Chủ động phòng, tránh các bệnh mùa hè

Mùa hè mưa nắng đan xen, thời tiết nóng ẩm, có những đợt nắng nóng cao điểm dễ gây nên nhiều loại bệnh tật. Hầu hết các bệnh liên quan đến thời tiết đều có thể phòng, tránh được, người dân nên chú ý để bảo đảm sức khỏe của mình và gia đình.

Bệnh nguy hiểm đứng hàng đầu trong mùa hè là sốc nhiệt, say nắng, say nóng. Say nắng là khi ở ngoài trời lâu, hoặc làm việc lâu dưới thời tiết nắng nóng. Khi đó thân nhiệt tăng cao, hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể mất kiểm soát dẫn đến hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh,… bị rối loạn. Say nóng là khi làm việc trong không gian kín, nhiệt độ cao. Khi bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt, ban đầu tăng nhịp thở, nhịp tim, trống ngực hồi hộp, rồi dẫn đến hoa mắt, mệt mỏi, tay chân rã rời, nhức đầu, khó thở tăng dần, chuột rút,… Nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê, ngất, trụy tim mạch và tử vong.

Một ca bệnh bị sốc nhiệt phải nhập viện điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh.

Một ca bệnh bị sốc nhiệt phải nhập viện điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh.

Những năm trước, vào mùa hè Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều tiếp nhận các ca sốc nhiệt, say nắng, say nóng, trong đó có một số ca khá nặng. Năm nay, từ đầu mùa hè đến thời điểm này Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 3 ca bệnh nghi sốc nhiệt; trong đó có 1 ca là bệnh nhi tử vong, 2 ca người lớn cũng trong tình trạng rất nặng, phải chuyển tuyến trên. Ngoài ra còn có một số ca say nắng, say nóng.

Mùa hè cũng là mùa của các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Do nhiệt độ cao, mùa hè thực phẩm dễ ôi thiu. Người dân lại có xu hướng ăn, uống ở ngoài nhiều hơn, nhất là thức ăn đường phố, đồ uống vỉa hè vì tiện, thoáng mát… Điều này càng tăng nguy cơ, nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa, nặng thì bị ngộ độc thực phẩm. Các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh ít tiếp nhận các ca ngộ độc thực phẩm, nhưng có các ca rối loạn tiêu hóa.

Hiện nay gần như các cơ quan, gia đình đều có điều hòa. Việc sử dụng điều hòa không đúng cách trong mùa hè cũng dẫn đến những bệnh rất nguy hiểm. Ví dụ sau khi tắm đêm, vừa đi nắng về vào phòng điều hòa lạnh ngay, hoặc đi nắng về tắm nước lạnh ngay khiến cơ thể bị hạ thấp nhiệt độ đột ngột, máu không lưu thông dễ dẫn đến đột quỵ. Nhiều người, nhất là người già, trẻ em, người có sức đề kháng kém khi nằm điều hòa không đúng cách dễ dẫn đến các bệnh do nhiễm lạnh, như: viêm đường hô hấp, viêm phế quản, liệt dây thần kinh số 7. Ngoài ra, người lớn khi say rượu bia, để trẻ nằm thẳng hướng gió thổi của điều hòa, ở phòng điều hòa cả ngày, từ phòng điều hòa bước ra ngoài trời nắng nóng ngay cũng dễ dẫn đến bị các bệnh lý nguy hiểm.

Khi chạy máy lạnh, đóng kín cửa nên dễ thiếu dưỡng khí là nguy cơ gây nên các bệnh lý hô hấp.

Khi chạy máy lạnh, đóng kín cửa nên dễ thiếu dưỡng khí là nguy cơ gây nên các bệnh lý hô hấp.

TS, Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, năm nay khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi bị viêm phổi thùy. Trước đây bệnh này ít, vài tháng mới có một ca, nhưng đợt này nhiều, ngày nào cũng vài ca. Bệnh này nguy hiểm hơn nhiều viêm phổi bình thường, tình trạng bệnh nặng cả phổi trắng xóa, tràn dịch màng phổi, suy thở, sốt cao, mệt mỏi, suy nhược,… Bệnh diễn biến nặng, thời gian điều trị kéo dài, trước đây thường phải chuyển lên tuyến trên nhưng bây giờ đã điều trị được tại tuyến tỉnh. Theo bác sỹ Dũng cũng phải còn nghiên cứu thêm, nhưng việc nhiều trẻ bị viêm phổi thùy vào thời gian này nghi nhiều do có tác động của thời tiết đợt nắng nóng cao điểm vừa qua. Thời tiết nóng, trẻ nằm điều hòa nhiều gây viêm đường hô hấp trên sau đó nhiễm vi khuẩn, vi rút, sức đề kháng giảm dễ ảnh hưởng, dẫn đến viêm phổi thùy.

