Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân

Hiện nay diện tích các loại cây trồng vụ xuân ở các địa phương cơ bản đã gieo trồng xong và đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển, một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, do diễn biến của thời tiết bất thường, trên một số cây trồng xuất hiện sâu bệnh hại, nên ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng.

Người dân xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) diệt trừ sâu bệnh hại trên trà lúa xuân muộn.

Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp, đến ngày 10/5/2024 tổng diện tích gieo trồng vụ xuân 2024 toàn tỉnh đạt 191.089ha cây hàng năm, đạt 100,05% kế hoạch, tăng 45,3ha so cùng kỳ. Trong đó, cây lúa 114.265,1ha; cây ngô 13.312,5ha; cây lạc 5.912,1ha; rau, đậu các loại 16.710,3ha; mía 14.421,8ha; sắn 11.172ha; cây trồng khác 15.230,4ha. Các địa phương đang tích cực hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng, đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt.

Tuy nhiên, theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, từ ngày 3 đến 8/5 trên trà lúa xuân muộn tại TP Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 với mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, có nơi lên tới 30 - 40con/m2, diện tích nhiễm 10,3ha. Tại các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa... xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ phổ biến 350 - 550 con/m2, cục bộ có nơi 3.000 - 5.000 con/m2 với diện tích nhiễm 43,625ha, diện tích phòng trừ 58ha. Bệnh khô vằn gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng với tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 10%, cao 20 - 30%, cục bộ 60%, với diện tích nhiễm 566,1ha phân bố tại các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Hậu Lộc, Quảng Xương và TP Sầm Sơn.

Ngoài ra, tại một số địa phương xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, bệnh đen lép hạt gây hại trên cây lúa. Ngoài ra, một số diện tích lúa ở các địa phương chuột tiếp tục gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên một số ruộng ven làng, ven đồi, ruộng gần kênh mương ao hồ, gần đường giao thông... với diện tích 66,6ha.

Đối với các loại cây trồng khác, tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc xuất hiện sâu keo mùa thu, bệnh đốm lá nhỏ hại ngô với diện tích nhiễm 7ha. Trên cây mía cũng xuất hiện sâu đục thân, bọ hung đen, bệnh đốm lá nhỏ, bệnh than đen... gây hại tại các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy. Bệnh khảm lá sắn xuất hiện và gây hại trên giống KM94, KM140 phân bố tại các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Triệu Sơn và Cẩm Thủy với diện tích nhiễm 715,95ha.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang triển khai các biện pháp đôn đốc, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vũ Quang Trung, đơn vị thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã phân công cán bộ thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình về cây trồng. Đối với các diện tích lúa đã chín, đôn đốc người dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để bảo vệ năng suất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến điều kiện thời tiết khí hậu và điều tra, theo dõi sự phát sinh phát triển của các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, nhất là trên lúa vụ xuân muộn như bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lẹp hạt, sâu đục thân, chuột... để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Đối với bệnh khảm lá sắn, người dân cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh, quản lý chặt chẽ nguồn giống đưa vào trồng, chắm dặm lại bằng các giống kháng sâu bệnh để đảm bảo kịp thời vụ. Cùng với đó, người dân thường xuyên kiểm tra trên ruộng sắn và những ruộng xung quanh, nếu có đối tượng bọ phấn trắng xuất hiện phải phun trừ ngay bằng thuốc có chứa hoạt chất Dinotefuran, Nitenpyram, Pymetrozine... Ngoài ra, các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả, bảo đảm sản xuất an toàn.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-cay-trong-vu-xuan-214398.htm