừng của nhân dân.

Chúng tôi đang tập trung nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát, phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các lực lượng với nhau. Đây là công tác thường xuyên, trong đó các chốt canh ở hai vườn quốc gia phải có lực lượng thường xuyên; khoanh vùng các khu vực trọng yếu, nhất là những vùng dự báo cháy ở cấp 5. Chúng tôi hết sức quan tâm việc phối hợp liên ngành để cùng nhau hỗ trợ, trong đó chi cục kiểm lâm phối hợp với các lực lượng trên địa bàn để có sẵn lực lượng tổng hợp, khi xảy ra tình huống cháy là sẵn sàng ứng phó, tương trợ trong phòng, chống cháy rừng.

Chúng tôi rà soát, cập nhật phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được duyệt, liên hệ với các chủ rừng rà soát các biện pháp, giải pháp, cập nhật thêm tình hình, diễn biến thời tiết để cập nhật thêm vào phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị được tốt nhất.

- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!

TÂY HỒ thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/chu-dong-thuc-hien-cac-giai-phap-phong-chay-chua-chay-rung-20046.html