Bác sỹ Lê Tất Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Thời tiết nắng nóng, sức đề kháng suy giảm, các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng cần phải hết sức cảnh giác. Hiện mỗi ngày bệnh viện duy trì 90 - 100 bệnh nhân nội trú và vài chục bệnh nhân đến khám lấy thuốc điều trị ngoại trú. Lượng bệnh nhân này ít hơn một chút so với thời gian trước hè vì nhiều người bệnh nhẹ, thời tiết nắng nóng ngại đến viện, khi bệnh nặng mới đến nên khó cho việc điều trị, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính cần hết sức đề phòng.

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính cần hết sức đề phòng.

Mùa hè, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều cũng là mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tuần từ ngày 8-14/6 toàn tỉnh ghi nhận 8 ca mắc mới bệnh tay chân miệng có địa chỉ rải rác tại một số địa phương: xã Thanh Tâm (Thanh Liêm) 1 ca; các xã: Chính Lý, Nguyên Lý, Hòa Hậu, Xuân Khê (Lý Nhân) mỗi xã 1 ca; phường Yên Bắc (thị xã Duy Tiên) 1 ca. Như vậy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 32 trường hợp mắc. Đặc biệt, mùa hè cũng là mùa của sốt xuất huyết, nhất là mùa hè năm 2021, 2022 trên địa bàn tỉnh đã từng có khá nhiều người bị sốt xuất huyết. Tại các ổ dịch cũ, khi gặp thời tiết nóng ẩm của mùa hè rất dễ tái bùng phát. Trong tuần từ ngày 8-14/6 tuy không ghi nhận trường hợp mắc mới sốt xuất huyết, nhưng các tuần trước đó đã ghi nhận các ca mắc nội tỉnh và đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 19 trường hợp mắc sốt xuất huyết, rải đều ở cả 6 huyện, thị xã, thành phố, trong đó huyện Lý Nhân nhiều nhất với 7 ca.

Ngoài ra, vẫn có các ca mắc mới Covid-19. Trong tuần từ ngày 8-14/6 toàn tỉnh vẫn ghi nhận 26 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 ca chuyển nặng. Tại một số địa phương trong tỉnh cũng có rải rác các trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Đây cũng là bệnh truyền nhiễm, dễ mắc, dễ lây lan trong mùa hè.

Phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết ở thành phố Phủ Lý. Ảnh tư liệu

Tất cả các bệnh dễ phát sinh trong mùa hè đều có thể phòng, tránh được. Ví dụ, để phòng tránh sốc nhiệt, say nắng, say nóng, người dân không nên làm việc quá lâu dưới trời nắng nóng, làm một khoảng thời gian lại vào nghỉ và uống nước. Trong những ngày nắng nóng nên tránh làm việc ngoài trời trong khoảng thời gian từ 11h-15h. Khi ở ngoài trời nắng nóng phải che ô, mũ, mặc áo bảo hộ,…

Mùa hè nên hạn chế ăn đồ xào rán nhiều dầu mỡ; nên ăn canh, đồ luộc, hấp. Đồ ăn nên tránh chất béo; ăn đồ giàu đạm, vitamin, như thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, cua,… ăn nhiều hoa quả. Chọn thực phẩm tươi, tránh thực phẩm ôi thiu. Đặc biệt, phải uống nhiều nước, nhất là những người ở ngoài trời nắng nóng. Theo khuyến cáo của bác sỹ, ngày hè mỗi người nên uống từ 2,5-3 lít nước/ngày.

Khuyến cáo của bác sĩ, ngày hè mỗi người mỗi ngày nên uống từ 2,5-3 lít nước.

Khuyến cáo của bác sĩ, ngày hè mỗi người mỗi ngày nên uống từ 2,5-3 lít nước.

Đặc biệt, phải chú ý sử dụng điều hòa đúng cách. Đi nắng về không vào điều hòa ngồi ngay, không ở trong điều hòa cả ngày, và không bước thẳng từ phòng điều hòa ra bên ngoài, mà nên có thời gian cho cơ thể làm quen để tránh đột quỵ, viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên. Người già, trẻ em, người suy giảm sức đề kháng phải hết sức chú ý phòng để tránh những tác động tiêu cực từ nắng nóng mùa hè. Ngoài ra, người dân cũng chú ý đề phòng các bệnh truyền nhiễm mùa hè, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Nội dung: Đỗ Hồng.

Thiết kế: Đức Anh.

www.baohanam.com.vn

261

05:43 24/06/2023

bình luận

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/e-magazine/chu-dong-phong-tranh-cac-benh-mua-he-99588.html